RCEP dự kiến kết thúc đàm phán vào năm 2018

Thùy Dung - 10:43, 15/11/2017

TheLEADERCác nhà lãnh đạo của 16 nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại tự do khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dự kiến sẽ kết thúc các cuộc đàm phán trong năm 2018.

RCEP dự kiến kết thúc đàm phán vào năm 2018
Bộ trưởng Thương mại các nước tại cuộc họp của RCEP hôm 12. Ảnh: Asian Nikkei

Trong bài phát biểu khai mạc với vai trò là người chủ trì cuộc hội đàm mới nhất tại Manila, ông Rodrigo Duterte - Tổng thống Philippines thể hiện sự lạc quan với những cuộc đàm phán trong khuôn khổ RCEP và hy vọng Hiệp định này sẽ sớm được hoàn thành.

Ông Duterte cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu của RCEP là nhằm tạo ra một quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi cho các bên. 

Ông nhấn mạnh rằng, RCEP không chỉ đơn thuần là một hiệp định thương mại mang tính bổ sung mà còn là Hiệp định cung cấp quy mô và phạm vi để mở ra những tiềm năng tăng trưởng mới cũng như viết ra các quy tắc mới trong trò chơi thương mại quốc tế.

RCEP là một Hiệp định có sự tham gia của 16 quốc gia, bao gồm 10 nước là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Trong vòng năm năm qua, 5 cuộc họp cấp Bộ trưởng và 20 vòng đàm phán trong khuôn khổ RCEP đã được diễn ra.

Nếu RCEP thành công, Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới với gần một nửa dân số toàn cầu và hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong các cuộc họp trước đó, trong khi Trung Quốc thúc đẩy nhanh chóng việc ký kết một hiệp định thương mại thì Nhật Bản và Australia lại mong muốn một thỏa thuận chất lượng cao, vượt ra ngoài những điều kiện liên quan đến mức thuế quan như dịch vụ và đầu tư.

Hiện nay, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi 11 quốc gia tại khu vực này, trong đó có Nhật Bản cùng với sáu thành viên RCEP khác. Thời gian qua, các nước còn lại của Hiệp định đã nỗ lực cứu vớt và đưa nó sống lại, bất chấp sự rút lui của Mỹ vào tháng Một năm nay.