Lòng vòng với con ngẫm chuyện nhân tình thế thái

Vũ MInh Đức (*) - 16:17, 13/11/2017

TheLEADER"Ba chọn cách gạt những ồn ào, đua chen rơi lại phía sau để lòng vòng, loanh quanh với tụi con mà lại vui. Để rồi lâu lâu nhớ lại những tháng ngày tuổi thơ con - và chợt nghe góc ngày không còn rỗng...

Lòng vòng với con ngẫm chuyện nhân tình thế thái
Bác sĩ Vũ Minh Đức trong buổi ra mắt cuốn sách của anh năm 2016 tại TPHCM. Ảnh: TL TheLEADER

Thư gửi con,

Nếu có ai hỏi những khoảnh khắc đẹp nhất mỗi ngày của ba là gì? Rất dễ để trả lời - đó là những lúc ba chở tụi con đi học, chở bé Mèo đi đón chị Hai, rồi đường về - một đứa trước, một đứa sau - tíu tít với ba đủ chuyện. Đôi khi nghe con nói về những điều ba chưa hề biết, chợt thấy kiến thức con cũng nhiều thiệt. Cũng có khi cách góp nhặt của con khác với cách của ba, khiến ba học thêm được nhiều điều hay.

LTS: Mục "Doanh nhân viết" do TheLEADER tổ chức là mảnh đất để doanh nhân chia sẻ những trải nghiệm, cảm nhận và suy nghĩ của mình về công việc và cuộc sống với mục tiêu là cùng hướng đến những giá trị nhân văn và bền vững.

Ba thích kiểu học lịch sử của con - Tại sao tụi mình phải thuộc lòng một cách máy móc: ngày mấy - tháng mấy - làm gì! Khoảng chừng năm mấy là đủ rồi. Lịch sử nên là những câu chuyện lý thú khiến người ta không cần học mà khó quên. Cha con mình học lịch sử không giống ai cả - Quy ước với nhau đi trên con đường nào, mang tên ai thì chỉ chọn một câu chuyện thật hay, thật đặc biệt về nhân vật đó để nhớ là đủ.

Với con, lịch sử phải gọn mới được. Kiểu như - nhắc đến Mạc Đĩnh Chi là nhắc đến cậu bé nhà nghèo đến nỗi đèn dầu cũng không có để thắp, nên đã nghĩ ra cách bắt đom đóm cho vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn. Miệt mài học tập với ngọn đèn đom đóm ấy mà chẳng bao lâu, Mạc Đĩnh Chi trở thành người học rộng, tài cao, thi đỗ trạng nguyên.

Rẽ vào đường Cao Bá Quát, con bảo chẳng cần nhớ ông Cao Bá Quát sinh năm mấy, mất năm mấy để làm gì ba há! Điều con còn nhớ về Cao Bá Quát là câu đối vô cùng thông minh giữa Cao Bá Quát và Vua Minh Mạng: Nước trong leo lẻo, cá đớp cá (Vua) | Trời nắng chang chang, người trói người (Cao Bá Quát) – nghe thích gì đâu...

Có khi cha con mình nói về lịch sử một đất nước bằng những câu chuyện nghe hay hay. Mình nói đến Hàn Quốc không chỉ về K-POP mà về sự cần cù và tiết kiệm thời gian của người dân nơi đây. Có những chuyện bé xíu về chuyện tiết kiệm thời gian của họ khiến chúng ta ngớ người ra và nhớ mãi. Nhiều người chưa biết tại sao các quán ăn người Hàn Quốc không bao giờ để lọ tăm ngay trên bàn ăn mà chỉ để đúng một chỗ - trên một cái bàn duy nhất ngay chỗ cửa ra vào.

Chúng ta học bài học về sự quý trọng thời gian của người Hàn - ăn xong đứng lên lấy tăm ra ngoài về luôn, không cà kê ngồi trò chuyện mãi bên bàn ăn. Chúng ta quý trọng sự cần cù của họ. Họ không có đất canh tác, phải đào thạch nham sâu 1 mét, lấp đất lên rồi trồng trọt trên đó.

Vậy nên, ước mơ của trẻ em Chechou không phải là búp bê, đồ chơi máy bay, xe hơi,... mà là được ăn cơm trắng - những ước mơ vô cùng giản đơn.

Ba cũng thấy thích thích khi vừa đi lòng vòng, vừa nghe con nói dạo này con thử đánh răng bằng tay trái – một bài báo viết các nhà khoa học nói đây là cách để não mình ít lười hơn, mình sẽ tập trung hơn, tay trái mình cũng sẽ tinh xảo, khéo léo hơn.

Nó ngồ ngộ. Cứ thử những điều vui vui như thế, vô hại mà. Nghe - Phân định - Trải nghiệm - Cảm nhận, đúng không con?

Có lúc ba thấy vui vui khi nghe con nói chuyện về văn học rất rành mạch. Con hỏi ba trong 3 kiểu kết thúc một bộ phim, một quyển truyện - Happy Ending, Sad Ending, Opening Ending - Ba thích kiểu nào nhất? Ừ thì có người chia làm 3 kiểu ending, có nhà chuyên môn lại chia thành 6 kiểu. Ba thích cách con tự sắp xếp cho mình – miễn sao dễ nhớ, ít phải thuộc lòng. Lòng vòng để nghe con chia sẻ những gì con nghĩ, con thích - chợt thấy cuộc đời ý nghĩa hơn.

Cuộc đời, dù có cố khum tay cũng chẳng đong nổi vơi đầy, có cố đua chen rồi cũng đến ngày mòn sức. Có phải cứ kiếm cho nhiều tiền, ngồi ghế thật cao là giàu có, là hạnh phúc đâu, phải không con? Chỉ cần không nghèo, dư dả một chút đã là quý. 

Người ta vẫn thường nói: Đeo một chiếc đồng hồ $30 hay $300 cũng không khác gì vì chúng cùng chỉ một giờ. Mang một chiếc bóp $40 hay $400 cũng có khác là bao vì cũng đựng bấy nhiêu tiền thôi mà. Uống một chai rượu $20 hay $200 cũng say giống nhau. Ở trong căn nhà 100 mét vuông hay 1.000 mét vuông mà không đủ ấm thì nỗi cô đơn cũng giống hệt nhau. Lái chiếc xe $8.000 hay $80.000 thì ngẫm cho cùng cũng để chuyên chở thôi mà.

Hạnh phúc trong tâm hồn mỗi chúng ta lớn hơn vật chất bên ngoài thế gian kia rất nhiều. Có bạn bè, anh chị em, những người nói chuyện, cười đùa, hát xướng, tán gẫu với ta - đó mới là hạnh phúc con ạ.

Ba chỉ muốn con sống sao cho hạnh phúc, khi lớn lên tụi con sẽ không nhìn giá trị mọi việc bằng tiền. Chỉ đừng để mình thiếu thốn là đủ. Đích đến không nhất thiết phải là sự giàu có; đích đến cần đạt được là sự an nhiên con ạ. Cứ như kiểu bé Mèo nói với ba: “Tiền không mua được ba, mà con có ba nên con là người giàu có. Tiền cũng không mua được con và ba có con nên ba cũng là người giàu có luôn”.

Nghe có lý đó chứ vì “Chừng nào bạn có trong tay thứ mà tiền không mua được thì bạn thật sự là người giàu có” mà.

Cha con mình hãy làm người giàu có trong kiểu suy nghĩ riêng của mình con nhá – không lung linh, tráng lệ nhưng đủ ấm áp là vui rồi. Ba chọn cách dành chút thời gian cùng con học hành, loanh quanh; bớt đi những buổi tiệc tùng, tiếp khách có lúc tới tận khuya.

Ba chọn cách gạt những ồn ào, đua chen rơi lại phía sau để lòng vòng, loanh quanh với tụi con mà lại vui. Để rồi lâu lâu nhớ lại những tháng ngày tuổi thơ con - và chợt nghe góc ngày không còn rỗng...

Con nít chạy vòng vòng

Những tiếng cười rất trong

Đong vào nắng

Gắn vào mưa

Lăn tăn nỗi nhớ.

Cám ơn và thương lắm những người bạn lòng vòng cùng ba.

Ngoài kia thời gian tách vỏ kìa!

(*) Tác giả là bác sĩ, nhạc sĩ, Giám đốc phòng khám Tân Mỹ