Ngân hàng Thế giới gợi ý về quản trị dữ liệu TP.HCM

Kiều Mai - 15:28, 07/03/2023

TheLEADERTheo đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank), TP.HCM cần phân bổ đủ kinh phí để tiếp tục tạo ra các tài sản dữ liệu cốt lõi, xây dựng hạ tầng số đảm bảo, từ đó giúp tăng hiệu quả của những cải cách chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy nhiều chính phủ số hàng đầu hoặc các chính phủ số mới nổi đã lựa chọn định hướng mang tính chiến lược tập trung vào dữ liệu. Úc, Vương quốc Anh, Estonia, hoặc trong khu vực có Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, và mới đây thêm Indonesia là các ví dụ điển hình.

Cùng với đó, 7/10 công ty lớn nhất thế giới xét về giá trị vốn hóa thị trường đang hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu. Thông tin này được bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam đưa ra.

Báo cáo Phát triển thế giới 2021 cũng chỉ ra rằng, kể từ năm 1990, thương mại toàn cầu về các dịch vụ dựa trên dữ liệu đã phát triển theo cấp số nhân, và hiện chiếm một nửa kim ngạch thương mại dịch vụ của thế giới.

“Câu hỏi là TP.HCM làm thế nào để tận dụng giá trị từ dữ liệu của mình cho mục tiêu tăng năng suất và năng lực cạnh tranh?”, đại diện World Bank đặt vấn đề.

Theo bà, có 3 gợi ý cho Việt Nam để thực hiện chiến lược quản trị dữ liệu TP.HCM hiệu quả.

Thứ nhất là chứng minh giá trị của việc chia sẻ dữ liệu dùng chung, và đây cũng là một trong những mục tiêu của chiến lược dữ liệu. Theo đó, thành phố có thể phát triển một ứng dụng chung để cung cấp các dịch vụ công ích thuận tiện, lấy người dân làm trung tâm cho cư dân thành phố.

Thời gian qua, TP.HCM đã đưa vào sử dụng một số ứng dụng, như Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin, hay ứng dụng giao thông công cộng. Tuy nhiên, các ứng dụng này chưa tận dụng các tài sản dữ liệu sẵn có của thành phố như dữ liệu người dân, dữ liệu không gian, bao gồm dữ liệu điều tra dân số mã hóa theo địa lý, và dữ liệu ảnh ánh sáng LiDAR.

Vì vậy, các ứng dụng này chưa nâng cao được hiệu quả cung cấp dịch vụ của chính quyền thành phố, và cũng chưa tạo thêm tiện ích cho người dùng.

“Muốn làm được điều này, thành phố cần áp dụng các chính sách quản lý dữ liệu và chính sách chia sẻ dữ liệu để thí điểm chia sẻ dữ liệu có sẵn trong thành phố, nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp”, bà Carolyn Turk khuyến nghị.

Việc tương tác với người dân thành phố, phối hợp với các quận/huyện tiên phong để xác định và ưu tiên một số dịch vụ có tác động lớn và có lượng giao dịch nhiều cũng sẽ hữu ích cho việc xây dựng và phát triển dần ứng dụng dịch vụ chung của TP.HCM, bà nói thêm.

Vấn đề thứ hai là TP.HCM cần đầu tư xây dựng thể chế phù hợp để quản lý tài sản dữ liệu một cách an toàn, và tối đa hóa giá trị của tài sản dữ liệu. Việc tạo ra một đơn vị chuyên trách về quản lý dữ liệu và chuyển đổi số sẽ rất quan trọng để đảm bảo chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM, và các tài liệu chính sách quan trọng khác có liên quan được chuyển thành các hành động và kết quả cụ thể.

Hiệu quả của việc thành lập một đơn vị chuyên trách như trên đã được chứng minh ở nhiều chính phủ số tiên phong như Anh với Cơ quan Dịch vụ kỹ thuật số Vương quốc Anh, Úc với Cơ quan chuyển đổi số, hay Singapore với Cơ quan công nghệ số GovTech.

Thực tiễn ở các quốc gia này cho thấy một đơn vị chuyên trách như vậy cần có đủ nguồn lực và năng lực kỹ thuật cần thiết để thực hiện hiệu quả các chức năng.

Vấn đề cuối cùng là thành phố cần phân bổ đủ nguồn kinh phí để tiếp tục tạo ra các tài sản dữ liệu cốt lõi, và xây dựng hạ tầng số đảm bảo cho khả năng tương tác của các hệ thống dữ liệu và thông tin.

“Chỉ có như vậy, các hành động cải cách chuyển đổi số mới có thể thúc đẩy tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Về khía cạnh này, đại diện World Bank cho biết tổ chức này sẵn sàng cung cấp cho TP.HCM những kiến thức toàn cầu, ý kiến cố vấn chuyên gia hàng đầu thông qua hình thức dịch vụ tư vấn trả phí (RAS), hay cung cấp tài chính theo các phương thức vốn vay hiện hành khi TP.HCM cần nhằm xây dựng các mô hình vận hành khả thi của các sáng kiến chuyển đổi số, hay quản trị dữ liệu số của thành phố.