Quản trị nào cho thời 'loạn chuẩn'?

Xuân Lộc - 10:05, 31/01/2020

TheLEADERTrong một thời đại mà mọi giá trị đều có thể bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, thì chọn cách sống ra sao, cách làm thế nào và quản trị kiểu gì cho phù hợp? Buổi trò chuyện với ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED sẽ giúp cho doanh giới có thêm những góc nhìn và gợi ý thú vị.

Quản trị nào cho thời 'loạn chuẩn'?
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED.

Ông từng nói: “Cần định nghĩa lại công việc của nhà quản trị trong kỷ nguyên mới. Việc của các nhà quản trị tương lai là học cách lãnh đạo chính mình đồng thời giúp người khác biết cách tự lãnh đạo họ, cùng hướng về một mục tiêu chung”. Đây là một cách nhìn mới mẻ và khác biệt, ông có thể chia sẻ sâu hơn về chân dung của nhà quản trị kiểu mới?

Ông Giản Tư Trung: Trước hết, muốn biết chân dung của nhà quản trị kiểu mới thì cần phải biết chúng ta đang ở thời đại nào, và trong thời đại đó thì con người sống và làm việc ra sao. Từ đó, mới thấy được cách quản trị cũ không còn phù hợp, cần phải tìm cách quản trị kiểu mới.

“Thời đại mới” có phải là thời đại 4.0, thời phát triển vượt bậc của công nghệ và trí tuệ nhân tạo?

Ông Giản Tư Trung: Đó là cách nhìn “thời đại mới” chỉ ở khía cạnh về công nghệ đơn thuần, cần có cái nhìn tổng quan ở nhiều khía cạnh khác như: Kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa…

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận thành tựu về công nghệ đã tác động vô cùng mạnh mẽ đến mọi khía cạnh nói trên. Sự ra đời của internet di động đã làm thay đổi cách chúng ta giao tiếp, làm việc, các mối quan hệ trong xã hội một cách sâu sắc.

Tại Việt Nam, công nghệ phát triển quá nhanh, trong khi các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, lại không phát triển theo kịp với công nghệ. Điều này đã tạo ra một thời đại biến động chóng mặt và khôn lường, khó nắm bắt và không tiên đoán được. Trong thời đại “loạn chuẩn” này, nhiều lẽ thường bị đảo lộn, khiến chúng ta cảm thấy hoang mang và dễ bị “lạc trôi”.

Nhưng thực tế cho thấy không phải mọi lễ thường đều đúng và việc gì trái lẽ thường cũng không tốt?

Ông Giản Tư Trung: Đúng vậy, lẽ thường là những chuẩn mực văn hóa được định hình trong xã hội theo thời gian, có những lẽ thường tiến bộ, nhưng cũng có những lẽ thường mà nếu làm trái nó thì sẽ tốt hơn và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội. 

Mọi chuẩn mực đều hướng về chân lý và chân lý cũng thay đổi theo thời gian. Có những thứ được xem là chân lý trong hàng trăm hay hàng ngàn năm, nhưng giờ đều cũng đã được thay đổi và cái mới được xem là lẽ thường ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia văn minh, chẳng hạn như vấn đề hôn nhân đồng giới, quyền được chết êm ái trong y khoa, hay hợp pháp hóa mại dâm… Nhưng cho dù chân lý có thay đổi thì mọi thay đổi tiến bộ đều hướng về quyền tự do và tính nhân bản, tức là đề cao sự tự do và coi trọng giá trị con người.

Trong thời loạn chuẩn, con người dễ rơi vào các ngộ nhận nguy hiểm như giữa tự do và hoang dã, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa cá tính và quái tính, giữa đức tin và mê tín, giữa “hãy là chính mình” và “tôi là trên hết”…

Trong thời loạn chuẩn, con người dễ rơi vào các ngộ nhận nguy hiểm như giữa tự do và hoang dã, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa cá tính và quái tính, giữa đức tin và mê tín, giữa “hãy là chính mình” và “tôi là trên hết”… Do vậy, con người cần được khai minh để có khả năng minh định được đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà, hay-dở, tốt-xấu. Bởi lẽ, “không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng”, trong khi bây giờ nhìn cái gì cũng thấy lấp lánh.

Với những con người như thế và trong một thời đại như thế thì cách quản trị như lâu nay sẽ khó phù hợp.

Vậy kiểu quản trị mới theo ông là gì?

Ông Giản Tư Trung: Trong thời đại mà con người ngày càng trở nên độc lập và tự do hơn thì cách tốt nhất để quản trị người khác là giúp người đó biết cách tự quản trị họ. Nhưng để giúp người khác biết cách quản trị họ thì trước hết cần phải biết cách quản trị chính mình, rồi từ đó mới có thể “chuyển giao công nghệ quản trị chính mình” cho người khác được. Đó cũng là lý do vì sao “quản trị cuộc đời” hay “quản trị bản thân” là nền tảng của mọi quản trị khác, bất kể đó là quản trị tổ chức, quản trị gia đình hay quản trị quốc gia.

Một nhà quản trị khai minh sẽ biết cách khai phóng con người (khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của nhân viên), còn một người sếp chỉ biết cai trị bằng mệnh lệnh, tạo sức ép… thì chỉ có giá trị nhất thời, thậm chí có tác dụng ngược. Có thể nói “quản trị bằng tự trị” như trên là thứ quản trị rất nhân bản, vì nó coi trọng giá trị con người và đặt giá trị con người làm trung tâm của mọi quyết định, bất kể họ là khách hàng, nhân viên hay cộng đồng.

Do vậy, chúng ta có thể nói rằng, “quản trị bằng tự trị” hay “quản trị bằng văn hóa” cũng chính là tương lai của quản trị. Hay nói một cách ví von hơn, tương lai của lãnh đạo là lãnh-đạo-mà-không-lãnh-đạo và tương lai của quản trị là quản-trị-mà-không-quản-trị.

Trong một hội thảo, ông cũng từng nói “quản trị thì khác với cai trị, còn lãnh đạo thì khác với cầm quyền”, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

Ông Giản Tư Trung: Không chỉ quản trị thì khác với cai trị, lãnh đạo thì khác với cầm quyền, mà còn doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn. Đây không phải là vấn đề thuật ngữ hay câu chữ, mà sự phân định này chính là bản chất sâu xa, là chân giá trị của quản trị, của lãnh đạo và kinh doanh.

Có rất nhiều cách hiểu, nhiều góc nhìn và nhiều cách phân biệt khác nhau giữa quản trị và cai trị. Tôi có thể chia sẻ một cách phân biệt như sau để mọi người cùng tham khảo: Quản trị là khoa học và nghệ thuật khiến cho người khác muốn làm cái việc mà mình cần họ làm. Cai trị là dùng quyền lực để buộc người khác phải làm cái việc mà mình muốn họ làm. Như vậy, sự khác biệt ở đây chính là, một bên là dùng quyền lực, một bên là dùng khoa học và nghệ thuật, một bên là buộc phải làm, còn một bên là tự nguyện làm, tự hào làm.

Còn một khái niệm nữa, đó là “siêu cai trị”. Siêu cai trị là dùng khoa học và nghệ thuật khiến cho người khác muốn làm cái việc mà mình cần họ làm.

Nghe qua ta thấy khái niệm “quản trị” và “siêu cai trị” là giống hệt nhau nhưng thực ra là rất khác nhau. Khác ở chỗ, nền tảng của quản trị là dựa trên sự khai minh và khai sáng, còn nền tảng của “siêu cai trị” là nằm ở chỗ vô minh hay u minh/tăm tối.

Nếu lãnh đạo không nỗ lực liên tục khai minh chính mình và đội ngũ của mình thì sẽ khó có quản trị đích thực mà chỉ có cai trị hay siêu cai trị mà thôi.

Cụ thể, nếu lãnh đạo không nỗ lực liên tục khai minh chính mình và đội ngũ của mình thì sẽ khó có quản trị đích thực mà chỉ có cai trị hay siêu cai trị mà thôi. Do vậy, hành trình phát triển lãnh đạo hay phát triển đội ngũ gắn liền với hành trình khai minh, khai sáng chính mình và đội ngũ của mình.

Thể hiện rõ rệt nhất của siêu cai trị đó chính là các chế độ độc tài (điển hình như chế độ của Adolf Hitler) hay các tổ chức tà giáo (điển hình tổ chức như Osama Bin Laden). Ở những chế độ độc tài hay các tổ chức tà giáo này, con người thường bị “nhồi sọ” và “tẩy não” làm cho vô minh, tăm tối (nhưng họ lại không hề biết là mình đang vô minh, mà vẫn tin chắc rằng mình đã được khai minh và đang ở một tầm nhận thức cao hơn hẳn so với phần còn lại của xã hội). Khi đó, họ không chỉ mê tín mà còn trở nên cuồng tín với lãnh tụ hay thủ lĩnh của họ. Khi đó, các lãnh tụ hay thủ lĩnh có thể bảo họ đi chết vì những điều độc ác thì người ta vẫn sẵn lòng đi, đi một cách tự nguyện và đầy tự hào.

Tương tự, nhà lãnh đạo là người coi trọng công việc mà ở cương vị của mình phải làm, luôn cố gắng phát triển các năng lực cần thiết để làm tốt những việc đó. Họ luôn trên hành trình thực học và khai minh để phát triển bản thân nhằm tạo ra những giá trị và làm nên các thành tựu cho mình và cho đời. Còn nhà cầm quyền thì thường không quan tâm đến công việc phải làm, năng lực phải có, sự học phải qua, mà thường chỉ quan tâm chức vụ mình đang ngồi, quyền lực đang nắm và quyền lợi mình được hưởng.

Nếu dựa vào mối quan tâm giữa nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền thì sự khác biệt lớn nhất giữa họ là: Một bên quan tâm đến năng lực, còn một bên quan tâm đến quyền lực; một bên quan tâm nhiều đến chiếm hữu thụ hưởng, một bên quan tâm nhiều đến kiến tạo thành tựu và coi trọng giá trị con người.

Ngoài ra, công việc của nhà lãnh đạo đúng nghĩa không phải là trở thành người hùng mà là tạo ra người hùng, không phải duy trì đám đông mà tạo ra đội ngũ. Nếu không quy tụ được một đội ngũ, nhất là đội ngũ chủ chốt, có cái đầu sáng và trái tim nóng, sẵn sàng đóng góp hết mình cho mục tiêu chung, thì nhà lãnh đạo khó thành công.

Xin cảm ơn ông!