Những rào cản kìm hãm hoạt động của thành viên độc lập HĐQT

Quỳnh Chi - 09:15, 12/05/2022

TheLEADERThực tế hiện nay cho thấy, vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, thị trường đang thiếu trầm trọng người hành nghề thành viên độc lập HĐQT, đồng thời, các thành viên độc lập HĐQT cũng chưa thực sự thể hiện được vai trò của mình.

Những rào cản kìm hãm hoạt động của thành viên độc lập HĐQT
Tính độc lập của thành viên HĐQT ở Việt Nam còn nhiều hạn chế

Xét về yếu tố khách quan, trở ngại lớn nhất trong việc đảm bảo hoạt động hiệu quả của chế định thành viên độc lập HĐQT đến từ việc xác định tính độc lập trong vị trí và hoạt động của thành viên độc lập HĐQT. Đây không chỉ là khó khăn riêng đối với các nhà lập pháp Việt Nam mà còn là một thực trạng chung ở nhiều các quốc gia khác.

Theo luật sư Đặng Đức, Tổng thư ký Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị Việt Nam (VNIDA), mặc dù pháp luật đã thiết lập một bộ tiêu chí để xác định tính độc lập của thành viên độc lập HĐQT, tuy nhiên ngay cả khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này, tính độc lập của thành viên độc lập HĐQT cũng chỉ dừng lại ở mức tương đối vì ba lý do.

Thứ nhất, các thành viên độc lập HĐQT thường được giới thiệu bổ nhiệm từ các cổ đông trong công ty nên ít nhiều có mối quan hệ nhất định với các cổ đông. Từ đó, hoạt động của các thành viên độc lập phần nào cũng chịu sự ảnh hưởng, thậm chí là chi phối bởi lợi ích của các cổ đông này. 

Trong trường hợp này, khả năng đưa ra các quyết định, thực hiện các hoạt động một cách vô tư, không vụ lợi sẽ không còn được bảo đảm.

Thứ hai, ngoài vai trò thực hiện kiểm tra giám sát, với tư cách là chủ tịch các ủy ban trực thuộc HĐQT, các thành viên độc lập HĐQT cũng tham gia sâu rộng vào các hoạt động của HĐQT, từ đó hình thành nên các mối quan hệ thân thiết nhất định đối với các thành viên khác trong HĐQT. 

Các mối quan hệ này có thể là yếu tố cản trở việc thành viên độc lập HĐQT đưa ra các báo cáo khách quan đối với vi phạm của các thành viên HĐQT.

Thứ ba, để đưa ra các quyết định và các báo cáo về hoạt động quản trị của công ty cũng như hoạt động của các thành viên HĐQT, các thành viên độc lập HĐQT cần phải tiếp cận được các nguồn thông tin chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế pháp luật lại chưa có quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của thành viên độc lập HĐQT.

Xét về yếu tố chủ quan, ông Đức cho rằng, một thành viên độc lập HĐQT chất lượng đòi hỏi nhiều yêu cầu từ lượng kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực đến các kỹ năng về phản biện, tranh luận, giám sát, phân tích và tư vấn. Họ thường là những người đã có kinh nghiệm thực chiến.

Với việc thỏa mãn các tiêu chí độc lập được nêu trong Luật Doanh nghiệp, vị trí và hoạt động của thành viên độc lập HĐQT được kỳ vọng sẽ tạo một đối trọng đủ lớn để hài hòa, cân bằng lợi ích các bên trong công ty. 

Các thành viên độc lập sẽ đảm bảo HĐQT có thể đưa ra những quyết định không thiên vị, xoa dịu các xung đột về lợi ích giữa các cổ đông, nhóm cổ đông trong công ty, bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm cổ đông nhỏ. Đồng thời, tạo cơ sở để nâng cao sự công khai, minh bạch trong hoạt động của công ty, tạo ra niềm tin và sự yên tâm đối với các nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới nổi bật nhất về quyền của thành viên độc lập HĐQT là việc giữ vai trò làm chủ tịch ủy ban kiểm toán. Quy định này là cơ sở để thành viên độc lập HĐQT thể hiện vai trò kiểm tra, giám sát của mình trên cương vị là chủ tịch của cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động về tài chính, kế toán, kiểm toán, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chất lượng hoạt động của HĐQT, thành viên độc lập HĐQT còn được pháp luật chứng khoán trao thêm trách nhiệm lập báo cáo đánh giá hoạt động của HĐQT.

Xét từ góc độ doanh nghiệp, việc bổ nhiệm và sử dụng thành viên độc lập HĐQT gặp phải không ít khó khăn, nhất là trong bối cảnh thị trường hiện nay đang thiếu trầm trọng nguồn cung các cá nhân hành nghề thành viên độc lập HĐQT chuyên nghiệp.

Mặc dù pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc bố trí thành viên độc lập HĐQT trong các doanh nghiệp niêm yết, tuy nhiên theo ông Đức, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có thành viên độc lập trong HĐQT còn thấp, khoảng dưới 40%. Trong đó, chỉ có khoảng 80% doanh nghiệp có bổ nhiệm số lượng thành viên độc lập HĐQT đạt tỉ lệ tối thiểu theo quy định.

Ngoài sự thiếu hụt nguồn cung thì việc thiếu các động thái cứng rắn của các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán trong vấn đề xử phạt các doanh nghiệp không đảm bảo cơ cấu thành viên HĐQT là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên. Theo quy định, vi phạm về cơ cấu thành viên HĐQT trong công ty sẽ bị xử phạt 70 - 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế ít doanh nghiệp bị xử phạt về vấn đề này.