Sun Group, Vingroup, BRG 'rủ nhau' đổ bộ, diện mạo Bắc sông Hồng sẽ thế nào?

Thu Phương - 09:15, 28/12/2017

TheLEADERTheo TS. Phạm Sỹ Liêm, thách thức lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển các đô thị ngoại vi là tình trạng đô thị hóa tự phát, dẫn đến quy hoạch vẽ ra thì đẹp nhưng không thực hiện được.

Sun Group, Vingroup, BRG 'rủ nhau' đổ bộ, diện mạo Bắc sông Hồng sẽ thế nào?
Cầu Nhật Tân kết nối trung tâm Hà Nội với Bắc sông Hồng

Quy tụ nhiều đại gia bất động sản

Theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị chung đến năm 2030, khu vực Bắc sông Hồng dự kiến sẽ có mô dân số khoảng 1,7 triệu dân được chia thành 4 khu vực gồm khu đô thị Mê Linh - Đông Anh, khu đô thị Đông Anh, khu đô thị Đông Anh - Yên Viên, khu đô thị Long Biên – Gia Lâm.

Riêng trên địa bàn huyện Đông Anh có hơn 90 đồ án, dự án đã và đang triển khai hoặc được chấp thuận chủ trương.

Cụ thể, các dự án hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp như Công viên Kim Quy, Công viên công nghệ phần mềm, Trung tâm tài chính Phương Trạch, Dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường Trường Sa, Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng, Khu liên hợp Bệnh viện Chi, Tổ hợp Y tế - Chăm sóc sức khỏe Công nghệ cao tại Hà Nội.

Nơi đây cũng được quy hoạch những công trình công cộng và thương mại quy mô lớn như Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Trung tâm thương mại tại xã Kim Nỗ, Khu du lịch sinh thái Vân Nội, Trung tâm giao lưu hàng hóa, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Medlatex.

Một số dự án nhà ở thương mại như Khu đô thị Bắc Thăng Long, Khu chức năng đô thị Noble, Khu đô thị Uy Nỗ - Việt Hùng, Khu văn phòng, siêu thị, khách sạn căn hộ và khu nghỉ dưỡng sinh thái.

Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn đã đổ bộ vào khu vực này. Điển hình như tháng 6/2016, UBND TP. Hà Nội đã công bố quy hoạch chi tiết khu đô thị cửa ngõ Thủ đô dọc tuyến đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài dài gần 12 km với diện tích khoảng 2.080ha. Dự án do Tập đoàn BRG làm chủ đầu tư lập quy hoạch và thông qua đấu thầu chọn Tập đoàn tư vấn quốc tế P&T lập quy hoạch.

Một trong những hạng mục quan trọng trong chuỗi quy hoạch này là dự án Thành phố thông minh do BRG và Mitsubishi dự kiến lập liên doanh triển khai với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD sẽ được khởi xây dựng vào quý 1 năm 2018 như thông báo Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga trong cuộc tiếp kiến với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây.

Sun Group, Vingroup, BRG 'rủ nhau' đổ bộ, diện mạo Bắc sông Hồng sẽ thế nào?
Phối cảnh trung tâm tài chính Phương Trạch

Tại khu vực Bắc Sông Hồng, Vingroup đang triển khai Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia trên diện tích 90ha thay thế cho Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Ngoài ra, Vingroupcòn xây dựng các khu phụ trợ xung quanh như tổ hợp khách sạn và khu đô thị.  

Một doanh nghiệp khác là Sun Group cũng đang triển khai dự án Công viên Kim Quy theo mô hình Disneyland rộng 100ha tại giao lộ đường Võ Nguyên Giáp và đường 5 kéo dài.

Đặc biệt mới đây, Hà Nội đã công bố xây dựng cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên trên đất Đông Anh. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2021. Cùng với đó là hàng loạt các dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống khác cũng được TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện.

Theo TS. Trương Văn Quảng, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) cũng cho rằng, phía Bắc sông Hồng là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế. Trong đó, điểm nổi bật là gần cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan thiên nhiên, núi Sóc và Tam Đảo.

Ông Quảng phân tích, để khu vực Bắc sông Hồng phát triển sôi động, Hà Nội cần tập trung quy hoạch, xây dựng khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên theo hướng hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các khu đô thị Đông Anh, Mê Linh - Đông Anh theo hướng đô thị xanh, thông minh, có kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, duy trì bảo tồn cấu trúc các làng cổ.

"Tránh quy hoạch vẽ ra thì đẹp nhưng không thực hiện được"

Nhìn nhận về quá trình phát triển đô thị tại khu vực phía Bắc sông Hồng hiện nay, tại Hội thảo “Quy hoạch đô thị Hà Nội định hướng phát triển kiến trúc – quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng”, kiến trúc sư Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, quá trình phát triển đô thị vẫn diễn ra tương đối chậm, các dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư chứ chưa xây dựng. 

Mặc dù có lợi thế về vị trí địa lý có nhiều trục giao thông đối ngoại, nhưng hạ tầng giao thông kết nối giữa đô thị Đông Anh với đô thị trung tâm chưa hoàn chỉnh, hạ tầng khung để kết nối với các tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Bắc Thăng Long, Quốc lộ 5 kéo dài chưa được đầu tư đồng bộ. Tuyến quốc lộ 3 có mặt cắt nhỏ chưa được nâng cấp mở rộng. 

Mặc dù kề cận với đô thị trung tâm nhưng Bắc sông Hồng bị chia cắt bởi mặt nước sông Hồng, thiếu sự gắn kết với khu vực nội đô lịch sử; đồng thời, chưa tận dụng được lợi thế kề cận phía Nam Sân bay quốc tế Nội Bài và hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh để thúc đẩy phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội chưa có chương trình, định hướng rõ ràng, còn phát triển tự phát, theo mô hình “vết dầu loang” với lõi là nội đô lịch sử phát triển lan dần khu vực kề cận như Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên. Các nhà đầu tư thường quan tâm đến khu vực phát triển nóng, có khả năng sinh lời cao, có khả năng thu hồi vốn nhanh như Từ Liêm, Long Biên.

Theo ông Tùng, trên cơ sở quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu và các dự án đầu tư xây dựng đô thị tại phía Bắc Sông Hồng được duyệt cần đề xuất giải pháp tập trung đầu tư xây dựng “khung” giao thông và “khung”hạ tầng kỹ thuật. 

Cùng với đó là xây dựng dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia và các dự án hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài làm hạt nhân kích thích, lan tỏa sự phát triển khu vực và khai thác có hiệu quả lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài và các tuyến giao thông đối ngoại, hành lang kinh tế.

Thách thức trong phát triển đô thị khu vực Bắc sông Hồng
TS. Phạm Sỹ Liêm

Đồng quan điểm, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, hầu hết các đô thị ngoại vi của Việt Nam hiện nay đều có xu hướng phát triển về hướng sân bay, cảng biển hay theo các con sông lớn, chứ không phát triển lên rừng như tại Ba Vì, Xuân Mai, Sóc Sơn. 

Do đó, tương tương lai khu vực Đông Anh và phía Đông Bắc sông Hồng chắc chắn sẽ rất phát triển. Điều này phù hợp với quy luật chung của thế giới.

Tuy nhiên, ông Liêm cũng cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển các đô thị ngoại vi là tình trạng đô thị hóa tự phát và quy hoạch cũng còn nhiều bất cập. 

"Quy hoạch vẽ ra thì đẹp nhưng không thực hiện được. Bởi rất có thể quy hoạch một đằng nhưng xây dựng lại một nẻo như thực tiễn phát triển vừa qua tại một số khu vực của Hà Nội do tình trạng yếu kém của công tác quản lý nhà nước và sự thao túng của các nhóm lợi ích", ông Liêm nói.

Hiện nay đang xuất hiện thực trạng quy hoạch do dự án dẫn dắt, tức là dự án lớn muốn nằm ở đâu thì quy hoạch cho phép ở đấy, chứ không phải là các nhà quản lý bắt dự án phải vào trong quy hoạch có sẵn của mình, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.

Do đó, ông Liêm cho rằng cần khắc phục phương thức quản lý quy hoạch theo cách phân tán, cố gắng tập trung mọi nguồn lực vào phát triển hoàn chỉnh và nhanh gọn các khu đô thị mới dở dang như khu Mỹ Đình, Tây Hồ Tây và bây giờ là khu Nhật Tân - Nội Bài. 

Trước thực trạng này, ông Liêm kiến nghị nên thiết lập vành đai xanh và khu vực xanh, tại đó chỉ có cư dân gốc tại chỗ mới được quyền xây nhà ở cho mình, còn người nhập cư thì buộc vào sinh sống tại các khu đô thị mới.

Các khu đô thị mới này phải là khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ, được sử dụng đa chức năng, ngoài chỗ ở còn cung ứng các dịch vụ cơ bản và tạo đủ việc làm. Tránh trường hợp phát triển thành các “đô thị sinh thái”, “đô thị ký túc xá” vừa buồn tẻ vừa khiến giao thông của đô thị thêm căng thẳng.

Đồng thời, ông Liêm kiến nghị thành phố nên sớm chuyển huyện Đông Anh, hay ít nhất là 4 phân khu từ N5 đến N8 thành quận để tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài và sớm ban hành chính sách và thể chế huy động nguồn tài chính từ đất đai tại chỗ để phát triển hạ tầng.