Mô hình EPR hiệu quả cho quản lý chất thải rắn của ngành bao bì

Phạm Sơn - 11:46, 17/07/2021

TheLEADERTrách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là tập hợp nhiều công cụ chính sách quan trọng hỗ trợ quản lý chất thải rắn một cách hiệu quả, được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, cần có một mô hình phù hợp để thực thi EPR đạt được tối đa kỳ vọng.

Mô hình EPR hiệu quả cho quản lý chất thải rắn của ngành bao bì
La Vie là một thành viên của PRO Việt Nam đã tiên phong loại bỏ màng co nắp chai để giảm rác thải phát sinh.

Điều 54 và 55 trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra hai công cụ chính sách hướng tới nhà sản xuất, nhập khẩu, bao gồm trách nhiệm đóng góp tài chính và trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm bị thải bỏ sau quá trình sử dụng.

Đây cũng là hai công cụ chính sách nền tảng để thực hiện các tiếp cận EPR trong quản lý chất thải rắn, được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ cho việc thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Thực tế, EPR đã được nhắc tới trong Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đi vào đời sống, không tạo ra được tác động đáng kể tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Đây là một trong những nguyên nhân khiến khả năng quản lý chất thải rắn không theo kịp tốc độ công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật cho biết, công cụ EPR đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và đem lại hiệu quả cao. 

Theo rà soát của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong hơn 400 mô hình EPR được triển khai trên khắp thế giới, đa phần đều được tổ chức theo hình thức tập thể, tức là thành lập những tổ chức trách nhiệm của nhà sản xuất để thực hiện trách nhiệm thu hồi, xử lý và tái chế, thay vì tiến hành một cách riêng lẻ.

Lưu ý cho ngành bao bì

Bà Phượng nhận xét, điều 54 và 55 của Luật Bảo vệ môi trường đưa ra công cụ EPR có phần tiến bộ hơn so với các quy định cũ, giúp đa dạng dòng chất thải, tăng khả năng tiếp cận và độ bao phủ cũng như khắc phục sự bất bình đẳng.

Tuy nhiên, nhìn từ sự chưa thành công trước đó, có thể thấy được nhiều điểm yếu của Việt Nam trong quá trình thực thi chính sách EPR, ví dụ như sự thiếu hụt về thông tin; không có động lực hành động; không đủ tiềm lực và kinh nghiệm…

Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không đóng góp tích cực cho ngành tái chế, thậm chí đề ra những quy định thu gom rác mang tính chất “đẩy trách nhiệm về phía người tiêu dùng” như thiết lập quá ít điểm thu gom hay chỉ thu gom phế thải đạt tiêu chuẩn nhất định.

Để thực thi EPR với những quan điểm mới, ngành bao bì đang có những lợi thế lớn, đặc biệt là với sự thành lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), được các chuyên gia nhận xét là “hình thức sơ khai của tổ chức thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”.

Để PRO Việt Nam, ngành bao bì và khắc phục được những điểm bất cập, thực hành hiệu quả công cụ EPR, bà Phượng đưa ra một số nội dung cần được cân nhắc.

Đầu tiên, cần xác định rõ nhà nhập khẩu, nhà sản xuất có nghĩa vụ thực thi EPR phải là những doanh nghiệp có tác động cũng như quyền quyết định cao nhất tới cả thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi sản xuất, từ đó tạo ra sự đồng bộ ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, lựa chọn nguyên vật liệu cho tới công đoạn thu gom, xử lý.

Thứ hai, cần có tiêu chí phân loại bao bì đối với bao bì dịch vụ, tức là loại bao bì chỉ sử dụng để chuyển hàng hóa cho người tiêu dùng như bìa các tông hay túi ni lông. Theo kinh nghiệm quốc tế, trách nhiệm cho bao bì dịch vụ sẽ được thực hiện bởi người sản xuất hoặc kinh doanh bao bì dịch vụ để đảm bảo sự công bằng cho hệ thống EPR.

Thứ ba, mở rộng định nghĩa về bao bì. Các loại bao bì chất lượng cao như lon nhôm, chai nhựa PET hiện nay đang được thu gom rất hiệu quả bởi lực lượng thu gom rác thải phi chính thức. Do đó, định nghĩa hẹp về bao bì sẽ tiềm ẩn sự xung đột trong việc thu gom.

Mặt khác, doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm cho cả những bao bì kém chất lượng, ít giá trị tái chế để thực sự làm giảm áp lực cho hệ thống thu gom, xử lý rác thải.

Cuối cùng, cần có sự quan tâm nhất định tới nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong dự thảo nghị định của Bộ Tài nguyên và môi trường, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ không phải chịu trách nhiệm thực thi EPR. Tuy nhiên, bà Phượng nhận xét, những doanh nghiệp lớn cần phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện EPR, tránh hiện tượng nhóm doanh nghiệp này trở thành những “kẻ ăn không”.

Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam cũng nhận định, quy định về việc miễn trách nhiệm thực thi EPR cho doanh nghiệp nhỏ cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi có thể trở thành nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ đánh mất đi động lực trưởng thành, mở rộng quy mô.