Nhựa tái chế Duy Tân và La Vie bắt tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Hoàng Đông - 07:24, 11/10/2023

TheLEADERNhựa tái chế Duy Tân (DTR) và La Vie ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác thu gom và tái chế nhựa, với mục tiêu thúc đẩy thu gom, tái chế theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Nhựa tái chế Duy Tân và La Vie bắt tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Nhựa tái chế Duy Tân và La Vie

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ thu gom được 11 nghìn tấn rác thải nhựa từ bao bì của La Vie, bao gồm cả những chai dung tích nhỏ cho đến bình nước dung tích 19 lít.

Lượng rác thải nhựa này sẽ được DTR đưa về nhà máy ở Đức Hòa, Long An để tái chế tạo ra sản phẩm nhựa tái sinh đạt các chứng nhận như tiêu chuẩn của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), phù hợp để sản xuất bao bì dùng cho thực phẩm, đồ uống.

Bên cạnh đó, quy trình tái chế của DTR cũng đảm bảo tiêu chí “3 không”, tức là không rác thải, không khí thải và không nước thải.

Theo đại diện 2 công ty, chương trình hợp tác này nhằm mục đích thúc đẩy mô hình thu gom, phân loại và tái chế chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, lồng ghép thông điệp truyền thông khuyến khích người tiêu dùng trên toàn quốc tích cực bảo vệ môi trường thông qua những hoạt động đơn giản như phân loại rác thải tại nguồn.

Với mục tiêu không có bao bì nào của công ty trở thành rác sau tiêu dùng, La Vie là doanh nghiệp F&B Việt Nam đầu tiên hợp tác với DTR để phát triển, đánh giá, phê duyệt và sử dụng hạt nhựa tái sinh sản xuất ra bao bì dùng cho thực phẩm.

Bên cạnh La Vie, DTR đang hợp tác cung ứng nhựa tái sinh làm bao bì cho nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn tại Việt Nam, cũng như xuất khẩu hàng nghìn tấn nhựa tái sinh sang các thị trường tiên tiến như Mỹ và EU.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, cho biết, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD nhựa nguyên liệu. Trong khi đó, một lượng lớn rác thải nhựa có giá trị tái chế đang bị xử lý không đúng cách và thất thoát ra môi trường.

Như vậy, việc tham gia vào ngành nhựa tái chế của DTR là một bước đi tiên phong nắm bắt cơ hội, qua đó vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Hoạt động tái chế của DTR diễn ra tại nhà máy ở Đức Hòa, Long An. Khởi công xây dựng từ giữa năm 2019 trên diện tích 65 nghìn m2, nhà máy này có thể tái chế khoảng 100 nghìn tấn nhựa mỗi năm với công nghệ “bottle to bottle” đến từ châu Âu.