'Nghị định 86 sẽ tạo công bằng cho taxi công nghệ và truyền thống'

Hạ Vũ - 16:58, 05/06/2019

TheLEADERBộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định khi Nghị định 86 được ban hành thì Quyết định 24 sẽ hết hiệu lực. Lúc đó, sự cạnh tranh giữa xe công nghệ và taxi truyền thống là như nhau.

'Nghị định 86 sẽ tạo công bằng cho taxi công nghệ và truyền thống'
Xe Grab không đeo mào nên dễ len lỏi vào các tuyến đường cấm, khó quản lý.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải trước Quốc hội sáng nay, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Theo các đại biểu, căn nguyên của hiện trạng cạnh tranh không lành mạnh, bất cập quản lý giữa xe công nghệ và taxi truyền thống hiện nay là do việc kéo dài thực hiện thí điểm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định 24.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề "Grab mới nộp thuế 10 tỷ đồng năm 2014 - 2016, còn các hãng taxi truyền thống nộp thuế hàng nghìn tỷ mỗi năm. Vậy, giải pháp nào để quản lý xe công nghệ như Grab, chặn tình trạng tăng số lượng xe chui, trốn thuế?"

Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cũng nêu, hiện có 15% lượng người dân ở Hà Nội tham gia đi xe buýt. Hà Nội quản lý xe taxi truyền thống để giảm ùn tắc từ 22.000 xuống còn 15.000 xe, trong khi lượng xe Grab là 31.000 xe. Xe Grab không đeo mào nên dễ len lỏi vào các tuyến đường cấm, khó quản lý. Hướng giải quyết thời gian tới sẽ ra sao?

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định khi Nghị định 86 được ban hành thì Quyết định 24 sẽ hết hiệu lực. Lúc đó, sự cạnh tranh giữa xe công nghệ và taxi truyền thống là như nhau.

Ngoài ra, xe công nghệ hay taxi cũng đều phải chịu quy định về thủ tục như nhau, chẳng hạn Grab hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, cũng như chịu trách nhiệm trực tiếp trước lái xe, hành khách... như taxi truyền thống. Ngược lại, taxi truyền thống cũng sẽ được gắn các thiết bị công nghệ phục vụ hành khách như xe hợp đồng điện tử.

'Nghị định 86 (sửa đổi) sẽ tạo công bằng cho taxi công nghệ và truyền thống'
Bộ trưởng Bộ Giao thông –Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về Quyết định thí điểm taxi công nghệ kéo dài, Bộ trưởng cho biết ngành đã sơ kết sau 2 năm thí điểm. Từ đó đã điều chỉnh trong dự thảo Nghị định 86 (sửa đổi).

"Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ 7 lần, nhưng do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Hiện chỉ còn 1 ý kiến khác nhau nữa giữa chúng tôi và Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn các hiệp hội, doanh nghiệp đã đồng thuận cao. Chúng tôi hy vọng nghị định sẽ sớm được ban hành và khi đó sẽ hủy Quyết định thí điểm", theo Bộ trưởng.

Về ý kiến thất thu thuế đối với hoạt động của Grab, Uber, Bộ trưởng Thể cho biết hiện nay cả nước có 48.000 xe hoạt động Grab, Uber, nhưng thực tế có những người dân đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động. 

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các địa phương thống kê và kết nối với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an để nắm toàn bộ các xe nào tham gia taxi công nghệ để tránh thất thu thuế.

"Còn việc các doanh nghiệp này nộp thuế ít, ở đây có Bộ Tài chính, thì trong gần 50.000 xe hoạt động Uber, Grab cũng như một số hãng xe công nghệ khác, tất cả các phương tiện này đều kết nối với Tổng cục Thuế. Cho nên tôi nghĩ rằng việc thất thu thuế khó xảy ra vì cơ quan thuế nắm rất chặt", Bộ trưởng Thể nhận định.

Tuy nhiên, có một thực tế, là phần tiền trích lại cho doanh nghiệp như Uber, Grab. "Chúng tôi mong các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ, bởi có thông tin Grab, Uber báo lỗ. Cái này Bộ Tài chính nắm chắc nhất, bảo đảm sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là taxi công nghệ và taxi truyền thống", ông Thể nói.

Về vấn đề thu thế taxi công nghệ mà đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Pháp) đưa ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng quy định hiện hành đã nêu rõ mức thuế áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, tỷ lệ thuế GTGT đảm bảo phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh và tương đồng với doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo với Quốc hội 9 công ty vận tải taxi từ năm 2018 đến nay đã kê khai và nộp 437 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục thuế TP. HCM đã kiểm tra và truy thu 66,68 tỷ đồng tiền thuế từ Công ty Uber giai đoạn 2014 - 2016.

Trong thời gian tới, ông Dũng khẳng định tiếp tục kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Công tác kiểm tra, thanh tra cũng sẽ được Bộ cùng các cơ quan liên ngành tăng cường thực hiện nhằm chống thất thu thuế từ kinh doanh vận tải điện tử.

Trước đó, trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, sau 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (Grab, Uber, Fastgo...) tại 4 tỉnh, thành phố đã có 14 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng (13 doanh nghiệp Việt Nam và 1 nước ngoài), hơn 46.000 phương tiện tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử.

Bộ trưởng nhận định đây là hoạt động mới phát sinh trong khi chưa có quy định chính thức tại các văn bản quy phạm pháp luật, do đó cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo điều hành và lực lượng chức năng gặp khó khăn trong kiểm tra, xử lý vi phạm.

Hiện nay, đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ trong hoạt động vận tải đường bộ đang có xu hướng phân tách thành hai loại đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ.

Giải pháp xử lý về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu và phối hợp bộ, ngành địa phương liên quan để đề xuất nội dung quy định trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008.