Nội bộ OPEC bất hòa, giá dầu lên đỉnh 3 năm

Hoài An - 12:07, 06/07/2021

TheLEADERMối quan hệ xấu đi giữa UAE và Ả Rập Saudi do những bất đồng về sản lượng dầu gia tăng lo ngại về đà tăng của giá dầu trong thời gian tới.

Giá dầu mới đây đã tăng lên mức cao nhất gần ba năm sau khi các cuộc đàm phán giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm cả Nga, bị hoãn vô thời hạn.

Điều này đồng nghĩa với việc nhóm này không đạt được thỏa thuận về chính sách sản xuất cho tháng 8 tới và cả sau đó.

Cập nhật từ CNBC cho biết giá dầu thô WTI của Mỹ trong hợp đồng tương lai tăng 1,56%, tương đương mức tăng 1,17 USD lên mức giá 76,33 USD/thùng, ghi nhận ngưỡng cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Trong khi đó, dầu thô Brent tăng 1,2%, tương đương 93 cent, giao dịch ở mức cao 2 đến 2,5 năm với 77,10 USD/thùng.

Nhóm OPEC+, bao gồm OPEC và các đồng minh sản xuất dầu, đã bắt đầu các cuộc thảo luận từ tuần trước nhằm đưa ra chính sách sản lượng trong nửa cuối năm.

Nhóm này đã bỏ phiếu cho kế hoạch mỗi tháng sẽ tăng thêm 400.000 thùng dầu/ngày ra thị trường trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12, tương đương mức tăng 2 triệu thùng/ngày vào thời điểm cuối năm nay. Các thành viên cũng đề xuất kéo dài quá trình thay đổi sản lượng đến cuối năm 2022.

Tuy nhiên, các đề xuất này đã không thể được thực hiện khi vấp phải sự phản đối từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các cuộc đàm phán được kéo dài vào thứ Năm và thứ Sáu tuần trước để cố gắng đạt được sự đồng thuận nhưng thất bại. Thậm chí, nỗ lực kéo dài thảo luận đến đầu tuần này cũng không thể mang lại kết quả.

Bất đồng về mức sản lượng cơ sở giữa Ả Rập Saudi và UAE được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong lần gặp mặt này. 

Trong các thỏa thuận của OPEC+, mức cơ sở được tính toán và đưa ra để làm mốc cắt giảm sản lượng đối với mỗi quốc gia. Con số cơ sở càng cao đồng nghĩa với lượng được khai thác càng cao sau khi đã trừ mức cắt giảm.

UAE lập luận rằng mức cơ sở 3,2 triệu thùng/ngày của nước này được triển khai từ tháng 4 năm ngoái là quá thấp, đề nghị lên mức 3,8 triệu thùng/ngày nếu thỏa thuận tăng sản lượng được kéo dài đến hết năm sau.

Theo CNN, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei cuối tuần trước cho rằng thỏa thuận hiện nay thiếu công bằng khi quốc gia này buộc phải ngừng hoạt động 1/3 sản lượng khai thác dù các quốc gia khác được phép sản xuất nhiều hơn mức tối đa của họ.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi và Nga phản đối việc tính lại sản lượng mục tiêu vì lo ngại các quốc gia khác có thể đưa ra đòi hỏi tương tự.

Nhiều năm qua, UAE và Ả Rập Saudi là đối tác thân thiết, thiết lập liên minh quan trọng nhất của khu vực và trong OPEC. Hiện Ả Rập Saudi giữ vị trí lãnh đạo của nhóm này, cũng là nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới trong khi UAE là nhà sản xuất lớn thứ ba khối trong năm 2020.

Tháng 4/2020, OPEC+ đã đưa ra các giải pháp mang tính lịch sử và giảm gần 10 triệu thùng dầu được sản xuất mỗi ngày nhằm thúc đẩy mức giá, giữa bối cảnh nhu cầu dầu mỏ giảm đáng kể. Kể từ đó, nhóm này thực hiện tăng sản lượng từ từ, đồng thời tổ chức họp định kỳ nhằm thảo luận các chính sách về đầu ra.

Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của dầu mỏ khi mức giá dầu WTI đã tăng tới 57%. Thực tế này khiến nhiều nhà phân tích tại phố Wall dự báo nhóm OPEC+ sẽ tăng sản lượng nhằm kiềm chế đà tăng vọt của giá dầu.

Theo các nhà phân tích tại TD Securities, trong bối cảnh sản lượng giữ nguyên, nhu cầu tăng trưởng mạnh sắp tới sẽ thắt chặt thị trường năng lượng toàn cầu với tốc độ nhanh hơn dự báo.

Sự bế tắc hiện nay sẽ dẫn tới thâm hụt tạm thời và lớn hơn đáng kể so với dự đoán, từ đó thúc đẩy mức giá tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.