Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve: Những người hùng áo trắng

11:11, 19/02/2021

TheLEADERLữ đoàn bác sĩ Henry Reeve được lãnh tụ cách mạng Fidel Castro thành lập vào ngày 19/9/2005, hoạt động như những tình nguyện viên, sẵn sàng có mặt để hỗ trợ y tế, ngăn chặn dịch bệnh ở những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve: Những người hùng áo trắng
Được thành lập bởi lãnh tụ vĩ đại Fidel Castro, lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve luôn có mặt tại tuyến đầu phòng chống những đại dịch kinh hoàng nhất trên toàn thế giới.

Năm 2005, khi cơn bão Katrina tràn vào nước Mỹ, gây ra những thiệt hại nặng nề, Cuba đã cử hàng ngàn nhân viên y tế tới hỗ trợ công tác cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, mặc dù 2 nước vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.

Chính phủ Mỹ đã từ chối lời đề nghị đầy thiện ý này nhưng đoàn y tế vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình ở nhiều nơi trên thế giới. Họ được gọi là Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve, đặt theo tên chiến sĩ người Mỹ đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập của Cuba khi chỉ mới 26 tuổi.

“Chưa một lần nào, trong suốt chiều dài lịch sử Cách mạng, nhân dân ta lại từ chối hỗ trợ y tế cho các quốc gia khác khi thảm họa ập đến, bất kể sự khác biệt lớn về chính trị, ý thức hệ hay thậm chí là cả những lời xúc phạm nghiêm trọng”, lãnh tụ vĩ đại của Cuba, Fidel Castro phát biểu trong lời tuyên bố thành lập lữ đoàn bác sỹ Henry Reeve.

Tuyến đầu chống dịch Ebola

Với tỷ lệ tử vong lên đến 90%, Ebola được xem là một trong những cơn ác mộng khủng khiếp nhất trên toàn thế giới. Năm 2014, dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, khiến khu vực nghèo đói, lạc hậu bậc nhất thế giới này dường như trở thành địa ngục.

Trong thời khắc nguy nan ấy, những thiên thần khoác trên mình chiếc áo blouse trắng thuộc lữ đoàn Henry Reeve, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ Cuba, hưởng ứng tinh thần quốc tế cộng sản bất diệt, đã tình nguyện tạm biệt gia đình, dấn thân vào vùng dịch bệnh tại đất nước Sierra Leone, chiến đầu giành giật lại sự sống cho những bệnh nhân.

Trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, các bác sĩ người Cuba vừa phải chữa trị cho hàng ngàn bệnh nhân, vừa phải đảm bảo các quy tắc phòng chống dịch. Nhưng rủi ro vẫn xảy ra.

“Tôi không biết tại sao mình lại nhiễm bệnh khi không hề vi phạm quy trình phòng dịch nào”, thành viên lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve không may lây nhiễm Ebola kể lại.

Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve: Những người hùng áo trắng
TS. Felix Sarria Baez, thành viên tiêu biểu của lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve.

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ Felix được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chính phủ Cuba đồng ý đưa tới Geneva, Thụy Sĩ để tiếp nhận điều trị bằng phương pháp mới.

10 ngày kể từ sau khi bị nhiễm bệnh, bác sĩ Felix lại khăn gói lên đường quay trở lại Sierra Leone để “kết thúc những gì mình đã bắt đầu”. Người hùng áo trắng cũng không quên ghé qua Thụy Sĩ để hiến huyết tương, giúp những người không may mắc Ebola trong tương lai có thêm cơ hội được cứu sống.

Năm 2017, ông Felix đại diện cho lữ đoàn y tế Henry Reeve nhận giải thưởng danh giá vì sức khỏe cộng đồng mang tên bác sĩ Lee Jong-wook do WHO trao tặng.

“Giải thưởng Tưởng niệm bác sĩ Lee Jong-wook vì sức khỏe cộng đồng là sự ghi nhận vô giá đối với lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve, cũng như động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng tình hữu nghị, hỗ trợ những tình huống khẩn cấp và thiên tai”, bác sĩ Felix phát biểu tại lễ trao giải thưởng.

“Các bác sĩ Cuba đã đến mà không đòi hỏi bất cứ điều gì”

Năm 2020, đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên toàn nhân loại, với những đau thương mất mát không thể nào đo đếm được. Thành công khống chế dịch bệnh trong nước, lữ đoàn Henry Reeve lại khăn gói lên đường, bổ sung vào lực lượng tuyến đầu chống dịch tại hàng chục quốc gia, từ châu Âu, châu Mỹ cho tới những mảnh đất khốn khó nhất của lục địa đen.

“Các bác sĩ Cuba đã đến mà không đòi hỏi bất cứ điều gì”, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa kể về những chiến binh áo trắng đã tới hỗ trợ đất nước của ông, trong khi các nước lớn vẫn đang mải mê tranh cãi, đổ lỗi cho nhau.

Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve: Những người hùng áo trắng 1
Những thiên thần áo trắng Henry Reeve được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Khi Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, những người anh em “quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì nhân dân Việt Nam” cũng đã đến hỗ trợ Việt Nam đẩy lùi đại dịch.

Cảm phục tấm lòng “lương y như từ mẫu” cùng tinh thần quốc tế cộng sản đầy nhân ái của những bác sĩ thuộc lữ đoàn Henry Reeve, nhiều cá nhân, tổ chức đã lên tiếng đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho những người hùng áo trắng.

Trong thư đề cử, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) đã thống kê những “thành tích” của những y bác sĩ người Cuba, bao gồm tham gia cứu trợ 16 trận lụt, 8 cơn bão lớn, 8 trận động đất và 4 đại dịch trên toàn thế giới.

Giải Nobel Hòa bình 2020 không được trao cho đội ngũ Henry Reeve, tuy nhiên những lời kêu gọi vẫn chưa ngừng lại. Vừa qua, một nhóm hơn 200 giáo sư đại học Mỹ đã viết thư gửi cho Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình để tiếp tục đề cử các bác sĩ Cuba cho Nobel Hòa bình 2021.

Thế nhưng việc đạt được danh hiệu cao quý nhất cho những cống hiến vì nền hòa bình và thịnh vượng của nhân loại không phải là điều quá quan trọng. “Chúng tôi rất vinh dự khi được đề cử, nhưng nếu không nhận được danh hiệu này, không có điều gì thay đổi bởi mọi điều chúng tôi làm đều là vì bệnh nhân trên toàn thế giới”, chia sẻ của một thành viên Henry Reeve.