Những 'nút thắt' trong ngành điện

Nguyễn Cảnh - 11:02, 06/10/2022

TheLEADERNhiều dự án trọng điểm triển khai chậm so với kế hoạch, cơ cấu nguồn điện, phân bổ nguồn điện theo vùng, miền còn bất cập, một số cơ chế, chính sách chưa hợp lý… là những bất cập hiện hữu của ngành điện.

Những 'nút thắt' trong ngành điện
Các cơ chế chính sách về đấu thầu giá điện, mua bán điện trực tiếp cũng như giá chuyển tiếp cho các dự án điện gió, điện mặt trời đang là những bài toán nan giải kéo dài của ngành điện (ảnh minh họa)

Trong số 54 dự án (chuẩn bị/đang đầu tư năm 2022 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất khoảng 60.000MW), EVN thực hiện 10 dự án (tổng công suất 8.240MW), PVN đảm nhiệm 9 dự án (8.100MW); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) 4 dự án (2.730MW); BOT có 14 dự án (19.530MW); IPP có 14 dự án (trên 100MW), công xuất 17.092MW và 3 dự án (4.200MW) chưa có chủ đầu tư.

Đáng chú ý, một số dự án trọng điểm triển khai chậm, còn gặp vướng mắc lớn.

Giai đoạn 2016 - 2030, EVN được giao đầu tư 24 dự án (gồm cả dự án thủy điện tích năng Bắc Ái) với tổng công suất 15.215MW, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 cần hoàn thành 14 dự án. 

Tuy nhiên, trong tổng số 24 dự án, ghi nhận 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư (dự kiến 6 dự án đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ).

PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400MW. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021 - 2025 có 5 dự án. Một báo cáo của Bộ Công thương cho biết cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong QHĐ VII điều chỉnh.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo EVN, PVN quyết tâm cao, xây dựng tiến độ chi tiết cho các dự án nguồn điện lớn như Quảng Trạch I, Long Phú I,… đang đầu tư, tháo gỡ khó khăn phát sinh, đảm bảo sớm đưa vào vận hành, khai thác. Đối với các dự án đang triển khai đầu tư, cần rà soát, lập danh mục các dự án có thể đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian chuẩn bị để có thể khởi công từ nay đến 2025.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Công thương và ban chỉ đạo khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, hài hoà lợi ích của nhân dân, nhà nước, nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật.

Về các cơ chế chính sách liên quan đến giá điện, đấu thầu, đấu giá, … Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo và các bộ, ngành căn cứ quy định pháp luật để hoàn thiện, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích.

Một trong những vấn đề nhận được quan tâm của giới đầu tư và các cơ quan quản lý là đẩy nhanh thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp

Bộ Công thương cho biết, đối với các dự án năng lượng tái tạo, khi Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá được ban hành, trên cơ sở đó, EVN sẽ xây dựng khung giá, trình Bộ Công thương thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Được biết, Bộ Công thương đã hoàn thành Dự thảo về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và báo cáo Thủ tướng về việc thay đổi thẩm quyền ban hành quy định thí điểm cơ chế DPPA để trên cơ sở đó, sẽ xử lý các bước tiếp theo.

Thực tế, việc thí điểm cơ chế DPPA đã được cơ quan quản lý tính toán công phu với sự vào cuộc của nhiều tổ chức quốc tế (như WB, ADB, GIZ, Deloitte…) từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa thể đi vào chung kết. Đáng chú ý, các nội dung mang tính ‘xương sống’ của cơ chế DPPA qua các lần dự thảo, nghiên cứu đều cơ bản tương đồng.

Đơn cử, tháng 4/2021, Bộ Công thương lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA).

Theo dự thảo thời điểm đó, khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) có thể đàm phán mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn. Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công thương.

Khách hàng dùng điện tham gia chương trình thí điểm cơ chế DPPA phải có hồ sơ đăng ký đáp ứng các tiêu chí. Trong đó, có cam kết sử dụng năng lượng tái tạo; tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng năm mua trong 3 năm đầu tham gia thí điểm đạt từ 80% trở lên.

Về phía đơn vị phát điện, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân sở hữu dự án điện nối lưới sử dụng công nghệ phát điện từ sức gió hoặc bức xạ mặt trời, có công suất lắp đặt lớn hơn 30MW (tỷ lệ quy đổi là 1 MWp bằng 0,8 MW đối với nhà máy điện mặt trời).

Bộ Công thương dự kiến vận hành thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000MW. 

Sau thí điểm một năm, Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công thương sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý... hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế DPPA.

Trước đó, tháng 1/2020, thực hiện nhiệm vụ được giao về ‘nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, các quy định cho việc khuyến khích đầu tư phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với từng giai đoạn’, Bộ Công thương cũng đã có tờ trình Thủ tướng về cơ chế DPPA.

Chương trình DPPA thí điểm được xây dựng dựa trên các đề xuất của EuroCharm và Amcham với Thủ tướng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 và Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, và đề xuất của USAID với Bộ Công thương vào tháng 9/2016 về hỗ trợ thực hiện nghiên cứu về "Cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp cho các nguồn năng lượng tái tạo" trong khuôn khổ Chương trình giảm khí thải năng lượng tại Việt Nam (VLEEP) sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ.

Tháng 6/2019, hội thảo tham vấn lấy ý kiến rộng rãi về thiết kế và kế hoạch thí điểm cơ chế DPPA cho Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều tổ chức đối tác quốc tế (như WB, ADB, GIZ, AfD và VEPG), các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và khách hàng tiềm năng mua năng lượng tái tạo (như Sunseap, Norsk Solar, Heineken, Apple…).

Ngoài ra, tư vấn Deloitte của VLEEP đã nhiều lần trình bày các nội dung về cơ chế DPPA đề xuất cho Việt Nam để trao đổi, lấy ý kiến tại cuộc họp của Hiệp hội các nhà mua năng lượng tái tạo (REBA) từ cuối 2017 tới tháng 8/2019.