Nhà đầu tư thờ ơ với kế hoạch 'làm đẹp' của TP. HCM

Quỳnh Như - 10:47, 07/03/2018

TheLEADERMới chỉ có một doanh nghiệp duy nhất quan tâm đến công tác chỉnh trang đô thị của TP. HCM.

Để cải thiện an sinh xã hội cho tầng lớp dân cư nghèo cũng như 'làm đẹp' bộ mặt đô thị, hướng đến mục tiêu "thành phố thông minh", TP.HCM đã quyết tâm chỉnh trang các khu dân cư ven kênh rạch và cải tạo những khu chung cư xuống cấp không đạt chuẩn về thẩm mỹ cũng như an toàn.

Kể từ giữa năm 2016, thành phố đã kêu gọi các công ty tư nhân đầu tư vào các dự án trong chương trình chỉnh trang đô thị theo hình thức công - tư kết hợp; trong đó có sáu dự án chỉnh trang đô thị trên và ven kênh rạch, kinh phí dự kiến hơn 19.000 tỉ đồng.

Những dự án này gồm di dời và tái định cư cho các hộ dân sống trên và ven bờ nam kênh Đôi (Quận 8) dài 13 km, với hơn 5.000 hộ bị ảnh hưởng; dự án cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) dài khoảng 6,2 km, tổng số nhà bị ảnh hưởng hơn 1.600 căn.

Các dự án còn lại gồm chỉnh trang rạch Cầu Dừa (Quận 4) với 160 căn nhà bị giải tỏa; dự án cải tạo cảnh quan hồ Song Tân (Quận 7) dài khoảng 1,2 km, 432 hộ bị ảnh hưởng và dự án chỉnh trang rạch Bần Đôn (Quận 7) dài 3 km, 576 căn nhà bị ảnh hưởng.

Thành phố cũng kêu gọi cải tạo ba chung cư hư hỏng nặng nhất trong 13 chung cư cũ xuống cấp trầm trọng có thể gây nguy hiểm cho người dân đang sinh sống, cần tháo dỡ và xây mới trong vài năm tới.

Theo điều tra gần đây của Sở Xây dựng TP. HCM, hiện thành phố có hơn 500 chung cư cũ gần xây mới, nâng cấp hoặc sửa chữa

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà đầu tư vào chương trình này. Cho tới thời điểm này, chỉ có Vingroup thông báo sẽ đảm nhận công tác chỉnh trang đô thị vùng nam kênh Đôi.

Nhà đầu tư thờ ơ với kế hoạch 'làm đẹp' của TP. HCM
Kế hoạch chỉnh trang đô thị ở Quận 8 đang kích thích thị trường bất động sản khu vực này

Có thông tin, công ty Hà Nội Ngàn Năm có tham gia nghiên cứu các dự án, song vẫn chưa thấy công bố bất cứ thông tin chính thức nào, như việc sẽ đảm nhận một dự án cụ thể như Vingroup.

Một số công ty bất động sản đã trúng thầu việc xây dựng và cải tạo các chung cư cũ xuống cấp, song họ vẫn tìm đủ mọi lý do để án binh bất động. 

Đặc biệt, trong danh sách chủ đầu tư đã được cấp phép, thiếu vắng hầu hết các công ty bất động sản danh tiếng trên địa bàn thành phố. Điều đó không có gì khó hiểu, bởi theo nhiều chuyên gia, đây là một kênh đầu tư không mang lại nhiều lợi nhuận và lại còn tiềm ẩn nhiều rủi ro to lớn.

Vào cuối tuần qua, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vtổ chức hội thảo mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản tham gia các dự án nhằm thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Trong khi hội thảo thu hút sự tham gia của 50 thành viên của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái hải ngoại (J-CODE) thì các doanh nghiệp trong nước không quan tâm đến hội nghị này. Rất ít lãnh đạo các công ty lớn có mặt trong danh sách khách mời đến tham dự, hai người lên phát biểu đều không nói gì đến việc mình sẽ tham gia vào dự án cụ thể nào.

Đại diện Bến Thành Land lên giới thiệu về dự án khu đô thị mới 20.000ha ở Củ Chi mà họ dự định sẽ đầu tư với Tập đoàn Tuần Châu, trong khi bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation chia sẻ toàn những thứ chung chung như về các công trình xanh của doanh nghiệp mình.

Trong khi đó, ông Yoshimura Hiroyuki, Giám đốc J-CODE cho biết, những vấn nạn trong việc phát triển đô thị ở Việt Nam hiện tại rất giống Nhật Bản cách đây 40 đến 50 năm. "Và chúng tôi tin rằng, những kinh nghiệm thiết thực của mình sẽ giúp ích rất nhiều cho Việt Nam ở thời điểm hiện tại" ông nói.

"J-CODE thành lập năm 2011 là nơi tập hợp những công ty hàng đầu Nhật Bản về xây dựng – phát triển cơ sở thượng tầng cũng như hạ tầng. Với việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất, J-CODE tin rằng mình có thể giải quyết được tất cả những vấn đề trong quá trình phát triển đô thị mà TP. HCM mắc phải", ông Yoshimura Hiroyuki hứa hẹn.