Nguy cơ đánh mất vị thế của các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á

Tùng Anh - 10:51, 26/03/2023

TheLEADERDù lợi nhuận trong các lĩnh vực chủ chốt đang suy giảm trong suốt một thập kỷ qua, các tập đoàn đa ngành ở Đông Nam Á vẫn còn chậm chân trong tái phân bổ nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng tạo ra lợi nhuận cao hơn.

Nguy cơ đánh mất vị thế của các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á
Các tập đoàn đa ngành ở Đông Nam Á khá “trung thành” với các lĩnh vực mà họ đã quen thuộc

Giai đoạn 2002 – 2011, các tập đoàn đa ngành ở Đông Nam Á đã thực sự vượt trội khi ghi nhận mức tổng lợi nhuận của cổ đông (TSR) trung bình đạt 34%, trong khi con số được ghi nhận tại các doanh nghiệp đa ngành còn lại của thế giới chỉ ở mức 14%.

Theo nghiên cứu của EY-Parthenon, con số này đạt được là nhờ vào lợi thế vốn có ở khu vực Đông Nam Á vào đầu những năm 2000. Mặc dù quy mô nhỏ hơn, sở hữu ít công ty con hơn và số lượng ngành nghề kinh doanh giới hạn hơn nhưng họ có khả năng tiếp cận dễ dàng nguồn vốn, gắn kết chặt chẽ với các cơ quan chính phủ và tiếp cận sớm hơn các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như bất động sản, thương mại hàng hóa và các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, những lợi thế vốn có đang nhanh chóng giảm dần và khoảng cách về TSR họ tạo ra với các tập đoàn đa ngành ở những khu vực khác của thế giới cũng co lại đáng kể, từ 20% xuống chỉ còn 3% trong giai đoạn một thập kỷ vừa qua.

Cấu trúc doanh thu của các tập đoàn đa ngành ở Đông Nam Á thường không có sự thay đổi đáng kể, vẫn khá “trung thành” với các lĩnh vực mà họ đã quen thuộc. Cụ thể, 80% doanh thu của họ tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, hàng tiêu dùng, công nghiệp và năng lượng - những lĩnh vực có mức lợi nhuận suy giảm trong thập kỷ vừa qua.

Trong khi đó, họ không tỏ ra mấy hào hứng với các lĩnh vực mới nổi như chăm sóc sức khỏe, công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) là những lĩnh vực tạo ra lợi nhuận rất cao trong thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các công ty kinh doanh chuyên ngành và các công ty trong hệ sinh thái khởi nghiệp với các mô hình kinh doanh đột phá.

Trong 10 năm qua, các công ty kinh doanh chuyên ngành đã đạt được lợi nhuận cao hơn so với các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực truyền thống và mới nổi do thực hiện phân bổ nguồn lực và vận hành linh hoạt hơn, tận dụng cơ hội để tăng trưởng doanh thu và tiếp cận khách hàng tốt hơn. Họ thậm chí còn trở nên vượt trội hơn các tập đoàn Đông Nam Á với TSR cao hơn tới 37% trong một số lĩnh vực.

Theo ông Sriram Changali, Lãnh đạo dịch vụ tạo giá trị cho khách hàng của EY ASEAN, khoảng cách về TSR là một dấu hiệu cho thấy hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn đa ngành ở Đông Nam Á.

“Tuy nhiên, một nghiên cứu sâu hơn cho thấy, một số tập đoàn đa ngành có thể liên tục giữ vững được phong độ. Do đó, các tập đoàn đa ngành Đông Nam Á vẫn còn rất nhiều cơ hội để hiểu rõ ưu điểm của mình, từ đó nâng cao hiệu suất”, ông Sriram Changali khẳng định.

Theo đó, các tập đoàn ở Đông Nam Á nên tích cực tìm kiếm cơ hội và đầu tư vào các lĩnh vực, thị trường mới nổi hơn để phát triển mạnh mẽ trong tương lai cũng như loại bỏ những khoản thua lỗ khỏi bảng cân đối kế toán.

Từ nghiên cứu sâu đặc điểm của các tập đoàn đa ngành ở Đông Nam Á, chuyên gia của EY-Parthenon đề xuất 4 chiến lược trụ cột mà các tập đoàn này có thể tập trung để xoay chuyển tình hình.

Một là xây dựng chiến lược phân bổ nguồn vốn linh hoạt để đảm bảo danh mục đầu tư trong tương lai và tăng cường tiếp cận đến các lĩnh vực mang lại cơ hội tăng trưởng cao hơn như công nghệ và chăm sóc sức khỏe, và cả các lĩnh vực có tỷ suất cổ tức thấp, rủi ro thấp và sử dụng nhiều vốn.

Hai là xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số để để tạo giá trị xuyên suốt trong danh mục đầu tư, gia tăng năng suất và tạo các nguồn doanh thu mới cũng như bắt đầu đầu tư vào năng lực hợp tác, liên danh.

Ba là thiết lập tư duy tạo ra giá trị bền vững bằng cách tích hợp tính bền vững vào doanh nghiệp như một chiến lược tổng thể dài hạn gắn liền với từng hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Bốn là hướng tới các mô hình kinh doanh ít tài sản và chuyển sang triển khai vốn của bên thứ ba. Việc chuyển từ các tập đoàn có bảng cân đối kế toán khổng lồ sang trở thành các nhà quản lý tài sản với chất lượng thu nhập được cải thiện và dòng tiền ổn định cũng là một hướng đi được đánh giá cao ở một số tập đoàn đa ngành tại Đông Nam Á trong thời gian gần đây.