Lợi nhuận PVN giảm 49% do tác động kép giá dầu và dịch Covid-19

Trần Anh - 09:44, 06/04/2020

TheLEADERDoanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam dự kiến tiếp tục giảm sâu nếu giá dầu không hồi phục trong thời gian tới.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, kết thúc quý 1, tổng sản lượng khai thác quy dầu vượt 10,1% so với kế hoạch; sản xuất điện quý 1 đạt 5,33 tỷ kWh, đạt 100% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 441,8 nghìn tấn, vượt 5,5% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 3,415 triệu tấn, vượt 2,5% kế hoạch.

Tuy nhiên,trong bối cảnh chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, các chỉ tiêu tài chính của PVN đã không đạt được như kế hoạch.

Theo PVN, giá dầu thô trung bình tháng 3/2020 đã giảm 20USD so với tháng 2/2020, tương ứng mức giảm 33%. Giá dầu trung bình quý 1/2020 giảm 3,8USD/thùng so với mức giá kế hoạch năm (60USD/thùng).

Chịu những tác động nặng nề đó, tổng doanh thu của toàn PVN trong quý 1 chỉ đạt 165 ngàn tỷ đồng, bằng 90,9% kế hoạch.

Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tháng 3 đạt 6,5 ngàn tỷ đồng, bằng 90,6% kế hoạch tháng; tính chung quý I đạt 20,8 ngàn tỷ đồng, bằng 89,7% so với kế hoạch quý I và bằng 25,3% kế hoạch năm.

PVN đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Nhiều đơn vị trong Tập đoàn đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ nếu như giá dầu không được cải thiện. Chuỗi giá trị của PVN cũng theo đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong văn bản gửi lên Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu phân bón, xăng dầu, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có đưa ra số liệu ước tính về kết quả kinh doanh quý 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của PVN trong quý 1 ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của PVN, trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng sẽ làm doanh thu bán dầu thô năm nay giảm tương ứng từ 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng. Điều này khiến tổng doanh thu ước giảm 23.000 tỷ đồng đến 141.000 tỷ đồng.

Báo cáo cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm dừng; đồng thời do tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu lửa giữa một số quốc gia trên thế giới, dẫn đến một số doanh nghiệp đang phải chịu tác động kép.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không hồi phục, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.

Để giải quyết khó khăn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) đã kiến nghị đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón, xăng dầu sản xuất trong nước để Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm này, giảm lượng hàng tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động.

Ủy ban kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét, khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số tập đoàn, tổng công ty trong đó có PVN.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 03 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.

Bộ Tài chính cũng được đề nghị xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp tiền thuế, tiền thuế đất bị truy thu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản đóng góp ngân sách để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tiếp tục giảm 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm đối với một số dự án yếu kém ngành công thương.