Nguyên nhân chậm triển khai chương trình phục hồi kinh tế

Phạm Sơn - 07:07, 15/02/2023

TheLEADERTheo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nguyên nhân lớn dẫn tới triển khai rất chậm chương trình phục hồi kinh tế do đề xuất của bộ, ngành và địa phương không sát so với thực tế, đặc biệt là ở lĩnh vực y tế, giáo dục.

Nguyên nhân chậm triển khai chương trình phục hồi kinh tế
Hơn 80% dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư thuộc ngành y tế. Ảnh: TN

Đầu năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng của đất nước, tập trung ưu tiên một số ngành và lĩnh vực quan trọng.

Với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng, chương trình phục hồi cũng được kỳ vọng sẽ đảm bảo mức tăng trưởng cao, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác ổn định vĩ mô, bao gồm duy trì tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ở mức thấp.

Sau 1 năm triển khai, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, còn khoảng gần 29 nghìn tỷ đồng chưa giao, phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, có hơn 25,5 nghìn tỷ đồng thuộc 169 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo cho các đơn vị để hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên, trong số 169 dự án đó, chỉ có 129 dự án, tương ứng với khoảng gần 15 nghìn tỷ đồng, đã được hoàn thiện thủ tục đầu tư đúng theo quy định. Điều này khiến Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo lắng khi số vốn còn lại khá nhiều, “bây giờ mới trình thì chắc việc giải ngân trong năm 2023 là không khả thi”.

Thừa nhận tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế là “rất chậm”, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân là do phải thực hiện đúng nguyên tắc của Nghị quyết 43 cũng như thủ tục, trình tự theo Luật Đầu tư công, dẫn đến mất nhiều thời gian để lựa chọn dự án.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh nguyên nhân đến từ nhiều đề xuất của bộ, ngành và địa phương “không sát với thực tiễn”, “thay đổi tùm lum, làm đi làm lại”, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Riêng lĩnh vực y tế chiếm đến 33/40 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.

“Có nhiều dự án y tế sau này thay đổi gần như toàn bộ, còn nhiều dự án y tế chưa giao mà cũng không thể giao được”, Bộ trưởng cho biết.

Mặt khác, tâm lý e ngại của cán bộ cũng khiến quá trình triển khai gặp nhiều chậm trễ, dù Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết, công điện, Bộ Kế hoạch và đầu tư có 23 văn bản nhắc nhở.

Trước đó, đánh giá tiến độ chương trình phục hồi sau 9 tháng triển khai, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh vấn đề về tâm lý sợ mắc sai phạm, cùng nhận thức của một số đơn vị còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của gói hỗ trợ phục hồi.

Nói về kế hoạch triển khai gói hỗ trợ thời gian tới, Bộ trưởng Dũng cho biết, trong đợt giao vốn tiếp theo sẽ đảm bảo đúng thời gian phân bổ và giải ngân, thời hạn là 31/3. Sau thời hạn này, bộ, ngành, địa phương nào chưa kịp thời hoàn thiện thủ tục đầu tư thì sẽ dừng không thực hiện nữa, theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.