Nguy cơ giá thuê khu công nghiệp phía Nam tăng cao

Hứa Phương - 15:31, 22/02/2022

TheLEADERTheo ông Alex Crane, Giám đốc điều hành của Kight Frank Việt Nam Property Services, nguồn cung mới bất động sản công nghiệp phía Nam hạn chế hơn phía Bắc trong khi nhu cầu cao nên có thể dẫn đến thiếu hụt quỹ đất.

Mở cửa nền kinh tế với việc khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ được kỳ vọng là “chìa khoá” thu hút nguồn vốn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2022. Trước viễn cảnh đó, ông Alex Crane, Giám đốc điều hành của Kight Frank Việt Nam Property Services, trao đổi với TheLEADER.vn về xu hướng phát triển của bất động sản công nghiệp cũng như những địa phương là trọng điểm thu hút đầu tư. 

Năm 2022 được kỳ vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ còn khởi sắc hơn nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19. Vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng của bất động sản công nghiệp ở Việt Nam trong năm 2022 và thời gian tới?

Nguồn cung bất động sản công nghiệp phía nam hạn chế hơn phía bắc
Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành của Kight Frank Việt Nam Property Services

Ông Alex Crane: Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid -19 dẫn đến một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dòng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam trong năm 2021ước tính vẫn đạt khoảng 31,15 tỷ USD.

Có một đặc điểm là số vốn đăng ký FDI tập trung tới 75% ở 10 tỉnh, thành phố, còn các địa phương khác chỉ chiếm 25%. Trong 10 tỉnh thành phố thì Hải Phòng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 16,9%, kế đến là Long An 12,3%, TP.HCM đứng thứ ba 12,0% và vị trí thứ 10 thuộc về Quảng Ninh với 3,7%.

Có thể thấy, tiềm năng bất động sản công nghiệp ở Việt Nam còn rất lớn. Ngoài lợi thế về thị trường lao động, về năng lực sản xuất thì Việt Nam cũng đang vươn cao hơn trong chuỗi giá trị, ngoài ra còn có các thị trường xuất khẩu lớn được hưởng ưu đãi thuế.

Giá đất ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang ngày càng tăng cùng với giá cho thuê nhà kho và nhà xưởng được xây sẵn. Hiện tại, quỹ đất để phát triển dự án đang bị hạn chế, và trên thực tế về ngắn hạn sẽ xuất hiện tình trạng dư thừa nguồn cung nhà xưởng xây sẵn, do vậy các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với thách thức chi phí tăng và lợi nhuận giảm, trừ phi họ cũng chính là khách thuê nhà xưởng giống như nhiều nhà sản xuất lớn.

Theo ông thì giá cho thuê bất động sản ở phía bắc và phía nam nơi nào sẽ tăng trưởng nhanh hơn? Những địa phương nào sẽ là tâm điểm của bất động sản công nghiệp trong năm 2022?

Ông Alex Crane: Phía Nam có nguồn cung bất động sản hạn chế hơn và nhiều khả năng tình trạng thiếu hụt quỹ đất sẽ khiến giá đất tăng cao.

Còn trọng tâm phát triển của bất động sản công nghiệp, hiện đang có nguồn cung rất tốt ở tỉnh Bắc Ninh phục vụ kho bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả dự án đầu tiên của tập đoàn bất động sản LOGOS tại Việt Nam.

Nguồn cung bất động sản công nghiệp phía nam hạn chế hơn phía bắc 1
Tổng vốn đăng ký FDI phân theo địa phương năm 2021 (Nguồn Kight Frank Việt Nam)

Đối với miền Nam, phía Tây TP.HCM hiện đã khởi động các dự án bất động sản nhà xưởng và kho bãi của BWID, Emergent Capital Partners, và SLP sẽ góp phần cung cấp cơ sở vật chất cùng hạ tầng chất lượng cao nếu so sánh với các địa điểm truyền thống như ở Bình Dương và Đồng Nai.

Vừa qua ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đã lâu thành phố không có khu công nghiệp, khu chế xuất nào thành lập mới. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu của TP.HCM chỉ còn khoảng 300 ha đất có thể cho thuê, khai thác được. Dưới góc nhìn của ông, con số này nói lên điều gì khi thành phố được coi là trung tâm sản xuất của cả nước và luôn nằm trong top các địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất?

Alex Crane: Tôi nghĩ trong tương lai nguồn vốn FDI nên được dàn trải rộng rãi hơn về mặt địa lý. Như tôi đã nói ở trên, miền Nam hiện đang thiếu nguồn cung cho thị trường và hậu quả tất yếu là chi phí tăng cao. Khi so sánh, các nhà đầu tư sẽ thấy miền Bắc khá hấp dẫn với các khu công nghiệp chất lượng cao cũng như quỹ đất dồi dào.

Việt Nam đã cam kết giảm phát thải tại COP26, ngay sau đó Tập đoàn LEGO đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy trung hòa carbon trị giá 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. Phải chăng đây là cột mốc đánh dấu xu hướng phát triển mới của các khu công nghiệp ở Việt Nam theo hướng ngày càng xanh hơn?

Alex Crane: Đây là một cột mốc tuyệt vời và hi vọng chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến nhiều cam kết phát triển bền vững hơn nữa. Tương tự cam kết của chính tập đoàn Knight Frank giảm phát thải khí carbon về 0 vào năm 2030, các lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu cũng đang nỗ lực đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và để làm được điều này thì nhu cầu về bất động sản cũng phải phát triển cùng định hướng.

Bên cạnh nỗ lực của tập đoàn LEGO, chúng ta cũng phải ghi nhận nỗ lực của một số chủ đầu tư khác ở Việt Nam như Frasers Property cam kết đạt chứng nhận LEED cho kho bãi thuộc sở hữu của mình và Deep C là tấm gương sáng với các thiết kế tiên tiến và ý tưởng xuất sắc, trong đó có dự án bảo tồn rừng ngập mặn.

Xin cảm ơn ông!

Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank vừa chính thức thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam. Đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, Knight Frank Việt Nam Property Services sẽ hoạt động dưới sự dẫn dắt của ông Alex Crane, Giám đốc điều hành, người đã sinh sống lâu năm tại Việt Nam và là chuyên gia đầu ngành, cùng với ông Ben Gray, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Thị trường vốn.