Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: 'Viết là cách lưu lại văn hoá làng cho người sau'

Trương Kim Thứ sáu, 01/02/2019 - 13:00

Một ngôi làng xưa trong ký ức của người Việt giống như một ngôi chùa thiêng liêng trong tâm hồn, lưu giữ lại những gì quý giá nhất của tình cảm gia đình, chòm xóm, của tuổi thơ ấu thân thương, của những lời mẹ dạy...

Để mỗi khi xuân về, chúng ta lại nhớ về làng với biết bao ngậm ngùi, tiếc nuối, như một sợi dây vô hình neo giữ chúng ta khỏi bị cuốn trôi đi giữa dòng đời nghiệt ngã của bất trắc, bon chen, tan vỡ, quên lãng, mà đáng sợ nhất là quên lãng gốc gác, bản lai diện mục của mình.

Ngôi làng trong tâm tưởng ấy đã từng có những gì? Và đã mất đi như thế nào? Vì sao văn hóa ngàn năm của những ngôi làng Việt ngày càng mai một trước làn sóng của đô thị hóa và toàn cầu hóa, khiến cho mỗi chúng ta cảm thấy bơ vơ ngay trên đất nước mình…?

Với bộ sách đồ sộ về Văn minh Việt Nam gồm có “Văn minh vật chất của người Việt”, “Tập tục đời người” đã xuất bản và “Mày là kẻ nào?”, “Thế kỷ 19 - Việt Nam” sắp xuất bản, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng không viết về các triều đại hưng suy, các cuộc chiến tranh thắng thua khốc liệt, các biến cố chính trị được coi là trọng đại… như ta thường gặp trong những bộ quốc sử nghiêm trang. Ở đây ta gặp một cái khác, nhỏ nhoi hơn, thường nhật gần gũi hơn: Những con người. Con người Việt Nam.

Gắn bó với nhiều ngôi làng cổ như máu thịt, hiểu thấu đáo đến tận ngọn nguồn của con người và văn hóa nước mình, câu chuyện về văn minh vật chất và tinh thần của làng Việt của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng là những tâm tình đầy suy tư về phận làng, phận nước.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: 'Viết là cách lưu lại văn hoá làng cho đời sau'
Đi nghiên cứu Quán Giá (Hà Tây cũ). Kiến trúc trùng tu thế kỷ 17. Ảnh tư liệu Phan Cẩm Thượng/ Nguyễn Sử

Chúng ta từng có những ngôi làng thật, hiện hữu giữa đời. Mình sống, mình thở với nó, hình thành nên định tính của người Việt, như một nơi ấm áp nhất trong tâm linh, và hiện giờ, cái làng đó đang bị thách thức dữ dội thế nào?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Gần đây người ta hay nhắc ba khái niệm “Nông thôn, Nông nghiệp, Nông dân”. Đây là ba cụm từ thường xuất hiện ở những nước có nền nông nghiệp lâu đời như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, hình thành trên cơ sở nông nghiệp, nông dân canh tác, sống trong làng.

Khái niệm làng là quần cư của người nông dân, một quần cư hết sức đặc biệt, chả nằm trong đơn vị hành chính nào của thời phong kiến. Làng là xã hay làng là thôn? Hiện nay làng là thôn, nhưng thời Nguyễn làng lại là xã. Trên thực tế, việc phân chia đó có lúc đúng, lúc không. Bây giờ nhiều làng thành một xã, thời phong kiến mỗi làng là một xã, còn khái niệm làng thì không được ghi vào văn bản, dân gọi thế thôi, nhưng trong thực tế là có thật.

Hiện làng về căn bản đã bị đổ vỡ rồi. Vì đổ vỡ nên người ta nhớ.

Nhưng tính cách, xu hướng nông dân vẫn còn, và lấn ra cả đô thị Việt Nam. Làng xóm cũng bệ rạc như đô thị, cũng lạc hậu, chậm tiến, như nông nghiệp. Thành phố đòi hỏi tính cách công dân, chứ không phải tính cách làng xã.

Làng mà chúng ta muốn nói ở đây phải rõ ra là làng nào? Làng cổ xưa rất khác với làng thời cải cách ruộng đất, càng khác với làng bây giờ!

Đó là cái làng trong tâm tưởng, đến những gì mình cho là cội nguồn…

Người Việt Nam hầu hết đều sinh ra từ làng, ít ai sinh ra đúng nghĩa là người thành phố cả. Thành phố thời cổ nguyên chỉ là cái chợ, đi làm người ta ra phố, đến Tết người ta lại về làng, về quê. Ai cũng biết Hà Nội là từ các phường làng nghề đồng bằng sông Hồng hội tụ lên mà thành. Mỗi phố phường Hà Nội đều có một làng gốc ở quê. Người Việt Nam cho đến nay dù ở tầng lớp nào đều có, đều còn trong mình một người nông dân rất đậm. 

Làng là quê hương thu nhỏ. Mô hình làng là tế bào căn bản, không chia được nhỏ hơn nữa, văn hóa, kinh tế, tôn giáo thu nhỏ trong một đơn vị quần cư. Người ta có thể sống mà không cần đi ra khỏi làng. Những đơn vị hành chính khác không còn cần thiết với làng, người ta gọi việc làng là việc nước luôn, “việc làng việc vua”, “phép vua thua lệ làng” …

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: 'Viết là cách lưu lại văn hoá làng cho đời sau' 1
Chạm khắc hoạt cảnh uống rượu. Đình Liên Hiệp (Hà Tây cũ), thế kỷ 17. Ảnh tư liệu Nguyễn Đức Bình.

Làng là đơn vị cơ bản của xã hội, vua chúa ngày xưa cai trị cũng chẳng vào làng, mà đứng ngoài. Làng phải khai với chính quyền địa phương bao nhiêu suất phu, suất lính, đóng bao nhiêu suất thuế, chẳng cần biết làng đó như thế nào. Thành ra bản chất làng cũng có tính dân chủ, tự trị. Lý trưởng chỉ thay mặt làng đi nói chuyện với Nhà nước, là dân hạng ba, nhưng được dân bầu. Khác hẳn hệ thống chính trị nhà nước cử quan. Đến giờ cũng thế, trưởng thôn là dân bầu, điều hòa mâu thuẫn trong làng, là người địa phương, dân cũng giám sát được trưởng thôn. Tính dân chủ tự trị đem lại điều tích cực: quản lý ruộng đất, chống lại tham nhũng, điều hòa quan hệ chính quyền giữa người giàu và người nghèo…

Nhưng cái người ta nhớ là văn hóa làng, nhiều điều vừa hay, vừa dở, nhưng thân thương. Từ Bắc vào Nam làng khác nhau lắm. Làng của đồng bằng Bắc bộ rất đặc trưng. Từ Thanh Hóa vào làng mở hơn, không khép kín như làng Bắc bộ. Làng người Nam đơn giản hơn. Làng người dân tộc thì chẳng có chính quyền, chỉ có thầy mo, thầy cúng lãnh đạo tinh thần tôn giáo. Người Mường người Thái thì có Lang Mường, Phìa Tạo, người H’mông có Vua, còn hầu hết làng không có hệ thống chính quyền.

Những truyền thống, tính cách nào đã ăn sâu từ nhiều đời, nhiều kiếp, tạo nên tâm hồn Việt thưa anh?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Nó có hai mặt, về mặt tích cực, cư dân định cư hòa bình: là người nông dân hiền lành tốt bụng, suy nghĩ ngắn thôi, chương trình kế hoạch chỉ theo mùa vụ, chưa đầy nửa năm. Chấp nhận giáo lý Nho giáo, đạo Phật, sống yên ổn, định cư trong hòa bình.

Những đợt “sóng thần” nào khiến làng tan vỡ?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Nhiều lần. Cuộc xâm lược của nhà Minh thế kỷ 15, cuộc nội chiến Nam Bắc triều, Trịnh Nguyễn phân tranh, cuộc xâm lược của Pháp, cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa thay đổi trầm trọng cơ cấu làng, chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan làm làng đổ vỡ trầm trọng, mất đi biết bao đình chùa. Chuyển đổi từ bao cấp đến thị trường, người nông dân bước ra làm ăn, khiến làng bị đô thị hóa … Nhưng về cơ bản từ trước đến 1997 làng vẫn giữ được, dù đầy biến động.

Còn từ 1997 đến nay, xu hướng đô thị hóa mạnh, các dòng sông bị lấp, các gò đồi hồ ao bị san bằng do dân số tăng lên. Đến thời điểm này so với 1996, dân số đã tăng lên 4 lần mà ruộng đất vẫn thế, lại còn bị doanh nghiệp lấy đất làm kinh tế nữa, làng bị thu hẹp và bị đô thị hóa chưa từng thấy.

Dở nhất là công nghiệp hóa xen kẽ làng xã bây giờ. Một điều lạ tại sao người ta không lấy đất hoang mà cứ lấy đất ruộng làm công nghiệp? Yếu tố chính phải chăng do doanh nghiệp không muốn mất công sức mở đường, san lấp đất đai… ?

Đô thị hóa sẽ tàn phá thế nào đến đời sống văn hóa?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Nghiêm trọng. Một làng khoảng ngàn dân mà có ba khu công nghiệp xung quanh lên vài ngàn dân nữa, sẽ tạo ra đời sống dịch vụ của làng, từ ở trọ, ăn uống, văn hóa cấp tốc tự nó làm suy đồi làng. Trong khi doanh nghiệp thì không lo gì đến đời sống tinh thần công nhân, chưa kẻ tệ nạn nghiện hút, trai gái, cờ bạc… tất cả chẳng ai tính toán từ trước.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: 'Viết là cách lưu lại văn hoá làng cho đời sau' 2
Cảnh đình làng Tây Đằng (Hà Tây cũ). Thế kỷ 16. Ảnh tư liệu Nguyễn Đức Bình

Sợ nhất là nạn doanh nghiệp đổ chất thải ra sông suối ao hồ của làng. Ví dụ như làng làm giấy chẳng hạn, cả làng trở thành chủ doanh nghiệp giấy, ông nào cũng giàu, nhưng ông nào cũng bị ô nhiễm. Mấy thứ ô nhiễm đáng sợ nhất của làng là ô nhiễm về sinh thái của làng nghề, ô nhiễm về văn hóa mới không phải lành mạnh, thấp cấp. Đạo đức xuống cấp khiến văn hóa làng ngày càng tồi tệ…

Xây dựng của làng không quy hoạch, chẳng có phong cách kiến trúc gì cả, hết sức tùy tiện, rác đổ lung tung, nước thải loanh quanh chẳng biết đổ đi đâu. Trên báo cứ ca ngợi Phú Quốc là đảo Ngọc, chưa ai đặt câu hỏi nước thải và rác thải Phú Quốc sẽ đổ đi đâu? Mấy núi rác to đùng ngày xưa là bãi rác đều ra biển hết. Cũng chẳng thấy chỗ nào xử lý nước thải của các resort cả. Mà đấy là nơi được để ý đó, huống chi là làng chẳng ai để ý cả…

Để gìn giữ được đời sống thực sự của làng, thì câu chuyện làng phải gắn với câu chuyện nghề?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Ngoài nghề nông, làng nào cũng có nghề thủ công, hoạt động ở mức độ rất thủ công, làm bằng tay hết, nghề sẽ tinh xảo, nhưng năng suất thấp, không tạo ra thị trường lớn. Còn bây giờ làng nghề cơ giới hóa, đục chạm cũng bằng máy, mở rộng sản xuất thủ công ở mức độ công nghiệp hóa quy mô nhỏ và hạng trung. Đó không còn là sản phẩm thủ công nữa, nhưng cái làng lại chịu rác thải và ô nhiễm của công nghiệp như sơn xì, cưa máy, tạo ra bụi gỗ, nước rửa, nước thải, chất tẩy, keo dán độc hại đủ các thứ… không thể gọi đó là làng nghề thủ công được.

Chuyển sang cơ chế thị trường có cái giá của nó, nhưng thiếu các chương trình cân bằng phát triển văn hóa xã hội và môi trường. Người ta có thể hy sinh hai cái sau cho cái trước nổi lên, đó là điều đáng báo động nhất. Tiền lãi không đủ để chữa những tổn thương của xã hội cả về tinh thần và môi trường, cũng chẳng ai bỏ tiền túi ra để chữa xã hội.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: 'Viết là cách lưu lại văn hoá làng cho đời sau' 3
Tượng Quan âm Chuẩn đề, thế lỷ 16, chùa Bối Khê. Ảnh tư liệu Nguyễn Anh Tuấn/Phan Cẩm Thượng

Khi người nông dân làm hỏng môi trường thì họ đổ cho nhà nước, còn tiền lời đổ vô túi mình, cả con sông dài thế kia ai chữa? Ngày xưa đình chùa tự quản, người dân bỏ tiền sửa chữa. Giờ xếp hạng rồi, Nhà nước tự bỏ tiền, nhiều đình chùa thế làm sao sửa được, rất khó khăn.

Tất cả đã khiến cho ngôi làng xưa chẳng còn thân thương nữa?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Đời sống tâm linh người Việt có năm trăm năm để hình thành tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, đạo đức suốt từ thế kỷ 15- 19, định hình ra cái làng về tất cả mọi mặt rất ổn định, không hỏng về môi trường, đạo đức, kinh tế, văn hóa. Có như thế thì người nông dân của nền văn hóa năm trăm năm ấy mới đánh thắng Mỹ, đánh thắng Pháp được chứ. Ngày xưa nước sông còn uống được mà, đình chùa mà giữ được thì tâm tính thuần nông mới ổn định.

Tất nhiên không thể giữ được hoàn toàn như xưa trước cơn lốc của phát triển, nhưng phải tính toán cây đối giữa phát triển kinh tế và đời sống xã hội, môi trường thiên nhiên, nếu không sẽ hỏng hết.

Phải chăng vì quá xót xa trước những mất mát của những giá trị vật chất và tinh thần của làng Việt, mà anh đã dành nhiều năm cùng sống, cùng ăn, cùng ở với nông dân, để viết những bộ sách về văn minh đời thương của người Việt, như một cách để lưu giữ lại ký ức đã từng tốt đẹp cho con cháu đời sau?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Tất nhiên tiếc, nhưng không làm gì được, giữ cái gì thì giữ thôi chứ ngồi đó mà kêu ai…

Những ngôi làng mà tôi gắn bó nhiều nhất là Cấn Hữu, có làng Cấn Thượng và làng Cấn Hạ ở từ lúc bé, và xã Đại An, Phú Thọ, một làng mới miền núi… Sau này là làng Bút Tháp, tôi ở đến bốn năm trời. Làng Đại An đẹp vô cùng, mỗi nhà một quả đồi, không giống miền xuôi. Ở đó có tục hú, vì xa nhau quá, muốn gọi nhau thì phải hú. Hú ba hồi, hồi đầu họp ở đâu, hồi hai họp lúc nào, hồi ba họp cái gì… Đồi này hú tiếp cho đồi kia…

Đi thì nhiều lắm không tính được… Cũng là cái duyên thôi, còn duyên thì còn đi. Thế hệ trẻ bây giờ cũng có nhiều bạn tâm huyết đi tìm lại những dấu tích của đời sống văn hóa, nhưng vẫn là kiểu sống ở thành phố về làng lấy tư liệu, không chủ trương sống ở làng thu nhập đời sống thật…

Văn hóa Việt Nam nằm ở trong làng, vì thành tựu của nó lớn lắm, dù nó không to. Nó có đầy đủ nguyên cớ về tôn giáo, triết học, nghệ thuật, làng nghề…. Cả người theo Phật giáo và Thiên chúa giáo đều chung sống rất hòa thuận trong làng. Năm trăm năm văn hóa làng thành tựu rất lớn, nhưng không có quy mô nào lớn nào để người ta nhận ra thôi. Ngồi nhìn lại tư liệu có trong tay, tôi thấy văn hóa Việt thời cổ rất lớn… Với "Văn minh vật chất của người Việt" và "Tập tục đời người", viết cũng là cách để lưu lại về văn hóa làng cho người sau. 

Tập tục đến từ bên trong, từ thời gian, từ quá khứ, do lâu dài mà thành, thấm vào người, thành nhu cầu tự thân, tự nguyện. Cho nên tập tục mới là đời sống tinh thần thực của con người trong cộng đồng lịch sử. Tôi không liệt kê các tập tục, mà cố lý giải nó ở nguồn gốc của nó, vì sao nó sinh ra, nó diễn biến thế nào, nó thay đổi và mất đi thế nào, rồi tập tục mới hình thành và thay thế cái cũ ra sao… Nói chung, cũng chỉ để cho một cái nhìn thôi.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng 

Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa

Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa

Nhịp cầu kinh doanh -  8 giờ

Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.

Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh

Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh

Phát triển bền vững -  8 giờ

Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.

Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp

Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp

Diễn đàn quản trị -  8 giờ

Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.

Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường

Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường

Tiêu điểm -  10 giờ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc

Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc

Nhịp cầu kinh doanh -  10 giờ

Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.

Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ

Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ

Hồ sơ quản trị -  18 giờ

Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.

Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững

Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững

Phát triển bền vững -  1 ngày

Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.