Tiêu điểm
Nhiều tỉnh, thành công bố phương án giãn cách xã hội tiếp theo
Một số tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang… đang xem xét nới lỏng một số nơi trên địa bàn.
Tại Bình Dương – điểm nóng Covid-19 thứ 2 trên cả nước, chỉ sau TP.HCM, UBND tỉnh quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9 đối với các thành phố, thị xã Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên và áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18h đến 6h hôm sau.
Đồng thời, 15 phường thuộc các thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên cần thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội đến ngày 15/9.
Theo đó, người dân những nơi này không ra khỏi nhà, kể cả đi chợ, lương thực, thực phẩm sẽ được phát miễn phí hoặc lực lượng chức năng đi chợ hộ.
Còn các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 5/9 và không thực hiện áp dụng hạn chế tối đa lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18h đến 6h hôm sau. Sau ngày 5/9, tỉnh sẽ xem xét các hình thức giãn cách phù hợp căn cứ diễn biến dịch Covid-19 trên từng địa bàn.
Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án đối phó với tình hình dịch bệnh và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở "mức cao hơn" và không được "chậm hơn" khi xử lý tình huống. Khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để giảm mạnh ‘vùng đỏ’, ‘xanh hóa’ địa bàn, xây dựng và bảo vệ ‘vùng xanh’, sớm đưa các địa phương về trạng thái bình thường mới, trong đó 4 địa phương (Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) đến ngày 5/9; 2 địa phương (Thủ Dầu Một, Bến Cát) đến ngày 10/9; 3 địa phương (Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên) đến ngày 15/9.
Dự báo ca nhiễm sẽ đạt mốc 150.000 trong những ngày tới, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các địa phương "vùng đỏ" phải triển khai nhanh xét nghiệm để phát hiện F0 trong cộng đồng; đồng thời nghiêm túc lấy mẫu, xét nghiệm tầm soát diện rộng để phát hiện người nhiễm Covid-19; nhanh chóng hoàn thành các cơ sở, bệnh viện dã chiến...
Đến nay, Bình Dương đã tiêm hơn 856.440 liều vaccine Covid-19 cho người dân và sẽ ưu tiên cho những ‘vùng đỏ’ để ngăn chặn đà lây lan.
Đến ngày 31/8, tỉnh này ghi nhận 114.788 ca mắc trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, trong đó có 55.000 người đã khỏi bệnh, 858 ca tử vong.
Sau 43 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16, UBND tỉnh Long An vừa quyết định tiếp tục giãn cách các huyện gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa, Cần Đước, Tân Trụ và TP. Tân An theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 13/9.
Còn thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ áp dụng Chỉ thị 16 đến hết ngày 6/9.
Lãnh đạo địa phương nhận định tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát khi đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch trên 900 ca/ ngày, tổng số ca mắc có xu hướng đi ngang và giảm dần, hiện dao động trong khoảng 500 ca/ngày. Tỷ lệ ca tử vong giảm dần từ 1,22% còn 1,18%. Tỉnh có 5 huyện ‘vùng xanh’ trong hơn 8 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng và 1 huyện ‘vùng đỏ’ chuyển sang ‘vùng vàng’.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các địa phương thuộc "vùng đỏ". Đến tối 31/8, Long An đã ghi nhận trên 22.044 ca nhiễm, 265 người tử vong. Tỉnh có hơn 690.000 người dân đã tiêm mũi 1 và trên 49.000 người đã tiêm mũi 2.
Sau 51 ngày giãn cách xã hội liên tục, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 1/9 đến hết ngày 15/9 theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, ấp/khu phố cách ly với ấp/khu phố, xã/phường cách ly với xã/phường, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố.
Tính đến tối ngày 31/8, tỉnh này ghi nhận 23.839 ca nhiễm Covid-19 và 194 người tử vong kể từ ngày 27/4.
Chính quyền tỉnh yêu cầu người dân không ra đường sau 18h đến 6h hôm sau, việc đi chợ phải có phiếu theo quy định và 1 tuần đi chợ 1 lần. Các cơ quan nhà nước chỉ bố trí 1/4 số lượng nhân viên đến đơn vị.
Tất cả doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện theo một trong ba phương án gồm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ); “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án trên.
Lực lượng giao nhận hàng hóa (shipper) chỉ được hoạt động trong phạm vi 1 huyện, thành phố trong tỉnh.
Đồng Nai quyết tâm đến ngày 5/9 sẽ tách hết F0 ra khỏi cộng đồng, F0 chỉ còn lại ở khu điều trị
Đến nay toàn tỉnh mới có gần 800 nghìn người được tiêm vaccine. Trong khi đó, tổng số nhu cầu tiêm là 4,5 triệu lượt người nên tỷ lệ đã được tiêm còn thấp. Trong tuần này, Đồng Nai phấn đấu tiêm xong 500 nghìn liều vaccine Sinopharm vừa được phân bổ về, qua đó giúp người dân có thêm ‘áo giáp” chống được dịch bệnh.
Trước đó, dự báo số ca bệnh có thể tăng, lãnh đạo Đồng Nai kiến nghị trung ương hỗ trợ thêm 500 y bác sĩ; 100 máy thở cao cấp; một triệu test nhanh; hai triệu liều vaccine và các loại thuốc điều trị Covid-19.
Các địa phương khác gồm Bến Tre giãn cách toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 đến ngày 10/9; Tây Ninh đến 12/9; Kiên Giang đến 6/9; Trà Vinh đến 10/9; Bà Rịa – Vũng Tàu đến 9/9; Vĩnh Long đến ngày 4/9; Cần Thơ đến ngày 8/9; Đồng Tháp đến 5/9.
Riêng Tiền Giang giãn cách TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông, thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công đến 15/9 – bốn huyện còn lại được nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15.
Tỉnh Phú Yên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP. Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa, và 4 xã nguy cơ rất cao của huyện Tuy An gồm An Mỹ, An Chấn, An Hòa Hải và An Hiệp. Các địa phương còn lại áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 đến hết ngày 5/9.
Tại tỉnh Khánh Hòa, TP. Nha Trang và huyện Vạn Ninh kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 8/9. TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm giãn cách theo Chỉ thị 15. Còn các địa phương còn lại áp dụng Chỉ thị 19.
Ngành y tế những tỉnh này cho biết dịch bệnh cơ bản được kiềm chế, F0 trong cộng đồng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đà lây nhiễm ở những vùng có nguy cơ cao vẫn còn phức tạp, nhiều ca nhiễm chưa được phát hiện triệt để.
UBND các tỉnh yêu cầu người dân "ai ở đâu ở đó" và chỉ đạo các địa phương chăm sóc y tế, an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Không tập trung đông người dịp Quốc Khánh 2/9
Ngày 31/8, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện hỏa tốc đến các địa phương, yêu cầu tăng cường chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Theo đó, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các tỉnh, thành phía Nam và một số địa phương tập trung đông dân cư, giao thương lớn. Thời gian qua, một số địa phương đã giãn cách xã hội và đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, một số nơi giãn cách chưa triệt để, còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, ca bệnh phát hiện trong cộng đồng vẫn gia tăng.
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, dễ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm, triệt để, dứt khoát tinh thần "ai ở đâu ở đó"; tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tập trung đông người; không để người dân di chuyển, ra đường nhiều trong kỳ nghỉ lễ; xử lý nghiêm vi phạm.
Các địa phương khác tăng cường biện pháp chống dịch, nhất là 5K; kiên quyết dừng tổ chức lễ hội không cần thiết; dừng hoạt động tại khu công cộng, vui chơi gian trí, địa điểm du lịch, tâm linh; tăng cường kiểm tra, không cho tụ tập đông người tại các địa điểm này.
Thủ tướng lưu ý các lực lượng chống dịch tại địa phương ứng trực ngày đêm để kịp thời phát hiện, xử lý vấn đề phát sinh; "tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, làm dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát như dịp nghỉ lễ 30/4".
Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước từ ngày 27/4 đến nay là 457.882, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước với 221.254, Bình Dương 114.788, Đồng Nai 23.766, Long An 22.044, Tiền Giang 9.652...
Trong đó, 238.860 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.295 ca, trong đó có 4.006 ca thở ô xy qua mặt nạ, 1.259 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 91 ca thở máy không xâm lấn, 916 ca thở máy xâm lấn và 23 ca ECMO.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 30/8 là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 462.096 ca Covid-19, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.700 ca nhiễm).
Giãn cách kéo dài khiến số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng vọt
Đề xuất có nghị quyết riêng cho doanh nghiệp, ngân hàng bị ảnh hưởng Covid-19
VNBA cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và ngân hàng ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo dự báo nợ xấu sẽ tăng đột biến, từ đó đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Covid-19 'giáng đòn' lên sản xuất công nghiệp
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm mạnh do chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương giãn cách xã hội.
Nền tảng cho lực lượng lao động hậu Covid-19
Mặc dù hầu hết người lao động mong muốn và sẵn sàng tham gia các hoạt động đào tạo lại, rất ít doanh nghiệp có thể cung cấp hình thức phù hợp và có chương trình đào tạo cá nhân hóa.
Giảm 10% tiền điện cho 3 nhóm doanh nghiệp khó khăn do Covid-19
Số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho 3 nhóm doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 trong đợt 5 này là khoảng 650 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế VAT.
Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.