Lúng túng xử lý 160 dự án BT chuyển tiếp

Nguyễn Cảnh - 09:38, 23/02/2024

TheLEADERVướng mắc liên quan đến quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư và thiếu các quy định cụ thể là hai nguyên nhân chính khiến các địa phương đang rất "lúng túng" trong việc xử lý 160 dự án BT chuyển tiếp.

Lúng túng xử lý 160 dự án BT chuyển tiếp
Một đoạn đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở

Cách đây gần một năm, Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì rà soát, xây dựng lộ trình xử lý 160 dự án BT chuyển tiếp (tức được thực hiện trước thời điểm Luật PPP bãi bỏ hình thức hợp đồng BT). 

Hầu hết dự án trong số này thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng hạ tầng văn hóa, thể thao, giáo dục, kỹ thuật. 

Tổng mức đầu tư các dự án BT này được ghi nhận vào khoảng 58.600 tỷ đồng, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư dự kiến gần 20.700ha. Trong đó, Bắc Ninh với 41 trường hợp, tiếp sau là Hà Nội với 17 dự án, Khánh Hòa 15, Hà Nam 12, Thái Nguyên 10.

Về tiến độ, 16 dự án đã hoàn thành và quyết toán, 48 dự án đã hoàn thành nhưng chưa hoặc đang quyết toán, 63 trường hợp đang triển khai, 11 dự án chưa khởi công dù đã ký hợp đồng. 

Đáng chú ý trong đó có 3 trường hợp do liên danh Tập đoàn Phúc Lộc – Cienco 8 đã hủy bỏ chủ trương đầu tư và đang thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng tại Thái Nguyên.

Quỹ đất đối ứng vượt giá trị công trình

Quá trình rà soát tổng thể cho thấy, vướng mắc của các dự án BT chuyển tiếp nêu trên nằm ở hai vấn đề chính.

Thứ nhất là giá trị quỹ đất thanh toán vượt giá trị công trình BT. Áp dụng các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 69 năm 2019 của Chính phủ, việc thanh toán cho nhà đầu tư đòi hỏi xem xét yếu tố giá trị quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đảm bảo nguyên tắc ngang giá, phải tương đương với giá trị dự án.

Tuy nhiên, trên thực tế, 21 dự án tại 8 địa phương đã ký hợp đồng BT trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực gặp tình trạng giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt giá trị công trình, thậm chí lớn hơn 2-3 lần. 

Trong số này, nhiều nhất là Hà Nội với 10 dự án. Trong đó, dự án đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở (ghép với đoạn dưới thấp Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng), hiện Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có ý kiến, Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đang trình chủ trương sử dụng quỹ đất khu đô thị Đan Phượng 130ha để thanh toán cho nhà đầu tư.

Tại dự án tuyến đường 2,5 đoạn Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A, liên danh nhà đầu tư Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội – Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà hiện chưa được giao đất thanh toán do giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tạm tính lớn hơn giá trị BT nhiều lần.

Được UBND TP. Hà Nội duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010, khởi công năm 2014, tiến độ thực hiện từ năm 2013 - 2016. Dự án đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì nhiều vướng mắc, với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, dự án được đối ứng bằng dự án khu đô thị mới phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim – Định Công quận Hoàng Mai.

Tại dự án xây đường giao thông quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, UBND TP. Hà Nội đã thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất khu đô thị Nam đường vành đai 3 (giai đoạn 1 khoảng 14ha cho dự án BT, giá trị tiền sử dụng đất lớn hơn giá trị công trình BT khoảng 1.700 tỷ đồng). Nhà đầu tư đã nộp tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) giai đoạn 1 đang ở tình trạng thực hiện các nội dung theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thông báo 1345 của UBND thành phố hồi tháng 11/2017. Nhà đầu tư đã nộp 510 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị tiền sử dụng đất.

Trên cơ sở chỉ đạo cấp thẩm quyền, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội đang thực hiện duyệt điều chỉnh dự án này , nhà đầu tư được yêu cầu nộp 920 tỷ đồng chi phí lãi vay vào ngân sách nhà nước trước khi thực hiện giai đoạn 2.

Liên quan đến vướng mắc trên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, các địa phương đang lúng túng khi thực hiện thanh toán theo quy định. Nhằm giải quyết tình trạng này, nhiều địa phương đã "hiến kế" giải pháp thực hiện 

Cụ thể, các ý kiến từ Hà Nội, Hải Phòng cho rằng, để bảo đảm nguyên tắc ngang giá thì chỉ giao phần diện tích quỹ đất có giá trị tương đương giá trị dự án BT đã được quyết toán, giá trị quỹ đất thanh toán được xác định tại thời điểm giao đất.

Hay như 3 tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An đưa ra phương án giao toàn bộ quỹ đất theo hợp đồng BT, phần chênh lệch giữa giá trị quỹ đất và giá trị dự án được bù trừ và nhà đầu tư có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước. 

Riêng Lào Cai, Sơn La, Điện Biên vẫn lúng túng chưa có giải pháp và chờ hướng dẫn.

Thiếu quy định cụ thể

Vướng mắc tiếp theo là quá trình triển khai các dự án BT phát sinh một số vướng mắc về sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán/bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cho nhà đầu tư.

Cụ thể, trong trường hợp giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán nhỏ hơn giá trị công trình BT, pháp luật chưa quy định về trình tự, thủ tục, nguồn vốn, dù Nghị định 69 nêu rõ nhà nước thanh toán số tiền chênh lệch bằng tiền/quỹ đất cho nhà đầu tư.

Đặc biệt là việc sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở cơ quan Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư gặp vướng do Nghị định 69 chưa quy định cụ thể về cơ sở, điều kiện để Thủ tướng quyết định việc giao đất.

Đây là nguyên nhân khiến 10 hợp đồng BT tại Thái Nguyên, Khánh Hòa, TP.HCM và Đắk Lắk chưa được thanh toán dù hầu hết nhà đầu tư đã quyết toán/hoàn thành xây dựng công trình.

Ngoài ra, một số địa phương như Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Nội, Khánh Hòa ghi nhận vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng BT như: chậm đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện dự án qua đó làm phát sinh chi phí đầu tư, gia tăng lãi vay và làm tăng giá trị dự án BT.

Nhà đầu tư chưa nộp giá trị ngân sách đã chào tại hồ sơ dự thầu, cũng như xử lý, khắc phục theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.