Những 'cơn gió ngược' là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng 2020 của Việt Nam

Hoàng Linh - 14:10, 07/01/2020

TheLEADERLà nền kinh tế có lượng xuất khẩu vượt qua GDP và dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của ba thị trường hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực tăng trưởng nếu những thị trường này giảm tốc.

Những 'cơn gió ngược' là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng 2020 của Việt Nam
Các thị trường xuất khẩu lớn giảm tốc có thể khiến tăng trưởng của VIệt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh: ADB

Trong một năm đầy thách thức như 2019, Việt Nam đã vượt qua những rủi ro, kết thúc năm với mức tăng trưởng GDP cao, trên 7% nhờ lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ và khu vực dịch vụ liên tục mở rộng.

Dòng dịch chuyển thương mại cùng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã hỗ trợ sản xuất tăng trưởng tốt trong khi tiêu dùng nội địa và du lịch bùng nổ tạo ra động lực cho ngành dịch vụ.

Cùng với đó, một số rủi ro trong nước đã được kiềm chế tốt hơn so với những năm trước như nợ công, nợ nước ngoài.

HSBC trong báo cáo “Vietnam at a glance” mới đây cho rằng, những yếu tố tích cực trên sẽ tiếp tục hiện hữu trong năm 2020.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2020 được đánh giá vẫn tích cực và dự báo tăng trưởng đạt 6,6% khi dòng vốn FDI tiếp tục thúc đẩy khả năng sản xuất. Các hiệp định thương mại mới như EVFTA hay CPTPP sẽ mang lại cơ hội cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, dịch vụ cũng được nhận định duy trì đà vươn mạnh mẽ khi du lịch tiếp tục mở rộng và sự nổi lên của tiêu dùng nội địa.

Tuy vậy, HSBC lưu ý năm 2020 vẫn còn nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát 2019 được kiềm chế, ở mức thấp nhất ba năm nhưng tình hình giá thịt lợn tăng tốc thời gian qua làm gia tăng áp lực lạm phát trong năm nay. Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2020 cũng sẽ tạo ra thêm áp lực đối với lạm phát.

Lạm phát được dự báo sẽ đạt mức 3,8% trong năm 2020, cao hơn mức dự báo 3,5% trước đó và Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất trong quý III.

Kinh tế Việt Nam cũng sẽ không miễn nhiễm với việc chậm lại của kinh tế toàn cầu trong năm nay dù được xem là người hưởng lợi chính từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Những "cơn gió ngược" bên ngoài là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của quốc gia này, HSBC nhận định.

Là nền kinh tế có lượng xuất khẩu vượt qua GDP và dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của ba thị trường hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực tăng trưởng nếu những thị trường này giảm tốc.

Những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách hỗ trợ tăng trưởng cao một cách bền vững. HSBC đánh giá những cải cách tiếp tục trong năm 2020 sẽ rất cần thiết cho việc thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các thách thức kinh tế.

Trước hết, cơ sở hạ tầng là lĩnh vực cần được tập trung. Trong bối cảnh không gian tài chính của Việt Nam bị hạn chế nhưng nhu cầu cấp thiết nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng mới thì hình thức hợp tác công tư (PPP) sẽ tạo ra một nguồn lý tưởng để tài trợ cho các dự án lớn.

Tuy nhiên, những cải cách cần được tiến hành nhiều hơn để giải quyết các vấn đề liên quan đến PPP, từ đó khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

Lĩnh vực thứ hai cần lưu tâm là ngân hàng. Từ ngày 1/1/2020, tất cả ngân hàng tại Việt Nam đều phải áp dụng tiêu chuẩn Base II với yêu cầu về tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) ở mức 8%. Các ngân hàng nhỏ đang chịu áp lực tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn mới.