Nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ để vượt qua đại dịch

Nhật Hạ - 17:50, 12/10/2021

TheLEADERNhiều doanh nhân cho rằng những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để họ vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.

Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm khi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, năm 2021 được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp đối mặt với đứt gãy sản xuất, thị trường, dòng tiền và lao động.

Nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ để vượt qua đại dịch
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI. Ảnh: Nhật Bắc

Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm. Vì vậy, ông Công cho rằng các doanh nghiệp đang mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần được ổn định và có thời hạn phù hợp. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, "cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương", theo ông Công, từ đó giúp chương trình sát hợp với nhu cầu, điều kiện của doanh nghiệp và có tính khả thi cao.

Cho rằng hành trình phía trước để đưa Việt Nam sánh vai các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức, tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch VCCI khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp xác định “trong nguy có cơ”, lấy dịch Covid-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, ngành công nghệ thông tin đã có nhiều đóng góp vào phòng chống dịch và vẫn có tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm 2021. Do đó, ông Chính khẳng định công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế trong thời gian hậu Covid-19.

Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là cứ điểm cung cấp công nghệ số toàn cầu như Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Ông Chính bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; giao các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đầu tư các dự án hạ tầng số quy mô lớn.

Hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đang được Chính phủ giao sớm hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế, trình Chính phủ trong tháng 10.

Đề xuất lãi suất huy động và cho vay chênh lệch không quá 2,5%

Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch. Khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã kiên trì tìm hướng đi mới, tìm ra các giải pháp để duy trì và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân cho rằng những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để họ vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.

Do đó, ông Sơn kiến nghị Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, đáp ứng 4 mục tiêu gồm tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước.

"Tôi cho rằng cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm; hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc", theo ông Sơn.

Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.

Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Cùng với đó là đào tạo lại lực lượng lao động. "Cuộc gặp gỡ hôm nay là sự khích lệ lớn đối với doanh nghiệp và doanh nhân vượt qua khó khăn để phục hồi sau đại dịch", ông Sơn khẳng định.

Trước kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nhưng để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô... bà Hồng đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ trong quá trình này.

Nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ để vượt qua đại dịch 2
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Nhật Bắc

Về chính sách tài khoá, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, bộ sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng các chính sách ưu đãi thuế phí, bảo đảm Việt Nam có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

"Về phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo Thủ tướng xem xét cơ chế lãi suất với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh", Thứ trưởng Hà cho biết.

Giải pháp thời gian tới, ông Hà cho rằng cần bảo đảm sự thông suốt của chuỗi sản xuất và cung ứng. Đây không phải chỉ có sản xuất và cung ứng trong nước, mà còn liên thông với thị trường bên ngoài. Giải pháp về nguồn cung, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa là rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, khuyến khích tiêu dùng nội địa trong nước cũng là cần thiết.

Cùng đó là đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy, việc này có mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.

Đưa khái niệm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vào Luật Doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nữ Việt Nam cho biết hiện nay sự thụ hưởng của cộng đồng doanh nghiệp từ các gọi cứu trợ trực tiếp về thuế và tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội… đang còn khiêm tốn, một trong những nguyên nhân là do khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng, thời gian và quy trình.

Bên cạnh đó, trong các chiến lược quốc gia thành phần sẽ đồng bộ với chiến lược quốc gia phát triển bền vững, ví dụ chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có quy định tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lại không có quy định này. Do đó, rất khó để đồng bộ trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như sự phấn đấu của phụ nữ.

Do đó, bà Minh kiến nghị đưa vào Luật Doanh nghiệp khái niệm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hiện nay rất nhiều nước đã có khái niệm này như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Đưa khái niệm này vào sẽ xác định được đối tượng để thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất, giúp có các số liệu chính xác báo cáo trong các diễn đàn về thúc đẩy bình đẳng giới…

Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động và biến đổi của Covid-19 khó lường. Sự phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khó khăn, do đó bà Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những gói hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật.

Nhắc đến việc, khi so sánh với các gói hỗ trợ của các nước, UNDP khuyến nghị Chính phủ Việt Nam trích 5% GDP từ nay đến cuối năm để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm đến kiến nghị này.

Cũng tại buổi gặp mặt, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nhìn nhận, doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào...

Ông Dũng đánh giá, Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình. Nhiều chỉ thị đã được ban hành để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi gía trị toàn cầu, tầm cở khu vực và thế giới.

"Cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép", Chủ tịch Viettel khẳng định.