Lý do doanh nghiệp khó vay gói hỗ trợ tín dụng 600 nghìn tỷ

Quỳnh Chi - 08:57, 20/04/2020

TheLEADERTheo đại diện Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trong mùa dịch phải có tài sản đảm bảo, chứng minh được dòng tiền và hiệu quả của dự án.

Vào đầu tháng 3/2020, Chính phủ thông báo chính thức có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ cho vay trong mùa dịch Covid-19. Gói này sau đó đã được nâng lên 285.000 tỷ đồng khi có thêm nhiều ngân hàng muốn tham gia. Đến 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng.

Ngày 17/4, gói tín dụng này được nâng quy mô lên 600.000 tỷ đồng, dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, tập đoàn và khách hàng cá nhân.

Lý do doanh nghiệp khó vay gói hỗ trợ tín dụng 600 nghìn tỷ
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ “kêu ca” với ông rằng họ tìm đến ngân hàng nhưng nhiều ngân hàng nói chưa thể cho vay vì chưa có hướng dẫn, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, doanh nghiệp đang đóng cửa…

“Cứ thế này bao nhiêu ngàn doanh nghiệp sẽ lao đao, khốn khó. Thế thì gói nào cho những doanh nghiệp đó?”, ông Hiếu đặt vấn đề tại hội nghị trực tuyến "Áp dụng nền tảng số cho SMEs bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn - Thời kỳ hậu Covid-19".

Do vậy, vị chuyên gia này đề xuất, Chính phủ cần một gói riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mức độ ít nhất 2% GDP lên khoảng 150.000 tỷ đồng, có thể qua cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc từ ngày 3/1/2020 là thời điểm dịch mới xảy ra dù chưa xác định được mức độ thiệt hại. Dựa vào diễn biến dịch bệnh, các biện pháp, chính sách cũng đã lần lượt được ban hành và đến ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Kết quả triển khai đã tổ chức cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ được khoảng gần 30.000 tỷ đồng tính đến ngày 17/4. “Điều này có nghĩa là khách hàng có nhu cầu vay vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh và có phương án khả thi thì sẽ được ngân hàng cho vay với  lãi suất giảm so với trước dịch. Thông điệp rất rõ ràng, công khai”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, đó là hành động quyết liệt của ngành ngân hàng để các doanh nghiệp yên tâm. Thông tư 01 vừa được ban hành hơn một tháng, nếu muốn làm được, các tổ chức tín dụng phải tổ chức rà soát, đánh giá yếu tố pháp lý của các doanh nghiệp, xem khách hàng nào ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp để từ đó áp dụng mức giảm lãi suất cho phù hợp, tuỳ theo chính sách của các ngân hàng thương mại.

Chẳng hạn, Vietcombank đã thông báo giảm 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19.

Lý do doanh nghiệp khó vay gói hỗ trợ tín dụng 600 nghìn tỷ 1
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

“Muốn làm nhưng không làm nhanh được. Vừa rồi tôi với ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đi khảo sát tình hình triển khai ở một số ngân hàng, nhưng cần phải thông cảm cho họ vì các ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp trên cơ sở có khả năng chứ không phải hỗ trợ vô điều kiện. Các ngân hàng cũng đã giảm chi phí, tiền lương, thưởng, không chia cổ tức để hỗ trợ doanh nghiệp”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết. 

Ngành ngân hàng tuyên bố không bao giờ thiếu vốn, nhưng vốn đầu tư phải vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo trả cả gốc và lãi
Ông Nguyễn Quốc Hùng
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng (sau này đã được nâng lên 600.000 tỷ đồng) cũng thể hiện thông điệp tới các doanh nghiệp là ngành ngân hàng không thiếu tiền, vấn đề là sức hấp thụ của nền kinh tế như thế nào vì trên thực tế cho thấy, sức hấp thụ của nền kinh tế đã giảm khá mạnh trong thời gian qua.

Theo đó, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trong mùa dịch phải có tài sản đảm bảo, chứng minh được dòng tiền và hiệu quả của dự án. Vì đây là vốn tự nguyện của ngân hàng, không phải vốn ngân sách nên cho vay phải thu hồi được cả vốn và lãi.

“Việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ là ưu ái rồi, là để cho các doanh nghiệp được sống. Không có khả năng trả nợ thì được kéo dài đến tối đa 12 tháng, không bị chuyển sang nhóm nợ xấu để tiếp tục được vay”, ông Hùng nói.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng ,những doanh nghiệp muốn được ưu đãi vay với lãi suất thấp hơn trong mùa dịch cần chia sẻ với ngành ngân hàng để đánh giá rà soát, tìm hướng đi mới trong lúc khó khăn, cơ cấu lại chính mình, đánh giá các phương án có hiệu quả để đặt vấn đề với ngân hàng.

“Nếu thiếu tài sản đảm bảo thì để ngân hàng quản lý dòng tiền, nếu như vậy, không có ngân hàng nào từ chối cho vay cả vì vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp, vừa cho vay mà đảm bảo an toàn về vốn, ít rủi ro”, ông Hùng cho biết thêm.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển trong buổi giao lưu trực tuyến "Sống sót qua đại dịch Covid-19" đã nhận định, khoản vay ưu đãi về lãi suất cho các doanh nghiệp đợt này khác hẳn với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009. 

Nỗi khổ của ngành ngân hàng khi bị “kêu” mùa dịch Covid-19 1
Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển

Cụ thể, vào thời điểm hơn mười năm trước, khi cho vay ưu đãi, ngân sách sẽ bù đắp vào chênh lệch lãi suất. Còn lần này, trừ ngân hàng Chính sách xã hội, thì đây là ưu đãi của các ngân hàng thương mại, sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do vậy khi xem xét khoản cho vay này, ngân hàng sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế của họ trong thực hiện các khoản vay.

"Ngân hàng cũng có tính toán của họ, có trách nhiệm với việc hoàn vốn, tính đến rủi ro trong khoản cho vay. Do vậy, cần tiếp cận từ hai phía, ngân hàng cần tìm mọi cách để đơn giản hoá thủ tục. Doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, chuẩn bị điều kiện để sản xuất khi nền kinh tế phục hồi và có dòng tiền để trả ngân hàng", Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển nói.

Không chỉ vậy, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ với nền tảng, điều kiện, tích lũy chưa có nhiều nếu không có kế hoạch phát triển công ty sau dịch thì việc đi vay ngân hàng trong mùa dịch sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ và ảnh hưởng đến cả ngân hàng.

"Tôi khuyên doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu chưa có kế hoạch tốt cho hậu dịch thì không nên vay. Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn", ông Anh nói.