Mê hồn trận thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng

An Chi - 15:53, 29/03/2018

TheLEADERĐể thẩm định một dự án đầu tư xây dựng, thay vì chỉ cần thời gian 15 ngày như trên lý thuyết, các chủ đầu tư thực tế phải mất đến 5 - 6 tháng là chuyện bình thường.

Mê hồn trận thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn vì thủ tục hành chính.

"Đó cũng là lý do khiến các nhà đầy tư nước ngoài luôn xác định thà mua lại dự án M&A với chi phí cao hơn một chút còn hơn là việc họ phải trực tiếp đi vào mê hồn trận thủ tục hành chính", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dầu khí toàn cầu (GPInvest), Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam nói về những khó khăn, "rối rắm" trong trong đầu tư xây dựng của Việt Nam.

Doanh nghiệp gặp khó

Tại Hội nghị Lắng nghe khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản, ông Hiệp cho hay, theo thống kê hiện nay hoạt động đầu tư xây dựng đang đóng góp khoảng 10% cho sự tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng của Việt Nam còn quá phức tạp, rườm rà. 

Trước hết là sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý. Theo ông Hiệp, đây chính là rào cản lớn nhất trong việc cải thiện các thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. 

Cụ thể, liên quan đến những hoạt động đầu tư xây dựng, riêng Bộ Xây dựng là cơ quan soạn thảo và chỉ đạo, theo dõi thực hiện bốn luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản.

Chủ tịch GPInvest kêu trời về mê hồn trận thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịchGP Invest

Bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo và chỉ đạo Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. Bộ Tài Nguyên và môi trường soạn thảo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Công an quản lý về các vấn đề liên quan đến phòng cháy chữa cháy. 

Như vậy, liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng hiện có hàng chục luật tác động. Tuy nhiên, điều quan trọng là cùng một vấn đề nhưng giữa những luật này và luật kia còn có sự khác biệt nên việc vận dụng xử lý gây khó khăn rất lớn cho người thực hành, Chủ tịch GPInvest nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Hiệp: " Một thực tế nữa là dưới luật còn có vô vàn nghị định, thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, các văn bản này đều có hiệu lực pháp lý rất cao nên càng làm cho hàng rào pháp lý thêm rối rắm".

Vướng mắc thứ hai là sự chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống trong thủ tục hành chính. Ông Hiệp lấy ví dụ về việc để thẩm định một dự án đầu tư xây dựng, doanh nghiệp chắc chắn phải làm việc với Bộ Xây dựng, với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, nếu có đất đai thì lại phải làm việc với Bộ Tài Nguyên và môi trường, chưa kể về chiều cao tĩnh không phải qua Bộ Quốc phòng.

Như vậy, chủ đầu tư phải làm việc với bốn bộ ngành một cách độc lập mà không có một cửa thống nhất một đầu mối giải quyết

Hay một ví dụ khác như việc xin giấy phép chứng nhận đầu tư cho dự án. Tuy Sở Kế hoạch đầu tư là đầu mối tiếp nhận hồ sơ theo quy định và nếu hồ sơ hợp lệ thì 15 ngày sau sẽ có kết quả trả cho chủ đầu tư. 

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, Sở Kế hoạch và đầu tư lại gửi văn bản xin giấy phép chứng nhận đầu tư cho dự án tới hỏi ý kiến tới Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở Tài nguyên và môi trường và quận, huyện có dự án. Thực chất, chủ đầu tư vẫn phải trải qua sáu cửa trên và phải trực tiếp tới làm việc với cả sáu đơn vị này mới giải quyết được công việc.

"Cách làm như hiện nay đã khiến một thủ tục phải thành 5 – 6 thủ tục khác nhau, thời gian từ 15 ngày trên lý thuyết thành 5 - 6 tháng là bình thường, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, tiến độ triển khai dự án cho doanh nghiệp", ông Hiệp phân trần.

Chia sẻ những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài chính của EVN quy định, các dự án đầu tư xây dựng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công. Trường hợp vượt quá, EVN phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét quyết định. 

Như vậy, đối với các dự án nhóm A, không sử dụng vốn đầu tư công có giá trị từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sẽ do cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định đầu tư. Hiện Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nhưng năng lực và thẩm quyền của chủ sở hữu, cơ quan đại diện chưa được quy định. 

Thực tế hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng như của EVN có nhiều hạng mục công trình thuộc nhiều chuyên ngành kỹ thuật và cấp khác nhau. Nếu tất cả các hạng mục này đều phải tính theo hạng mục công trình chính và trình thẩm định sẽ kéo dài quá trình thực hiện dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án. 

"Để tránh chồng chéo trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, gây lúng túng cho chủ đầu tư, EVN kiến nghị cần phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền thẩm định và quyết định" ông Nguyễn Tài Anh cho biết.

Tạo cơ chế xin - cho

PGS.TS Trần Chủng, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhấn mạnh, việc khó khăn trong thủ tục hành chính hiện đang tạo ra cơ chế xin - cho giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Do đó cần hạn chế những quy định chung chung, tạo ra cơ chế xin - cho này.

Thực thế nội dung thẩm định cần thực hiện là khối lượng công việc rất lớn và với lực lượng công chức có hạn, hiểu biết về các lĩnh vực chuyên sâu là không thể. Luật nên phân cấp theo hướng cơ quan chuyên môn của nhà nước (các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, UBND tỉnh, thành phố) chỉ cần thẩm định thiết kế cơ sở. 

Các nội dung khác có thể phân cấp cho cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư thẩm định, nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.

Thủ tục rườm rà là vậy, song điều đáng nói là hệ thống văn bản này lại bộc lộ nhiều kẽ hở cho sai phạm. Theo ông Hiệp, các quy định pháp luật chưa nêu rõ về các thể chế để doanh nghiệp thực hiện một cách đầy đủ. Từ đó xảy ra hiện tượng vi phạm tràn lan về quy định xây dựng, cấp phép xây dựng

Chủ tịch GPInvest cho rằng, những vi phạm của chủ đầy tư về công tác quy hoạch cần có biện pháp xử lý dứt khoát, kiên quyết loại bỏ hình thức "phạt cho tồn tại" nếu chủ đầu tư tự xây sai phép, phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt.

Ông Hiệp cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tránh tình trạng lãng phí thời gian, tiền bạc gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.

Về các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Bộ Xây dựng sẽ giải quyết các vướng mắc theo hệ thống và trên tinh thần sửa một cách toàn diện, phục vụ xã hội. Bộ sẽ tập hợp ý kiến, xin ý kiến Chính phủ vào ngày 2/4 và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 5.