Tiêu điểm
Ngăn chặn 5 ‘chiêu trò’ lách luật phổ biến trong đấu thầu
Chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để chèn thầu quen; thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu là 5 chiêu trò phổ biến được sử dụng để lách luật trong hoạt động đấu thầu, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) nêu rõ.
Tại phiên thảo luận tại Quốc hội hôm nay về công tác phòng chống tội phạm, thi hành án, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) đã chỉ ra 5 ‘chiêu trò’ phổ biến được sử dụng để lách luật trong hoạt động đấu thầu.
Thứ nhất, chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhất là đối với những trường hợp cấp bách hoặc đối với những khoản chi nhỏ, Luật Đấu thầu đã quy định các trường hợp được chỉ định thầu, quy định các hạn mức để được áp dụng chỉ định thầu, loại dưới 100 triệu, dưới 500 triệu và dưới 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại biểu Thủy cho rằng tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu diễn ra rất phức tạp trên thực tế và đã được thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, kết luận điều tra các vụ án, vụ việc.
Đơn cử như trường hợp xảy ra tại một bệnh viện đa khoa của tỉnh, tổng giá trị hàng hóa mua sắm hơn 95 tỷ đồng, nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, lợi dụng các quy định về chia tách hoặc gộp gói thầu, có những trường hợp chia nhỏ các gói thầu theo kiểu chia phần để mỗi nhà thầu thân hữu trúng một phần. Hoặc có trường hợp gom nhiều gói thầu nhỏ khác nhau lại để tạo thành một gói thầu hết sức phức tạp mà chỉ có một doanh nghiệp cụ thể mới có thể đáp ứng được, để từ đó tránh được những thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh.
Thứ hai, cài cắm các điều khoản hướng thầu nhằm "cài người quen, chèn người lạ".
Theo đó, đại biểu tỉnh Bắc Kạn cho biết, đã có trường hợp lợi dụng quy định về hồ sơ mời thầu làm ‘chốt chặn’, loại bỏ những nhà thầu không mong muốn. Nhiều chủ đầu tư đã cài cắm các điều khoản để hướng đến những nhà thầu thân hữu và loại bỏ các nhà thầu khác, từ đó biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế.
Trong nhiều vụ án, các đối tượng đã ‘bắt tay, đi đêm’ để chuyển cho nhau thông tin ngay từ đầu; thông đồng về tiêu chí kỹ thuật, thậm chí cùng nhau xây dựng hồ sơ mời thầu. Thậm chí, có những gói thầu còn đưa ra tiêu chí "phải có bằng khen của Bộ Tài chính về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Do đó, gần như họ đã chọn sẵn doanh nghiệp trúng thầu, đại biểu Thủy cho biết.
Thứ ba, thiết lập liên minh "quân xanh, quân đỏ" để thông thầu. Có tình trạng một số nhà thầu chuyên dự thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho nhà thầu đã định sẵn trúng thầu.
Thực tế còn có tình trạng, với sự tiếp tay của bên mời thầu là chủ đầu tư đã tạo ra cuộc đấu thầu thành một vở kịch với sự tham gia của những quân xanh, quân đỏ để rồi sau đó đưa quân đỏ đường đường, chính chính trúng thầu.
Theo bà Thủy, hệ lụy của tình trạng “quân xanh, quân đỏ” này khiến cho dư luận nghi ngại, những doanh nghiệp làm ăn chân chính không được cạnh tranh một cách sòng phẳng và mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh, đặc biệt nghiêm trọng đó là mất đi tiền của của Nhà nước và để lại những công trình, dự án kém chất lượng.
Thứ tư, móc ngoặc với cơ quan thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu. Từ các vụ án vừa qua cho thấy, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình, chỉ khi đi sâu vào phá án mới phát hiện được sự móc ngoặc một cách tinh vi giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu đã thổi giá tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thông qua các chứng thư thẩm định.
Bà Thủy dẫn chứng về vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá mỗi stent nhập khẩu từ Ấn Độ là 8 đến 11 triệu đồng, trong khi đó giá thẩm định, trúng thầu vọt lên 36 đến 42 triệu đồng, tăng 300 - 400%. Đến nay, cả tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của đơn vị thẩm định giá đã bị khởi tố. Ngoài ra, trong nhiều vụ án khác, các cá nhân liên quan đến quy trình thẩm định giá cũng bị tuyên phạt tù với vai trò đồng phạm.
Thứ năm, hoạt động nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong đấu thầu. Tình trạng vi phạm các quy định pháp luật, tình trạng lách các quy định pháp luật như nêu trên đều có thể tiềm ẩn hoặc hướng tới nguy cơ tham nhũng, trục lợi.
Theo khảo sát của VCCI năm 2021, 25% doanh nghiệp chủ động chi trả chi phí không chính thức để tham gia đấu thầu; 10,3% doanh nghiệp chi trả theo gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu và 59% doanh nghiệp cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là luật bất thành văn, mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia.
“Đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành 'mảnh đất màu mỡ' cho tham nhũng, trục lợi. Liên tiếp các vụ việc sai phạm trong đấu thầu vừa qua bị khởi tố đã phản ánh một phần thực tế này”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, đại biểu tỉnh Bắc Kạn nêu 2 kiến nghị. Cụ thể, đại biểu kiến nghị các cơ quan thanh tra điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Mặt khác, theo bà Thủy, công khai sẽ được xem là giải pháp của mọi giải pháp, sẽ rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng "đi đêm" trong đấu thầu vừa qua. Pháp luật hiện hành trong từng công đoạn đấu thầu đã có một số quy định về công khai nhưng chưa chặt chẽ, thậm chí còn những khoảng trống, kẽ hở dẫn đến việc có thể lách luật như trong thời gian vừa qua.
Do đó, bà kiến nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện dự thầu; danh sách, năng lực của nhà thầu; điều kiện trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả chấm thầu; kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
Tuy nhiên, một số quy định trong phòng chống tham nhũng còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng tại lĩnh vực như đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ đánh giá, nhận diện đầy đủ hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Cùng với đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.
‘Vô vàn’ điểm nghẽn trong đấu thầu y tế và kiến nghị tháo gỡ
‘Vô vàn’ điểm nghẽn trong đấu thầu y tế và kiến nghị tháo gỡ
Các bệnh viện hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, dịch vụ sửa chữa, bảo trì các thiết bị y tế…
Điện gió, điện mặt trời: Chưa đấu thầu và tiếp tục đàm phán giá
Bộ Công thương cho biết, cơ chế đấu thầu mua điện của các dự án (điện gió, điện mặt trời) đã có chủ đầu tư, đã triển khai dở dang chưa được quy định trong các văn bản pháp luật.
Lạng Sơn sẽ đấu thầu 27 dự án điện gió
Căn cứ theo điều kiện kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất và cơ chế cho phép, tỉnh Lạng Sơn đề xuất 27 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 3.600MW) tham gia đấu thầu từ nay tới 2030.
3 nút thắt trong đề xuất đấu thầu giá điện của Bộ Công thương
Chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, còn nhiều vấn đề không phù hợp xung quanh đề xuất của Bộ Công thương về xây dựng cơ chế đấu thầu giá điện cho các dự án điện tái tạo trượt giá FIT.
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.