Sáu giải pháp phục hồi, phát triển du lịch bền vững

Phương Anh - 12:33, 27/03/2022

TheLEADERNhững từ khóa chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối.

Phát biểu tại lễ khai mạc năm du lịch quốc gia 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đại dịch đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch.

Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước.

“Muốn vậy, chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hợp tác, phát triển,”Việt Nam - đất nước an toàn”, hình ảnh “Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, một điểm đến với vẻ đẹp bất tận”, Thủ tướng phân tích. 

Sáu giải pháp phục hồi, phát triển du lịch bền vững
Thủ tướng lưu ý cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế với bản sắc Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo đó, cần thực hiện sáu nội dung quan trọng.

Thứ nhất, tiếp tục nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.

“Chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế với bản sắc dân tộc Việt Nam, gắn với mảnh đất thiêng liêng mà anh dũng, gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam anh hùng nhưng thân thiện, đôn hậu, nhân văn và vị tha”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, tập trung xây dựng môi trường du lịch xanh, là môi trường du lịch có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch cần quán triệt nghiêm chỉnh, tuân thủ các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19; chủ động tuyển dụng, bồi dưỡng, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới của du khách trong bối cảnh hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, tăng cường thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, cảnh quan môi trường, vệ sinh dịch tễ; đảm bảo việc ứng xử văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch.

Thứ ba, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch và kinh tế nói chung.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo và đa dạng.

Thứ tư, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Bối cảnh mới, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phục vụ xu hướng của thế giới sau Covid-19.

Thứ năm, thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững.

Thứ sáu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch, doanh nghiệp và ngành du lịch nói chung.

“Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Cùng với chủ đề chung này, những từ khóa chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới sẽ là hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối”, Thủ tướng nhấn mạnh.