Lúng túng tái khởi động du lịch

Hứa Phương - 11:52, 07/05/2020

TheLEADERKhông dễ để các doanh nghiệp du lịch quay trở lại hoạt động bình thường sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, do nhiều doanh nghiệp du lịch và khách sạn đóng cửa trong thời gian vừa qua để chống dịch Covid-19 dẫn đến không có doanh thu nên khi khôi phục hoạt động trở lại rất khó khăn.

Chẳng hạn, các khách sạn đã được phép mở cửa nhưng lại rơi vào tình trạng không có khách nên đang chọn phương án mở từng phần và giãn lao động và chính điều này đã khiến hệ thống lưu trú không sẵn sàng nhận khách.

Điển hình là việc Đà Lạt rơi vào tình trạng “vỡ trận” trong dịp lễ 30/4 -1/5 vừa rồi. Lượng khách đến Đà Lạt không đông đến mức khiến hệ thống dịch vụ lưu trú bị quá tải, nhưng do không có sự chuẩn bị trước nên dẫn đến thiếu người phục vụ.

Các công ty lữ hành như Vietravel cũng không thể một sớm một chiều quay trở lại hoạt động ngay được vì trong thời gian vừa qua, hầu hết đã đóng cửa và cho nhân viên nghỉ không lương. 

Do không có nguồn thu nên các công ty lữ hành kiệt quệ về dòng tiền và khi hoạt động trở lại thì không biết lấy tiền đâu để trả lương cho nhân viên cũng như chi phí tiếp thị. Vay ngân hàng cũng không được vì hầu như các công ty du lịch không có tài sản thế chấp như các khách sạn. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch khó tiếp cận các gói cứu trợ của Chính phủ, đặt họ vào tình thế nguy hiểm cũng như làm chậm khả năng phục hồi của ngành du lịch vì công ty lữ hành chính là nơi nghiên cứu và phân bổ khách đi đến các điểm du lịch.

Lúng túng tái khởi động du lịch
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel

Theo ông Kỳ, nếu các công ty lữ hành không hoạt động lại được trong thời gian tới thì thị trường du lịch lại rơi vào tình trạng như đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 khi người dân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến các điểm du lịch nên gây ra tình trạng tắc đường từ TP. HCM đi Đà Lạt. 

Các chuyến bay Bắc-Nam hiện nay chưa được mở nhiều, chưa kể chưa mở đường bay và tiếp nhận khách quốc tế, nên du lịch cũng chưa có cơ sở để phục hồi.

Bên cạnh đó, du lịch mở cửa đến đâu phải có dịch vụ hỗ trợ đến đó, nhưng vấn đề khó nhất là TP. HCM và các tỉnh thành chưa thống nhất công bố các điểm du lịch sẽ mở như thế nào để người dân được biết. Vì thế, các công ty lữ hành lúng túng không biết tổ chức cho khách đi những đâu và dịch vụ đã mở hết chưa.

Như trong dịp lễ vừa qua, khách du lịch đến Vũng Tàu chỉ đứng ngắm biển rồi về chứ không được tắm vì vẫn cấm biển.

Hơn nữa, dịch vụ ban đêm hiện nay cũng chưa mở, nhà hàng mở nhưng giãn cách khiến khách đến lúc mở lúc không, các trung tâm thương mại cũng rơi vào tình trạng lúc đóng lúc mở.

Ngay như chợ Bến Thành hiện nay đã mở cửa nhưng khi mở ra lại không có khách nên thương nhân đóng quầy, dẫn đến tình trạng khi khách đến cũng không có dịch vụ. 

"Điều này dẫn đến tình trạng các cơ sở du lịch được mở cửa cũng như không mở", ông Kỳ nói trong tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP. HCM năm 2020” được tổ chức mới đây.

TP. HCM hiện nay đã ban hành tiêu chí an toàn nhưng lại chưa có bản đồ số an toàn để cung cấp thông tin cho khách những điểm đến an toàn.

Để du lịch TP. HCM phục hồi, ông Kỳ đề nghị nên lập một "siêu sở" có đầy đủ chức năng với mục đích giải quyết nhanh những tồn tại, vướng mắc để cứu doanh nghiệp. 

Thành phố cần có chính sách giảm 30% vé tham quan trong vòng từ 3-6 tháng để kích cầu khách nội địa.

Ông Kỳ kiến nghị thành phố triển khai nhanh gói cứu trợ của Chính phủ như chính sách hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người lao động nên đưa thẳng về các doanh nghiệp thực hiện chi trả theo danh sách đóng bảo hiểm xã hội, sau đó thành phố hậu kiểm, tránh tình trạng quận thì đang thực hiện, quận thì chưa như hiện nay.

Các doanh nghiệp hiện nay không dám đề xuất giãn nợ vì sẽ bị xếp vào mức tín dụng xấu trên hệ thống của Ngân hàng Nhà nước khiến lần sau có nhu cầu vay sẽ rất khó. Ngân hàng hiện đều giảm lãi suất hết nhưng mức giảm chưa được như kỳ vọng nên chi phí các doanh nghiệp vẫn tăng.

Nếu giãn nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đến cuối năm thì doanh nghiệp vẫn phải trả trong khi các doanh nghiệp du lịch từ nay đến tháng 9 chủ yếu là khai thác khách trong nước, biên độ lãi rất thấp dẫn đến không đủ chi phí vận hành.

Vì thế, ông Kỳ cho rằng nên tính toán giảm thuế VAT về 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm về 15%, còn như hiện nay là hơi nặng trong bối cảnh doanh nghiệp đang vật lộn với dịch bệnh.

Theo ông Kỳ, ngành du lịch gọi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng lại chưa được hỗ trợ tương xứng để các doanh nghiệp khôi phục hoạt động nên "mũi nhọn lại đang trở thành mũi tù".