Nới cơ chế FDI vay ngân hàng ngoại: Nên hay không?

Minh Nhật - 20:00, 03/02/2020

TheLEADERKhông ít doanh nghiệp FDI mong muốn được tiếp cận nhiều và dễ dàng hơn với các ngân hàng nước nhà do sự đồng điệu về ngôn ngữ, văn hóa. Các chuyên gia cho rằng vấn đề này mang lại một số lợi ích nhưng cần kiểm soát chặt chẽ, tránh dẫn đến chuyển giá.

Nhà đầu tư ngoại muốn mở cửa hơn nữa trong cơ chế tài chính

Một số nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có một chơ chế thông thoáng hơn đối với quản lý hoạt động vay nợ nước ngoài tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019 vừa qua.

Công ty TNHH Vina Pioneer Industrial và Công ty TNHH Pioneer Plastic Industrial tại Khu công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên cho biết đã tiến hành đăng ký vốn vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng bị từ chối vì cư trú trên lãnh thổ Việt Nam theo Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/2/2016.

Các doanh nghiệp này cho rằng việc đăng ký vay nước ngoài là hoàn toàn khả thi và được phép bất kể cá nhân cư trú hay không cư trú. Ngoài ra, chủ sở hữu của các doanh nghiệp là người nước ngoài và nhà đầu tư có tài sản ở nước ngoài, do đó cho vay bằng USD là hoàn toàn hợp lý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp/chi nhánh tại Việt Nam có trụ sở Hàn Quốc trên thực tế có quyền vay các khoản vay từ công ty mẹ, đặt ra nhiều băn khoăn cho các doanh nghiệp trên.

Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) trong báo cáo nhận định để các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ổn định, việc cấp vốn từ các ngân hàng của Hàn Quốc là rất cần thiết.

“Vì doanh nghiệp mới đầu tư chưa có kết quả kinh doanh nên phải sử dụng khoản vay bằng tín dụng hoặc tài sản của công ty mẹ và muốn nhận thông tin địa phương và tư vấn tài chính từ các ngân hàng của Hàn Quốc. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các chính sách hỗ trợ khác nhau được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính sách của Hàn Quốc (Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh công nghệ, v.v.) thông qua các ngân hàng của Hàn Quốc”, KoCham phân tích.

Cần giám sát chặt chẽ hơn vấn đề chuyển giá

Không chỉ Việt Nam mà hầu hết quốc gia trên thế giới hiện đều giám sát và kiểm soát vấn đề vay nợ của các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát tổng thể nợ quốc gia.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết trên thực tế, các doanh nghiệp FDI vẫn có thể vay của nước ngoài được như trường hợp Keangnam vay vốn từ ngân hàng Kookmin Bank đều thuộc tập đoàn Keangnam.

Nới cơ chế FDI vay ngân hàng ngoại: Nên hay không?
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Các ngân hàng nước ngoài hiện tham gia khá hạn chế vào thị trường trong nước và ông Thế Anh đánh giá việc cho phép FDI vay vốn ngân hàng nước ngoài không tạo ra quá nhiều vấn đề nghiêm trọng.

“Tôi cho rằng ngân hàng nước ngoài thì cũng giống như một doanh nghiệp FDI bình thường. Việc vay của FDI sẽ giúp Việt Nam có thêm vốn, thu được ngoại tệ, từ đó giúp giảm sức ép bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước ra thị trường”, ông phân tích.

Tuy nhiên, chuyển giá là vấn đề cần được kiểm soát chặt chẽ và tuân theo các quy định, điều kiện của pháp luật liên quan đến khấu trừ lãi vay và thuế.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, cũng cho rằng đề xuất của đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc là điều có thể xem xét.

Các doanh nghiệp FDI có xu hướng ưa thích các khoản vay của các ngân hàng nước nhà bởi vấn đề đồng điệu về ngôn ngữ, văn hóa, kinh doanh, quan hệ - những vấn đề quan trọng trong làm ăn tại khu vực châu Á.

Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vay từ ngân hàng Hàn Quốc sẽ thuận lợi hơn về nội tệ, ngoại tệ, lãi suất cũng như quy trình thủ tục so với việc vay từ các ngân hàng Việt Nam.

Ngoài ra, mối liên kết vay này còn có thể xuất phát từ bản thân nước sở tại khi ngân hàng và doanh nghiệp đã có những kết nối theo chuỗi giá trị và muốn tiếp tục những giao dịch khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam.

Việc các ngân hàng nước ngoài mong muốn mở chi nhánh hay đại diện tại Việt Nam ngoài việc cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp nước họ còn cho thấy sự quan tâm đến thị trường Việt Nam rộng lớn và đầy hấp dẫn.

Ông Lực cho rằng việc các doanh nghiệp FDI sử dụng ít sản phẩm dịch vụ hơn từ các tổ chức tín dụng trong nước là một trong những bất lợi, từ đó đặt ra yêu cầu tăng năng lực cho khu vực tài chính trong nước.