Nâng cao hiệu quả dịch vụ y tế cộng đồng hậu đại dịch

Phạm Sơn - 10:47, 24/11/2020

TheLEADERĐảm bảo cung cấp hiệu quả dịch vụ y tế cộng đồng là động lực quan trọng giúp các nước đang phát triển phá vỡ bẫy thu nhập trung bình.

Nâng cao hiệu quả dịch vụ y tế cộng đồng hậu đại dịch
Các y bác sĩ lan tỏa thông điệp chung tay chống Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhiều chính phủ tại châu Á – Thái Bình dương đang gặp khó khăn trong việc tài trợ cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, dẫn đến việc người dân phải chịu chi phí y tế cao.

Điều này là một trong những lý do cản trở công tác xóa đói giảm nghèo, gây bất bình đẳng trong xã hội và gia tăng nguy cơ sa vào bẫy thu nhập trung bình.

Dự báo, trong thời gian tới, áp lực về chi phí y tế sẽ còn tiếp tục đè nặng khi dân số ngày càng già hóa, các bệnh dịch mới xuất hiện cùng những mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng như ô nhiễm môi trường và hiện tượng kháng thuốc.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 phần nào được kiểm soát thành công tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tuy nhiên lại làm bộc lộ rõ nét sự mong manh của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân thuế suy giảm, nhu cầu mở rộng tài khóa để kích thích khả năng phục hồi của nền kinh tế tăng cao, các chuyên gia đến từ WEF nhận định, việc cung cấp dịch vụ y tế công dựa vào tiền thuế và bảo hiểm y tế đang thể hiện tính thiếu bền vững, đặc biệt tại các quốc gia tồn tại lực lượng kinh tế phi chính thức có quy mô lớn, ví dụ như Việt Nam.

Từu đó, ông Chris Hardesty, Giám đốc đời sống và sức khỏe tập đoàn KPMG Global nhận định, các chính phủ đang đứng trước tình thế cấp bách, bắt buộc phải đưa ra phương án cho mô hình cung cấp dịch vụ y tế cộng đồng.

Dựa trên kết quả hợp tác của tập đoàn KPMG với Hội đồng kinh doanh EU – ASEAN (EU – ABC), ông Hardesty đưa ra một số kiến nghị về chính sách y tế cộng đồng cho các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.

Đầu tiên, thay đổi cách tiếp cận “dịch vụ y tế là một hạng mục chi tiêu”. Theo đó, để đạt được hiệu quả cao, chính phủ cần phải nhìn nhận dịch vụ y tế là điều kiện cơ bản để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Thứ hai, giảm thiểu chi chí y tế thông qua tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, trung bình 1USD đầu tư vào tiêm chủng sẽ giúp tiết kiệm 44USD cho việc điều trị bệnh ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm chủng giúp giảm thiểu 2 – 3 triệu ca tử vong mỗi năm và được công nhận là biện pháp y tế hiệu quả nhất trên thế giới để đối phó với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch bệnh được tiến hành từ sớm cũng phát huy hiệu quả trong việc giảm thiểu chi phí y tế trong đại dịch Covid-19.

Thứ ba, cải tiến phương pháp cung cấp dịch vụ y tế trong bối cảnh “bình thường mới” để lấp đầy khoảng trống của hình thức chăm sóc sức khỏe truyền thống.

Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành EU – ABC cho biết, người tiêu dùng khu vực ASEAN tỏ ra ưa thích việc tự dùng thuốc tại nhà và tìm kiếm tư vấn sức khỏe trên các công cụ trực tuyến. Xu thế này càng gia tăng mạnh mẽ dưới tác động của Covid-19 và các lệnh giãn cách xã hội.

Theo TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, các công cụ y tế trực tuyến có thể được áp dụng và phát huy hiệu quả trong việc khám sàng lọc, giúp giảm áp lực cho các bệnh viện, cơ sở y tế.

Mặt khác, các công cụ kỹ thuật số cũng đem lại lợi ích cao cho việc điều trị các ca bệnh kéo dài như tiểu đường, căn bệnh phổ biến ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ tư, tối ưu hóa chi phí y tế cộng đồng. Một số quốc gia đã thực hiện các chính sách nhằm tinh gọn chi phí cho các hoạt động chăm sóc y tế nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng dịch vụ, ví dụ như việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình đánh giá công nghệ y tế (Health tech asessment – HTA) tại Thái Lan, giúp so sánh tương quan các phương pháp, công nghệ mới với những phương pháp chuẩn hiện hành để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Cuối cùng, tái cơ cấu mô hình tài chính cho y tế, bao gồm việc kết hợp thu thuế với bảo hiểm y tế xã hội, huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, phi chính phủ. Theo ông Hardesty, phương án này là tối quan trọng để các chính phủ cải thiện dịch vụ y tế cộng đồng trong bối cảnh áp lực thâm hụt ngân sách như hiện nay.