PVN: Dừng hoạt động các nhà máy đạm không giúp nhiều cho hệ thống điện quốc gia

Dũng Phạm - 20:08, 22/05/2023

TheLEADERVấn đề về khả năng hoạt động liên tục của nhà máy đạm Cà Mau (DCM) và đạm Phú Mỹ (DPM) đang được dư luận hết sức quan tâm trong những ngày qua sau văn bản đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Vừa qua, trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ về thiếu hụt điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi đề xuất ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng 5 và tháng 6 sắp tới.

Trong khi đó, DCM và DPM vẫn đang phải giải quyết bài toán khó từ việc giá các loại phân bón nói chung và giá phân bón Ure trên thị trường thế giới bắt đầu giảm kể từ cuối năm ngoái khi nguồn cung từ Nga và Trung Quốc tăng lên. Theo kết quả kinh doanh mới được công bố, lợi nhuận quý I/2023 của DCM và DPM giảm mạnh lần lượt 85% và 87% so với mức nền cao của năm ngoái; nguyên nhân chủ yếu do giá phân bón giảm mạnh từ mức cao kỷ lục trong năm 2022.

Thông tin đăng tải trên website sau đề xuất của EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đưa ra ý kiến xung quanh câu chuyện sử dụng hợp lý, có kế hoạch khí thiên nhiên cho sản xuất điện, đạm. Trong đó, PVN nhấn mạnh về nội dung duy trì hoạt động liên tục của hai nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau.

Cụ thể, tập đoàn này cho biết kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trên toàn quốc năm 2023 đã được Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, trong đó sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên chiếm khoảng 10.4% tổng sản lượng quốc gia. Theo kế hoạch này, dự kiến PVN và các bên trong hệ thống khí tại các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỷ m3 khí (khu vực Đông Nam Bộ khoảng 4,3 tỷ m3 và Tây Nam Bộ khoảng 1,3 tỷ m3) cho sản xuất điện trong năm 2023.

Trên thực tế, do nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện trong quý 1/2023 rất thấp, nên tính đến hết tháng 4/2023 lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% so với kế hoạch của Bộ Công Thương đã giao. Trước tình hình nhu cầu phụ tải hệ thống điện tăng cao, PVN và các bên trong các hệ thống khí đã phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tăng cường tối đa lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước, đồng thời PVN cũng đã và thống nhất với Petronas để mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA với Malaysia nhằm gia tăng lượng khí cung cấp cho sản xuất điện trong nước. Với các nỗ lực nêu trên, dự kiến trong năm 2023 PVN sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỷ m3 khí thiên nhiên cho sản xuất điện (gồm 4,55 tỷ m3 khu vực Đông Nam Bộ và 1,32 tỷ m3 ở khu vực Tây Nam Bộ), dự kiến vượt 104.8% so với kế hoạch của Bộ Công Thương.

Thêm nữa, tính đến thời điểm hiện nay, công suất huy động các nhà máy điện khí cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động. Do vậy, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cung cấp điện của Bộ Công Thương đã phê duyệt, nhà chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng cần phải huy động sự tham gia phát điện của nhiều nguồn phát điện khác ngoài điện khí (điện than, thuỷ điện, năng lượng tái tạo…)

Do không có nguyên liệu thay thế, các nhà máy đạm tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ tiến hành sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kể từ năm 2006 đến nay. Nhu cầu tiêu thụ khí luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ m3 khí mỗi năm cho hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của đất nước. Việc lập kế hoạch cho nhu cầu sử dụng khí cũng như kế hoạch về bảo dưỡng, bảo trì các nhà máy đạm để tối ưu nguồn cung cấp khí được các bên phối hợp thực hiện và thống nhất tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của các hợp đồng mua bán khí có cam kết dài hạn.

Đồng thời chủ sở hữu của các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng/giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông của các công ty này trước khi thực hiện.

Việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm. Thêm nữa, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.

Hoạt động khai thác các mỏ khí đều được các chủ mỏ (có sự tham gia của PVN và các bên) lên kế hoạch hàng năm trên cơ sở khả năng khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động khai thác mỏ và các cam kết mua/nhu cầu khí từ các khách hàng theo hợp đồng dài hạn.

Trong nhiều thập kỷ gần đây, việc sử dụng khí thiên nhiên để sản xuất điện, đạm và cho sản xuất công nghiệp trở thành một phương pháp phổ biến ở Việt Nam. Khí thiên nhiên là một nguồn năng lượng sạch, giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một loại hàng hoá đặc thù và được khai thác hầu hết từ các mỏ khí ở vùng thềm lục địa Việt Nam, sau khi khai thác khí thiên nhiên được vận chuyển bằng các đường ống dẫn khí về bờ và phân phối đến các khách hàng gồm các nhà máy điện, nhà máy đạm và khách hàng công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.