Quảng Ninh và bài học vượt khủng hoảng Covid-19

Quỳnh Chi - 10:27, 29/12/2020

TheLEADERDù phải chịu những tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt được nhiều thành tựu tích cực về kinh tế - xã hội, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng bước vào năm 2021 với quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Quảng Ninh và bài học vượt khủng hoảng Covid-19
Trong bối cảnh Covid-19, Quảng Ninh vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP 10%

Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế nên dù chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch, Quảng Ninh vẫn là địa phương ghi nhận tăng trưởng cao.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 của Quảng Ninh ước tăng 10%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,1%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Ngay từ khi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh Covid-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc), tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận diện rõ những nguy cơ tác động vào địa bàn của một địa phương tuyến đầu. Quảng Ninh vừa có đường biên giới trên bộ, trên biển, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia, có đường hàng không, là địa bàn trọng điểm du lịch, có độ mở giao thương lớn. 

Quảng Ninh đồng thời là địa phương được Trung ương giao trọng trách thực hiện nhiệm vụ đón các công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. 

Trước bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch, với phương châm "3 trước", "4 tại chỗ", phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Thực hiện kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, nảy sinh mầm bệnh trên địa bàn; tạo môi trường an toàn để tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội. 

Địa phương này cũng đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ cho người lao động.

Tính đến ngày 20/11/2020, Quảng Ninh đã thực hiện xuất nhập cảnh cho 15.397 công dân Quảng Ninh và 4.635 công dân Việt Nam về nước; đón 142 chuyến bay đưa 29.507 công dân Việt Nam và các chuyên gia, lao động tay nghề cao người nước ngoài về Việt Nam. 

Quảng Ninh thực hiện cách ly tập trung 25.284 người; xét nghiệm, sàng lọc cho 35.913 trường hợp, trong đó có 20 ca dương tính đều là trường hợp người từ nước ngoài đến, trở về Việt Nam. Thực hiện khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe toàn dân đạt trên 99,02% dân số toàn tỉnh. Xử lý 567 trường hợp vi phạm quy định trong công tác phòng chống dịch, phạt 121 triệu đồng.

Bên cạnh những nỗ lực chống dịch, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung các phương án xúc tiến đầu tư, thương mại, các giải pháp kích cầu nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khủng hoảng. 

Tiêu biểu trong đó là công tác xúc tiến đầu tư. Cái khó của đại dịch Covid-19 là khiến kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư trực tiếp tại các quốc gia bị ảnh hưởng nhưng Quảng Ninh đã biến nguy thành cơ khi có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. 

Các hoạt động thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa được đẩy mạnh. Nổi bật là phong trào “người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh tại tỉnh” để thúc đẩy, kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu sản xuất hàng hóa. 

Tỉnh cũng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cửa khẩu, cảng biển để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở, cảng biển trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thành công năm hội chợ, một triển lãm thương mại; ba tuần giới thiệu sản phẩm OCOP và ba phiên chợ; tổ chức thành công ba hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 2.339 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong năm 2020, đã bổ sung một số mặt hàng mới như sản phẩm linh kiện điện tử và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Một minh chứng khác là những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc kích thích tiêu dùng thị trường trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả vì trước nay, Quảng Ninh có một lượng khách lớn từ nước ngoài. 

Tỉnh đã đẩy tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp tăng cao (đạt 10,4%), đóng góp trụ cột quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, bù đắp lại sự sụt giảm của khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong đó, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các ngành công nghiệp than, điện, xi măng, vật liệu xây dựng, dệt may, bột mỳ, dầu thực vật,... tăng tối đa công suất, năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị âm thanh, sản xuất sợi, dệt kim, khăn, vải và trang phục vào hoạt động, bổ sung thêm năng lực sản xuất mới. 

Nhờ đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,2% so với cùng kỳ; trong đó: Ngành khai khoáng tăng 9,3%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16,2%; ngành sản xuất phân phối điện tăng 11,8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%.

Khu vực dịch vụ chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ, du lịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh đã nhanh chóng có những giải pháp mạnh để khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch. 

HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành ba nghị quyết về các giải pháp kích cầu du lịch. Theo đó, thực hiện miễn, giảm giá vé thu phí vào các điểm thăm quan, ngủ đêm vịnh Hạ Long, bảo tàng tỉnh, danh thắng Yên Tử. Tỉnh đã chủ động làm việc với hiệp hội du lịch tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.