Sếp giỏi sẽ không đưa tư thù vào việc chung dù có ghét nhân viên tới đâu

Đỗ Xuân Tùng* - 12:31, 14/04/2018

TheLEADERDung hòa những tính cách trái với mình là điều mà rất nhiều lãnh đạo, cũng như HĐQT các công ty tại Việt Nam dù biết, nhưng vẫn chưa làm được.

Sếp giỏi sẽ không đưa tư thù vào việc chung dù có ghét nhân viên tới đâu
Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và đào tạo Nhân Việt

Một trong những nguồn nhân lực mà các công ty Việt Nam bị đánh giá là yếu và thiếu nhất chính là khả năng lãnh đạo.

Ngày nay kiến thức và nguyên tắc về bộ môn này có nhiều trên mạng. Vấn đề là khi áp dụng nó vẫn tạo ra khoảng cách rất lớn giữa các công ty chuyên nghiệp và công ty tư nhân. Sau đây là một số khác biệt mà tôi thấy giữa hai loại hình công ty đó.

1. Rảnh mới giỏi

Nếu ở công ty tư nhân, càng lên cấp cao quản lý thường càng bận, và không chỉ có họ mà cả ông chủ cũng suốt ngày vướng víu trong cả một đống lịch họp và sự kiện xảy ra bất ngờ.

Do vậy, ở công ty chuyên nghiệp của nước ngoài, việc sếp thường xuyên rủ cấp dưới đi café, nhân viên nào đi được mà doanh số vẫn tăng thì mới là quản lý giỏi. Điều này cho thấy là người quản lý đã áp dụng quy trình rất ổn và chạy tốt tới mức, nếu không có họ ở đó, nhân viên vẫn biết chính xác phải làm gì và làm ra sao.

Nghe đơn giản nhưng để làm được không hề dễ, vì điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có các quy định rõ ràng, rành mạch và nhân viên khó có thể lấy cớ để làm "bậy" được. Muốn làm được như vậy bắt buộc phải có cái nền quản lý chặt chẽ sau đó mới dùng tinh thần thúc đẩy mọi người nỗ lực vươn lên.

2. Cùng làm việc với nhân viên, hiểu rõ các bộ phận từ cấp thấp nhất trở lên

Ở các công ty Việt Nam, thường khi nói tới con cháu sếp thì có một định kiến là họ sẽ hiển nhiên tiếp quản công việc có vị trí cao trong hệ thống quản lý.

Việc này trong khi tạo ra một khoảng trống về sự hiểu biết về các bộ phận ở cấp dưới, thì còn làm cho những vị này khó có đủ tự tin để khi chính thức lên làm quản lý có thể mạnh tay siết nhân viên vào kỷ luật, đôi khi là rất mới mà họ đưa vào.

Một ví dụ điển hình khác biệt ở phía đối diện là con cháu của gia tộc Ford. Khi họ muốn kiên quyết theo nghề sẽ được luân chuyển qua tất cả các bộ phận để hiểu phải làm gì và các bộ phận tương tác với nhau ra sao trước khi lên làm tổng giám đốc.

Do vậy, khi vào cuộc họ luôn có cái nhìn thấu đáo, xuyên suốt với lý thuyết xúc tích và sẵn sàng nhập cuộc với tư thế đầy sức mạnh!

Sếp giỏi sẽ không đưa tư thù vào việc chung dù có ghét nhân viên tới đâu

3. Là hành động hàng ngày chứ không phải hô khẩu hiệu cho vui rồi về đi ngủ!

Toàn bộ những gì là trừu tượng, khó với doanh nghiệp SME, thì ở doanh nghiệp nước ngoài được cụ thể thành những hành vi nhỏ nhất và dễ làm nhất.

Ví dụ, khi giá trị là intergrity - tức là nói đi đôi với làm được triển khai, thì trong tổ chức, họ nói ra điều gì có sự chứng kiến của nhân viên, sau đó dù không có văn bản làm bằng chứng, họ cũng phải làm cho bằng được. Và họ quen với việc mỗi sáng vào công ty đều được nhắc nhở về điều này, thể hiện rõ ràng qua việc họ phải luôn nhớ kế hoạch trong ngày trong tuần của mình là gì và với kết quả mong đợi là bao nhiêu.

4. Dung hòa được những người tính cách trái với mình

Vì tổ chức chỉ quan tâm tới chất lượng công việc, quy trình lại rõ ràng, nên họ có thể thừa nhận một số mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt", nhưng cả hai bên trong mối quan hệ đó và sếp của họ đều tự hiểu không được phép đưa tư thù vào việc chung. 

Do vậy, họ vẫn có thể hợp tác cùng nhau. Đó là chưa kể trong một số vụ việc, sếp lớn ở trên rất khéo léo kéo cho mối "tư thù" trở thành mâu thuẫn về mặt quan điểm công việc và sau đó để hai bên thi đua để chứng tỏ mình đúng.

Trong lúc đó, hiển nhiên doanh số và thị trường của công ty chỉ có phát triển chứ không thụt lùi. Và khi đã chứng minh xong, hai bên thấy rõ ràng và thừa nhận trình độ của nhau. Họ sẽ tiếp tục "mài nanh vuốt" sẵn sàng cho đợt thi đấu có lợi cho mọi bên tiếp theo!

5. Nhân viên có thể lên làm sếp trong một nốt nhạc

Điều tôi được chứng kiến trong thời gian không phải quá dài khi từng làm việc ở môi trường của công ty P, là đồng nghiệp của tôi có thể lên thay thế sếp của mình trong khoảng thời gian rất ngắn, cũng tương tự như việc có một số nhân sự từ vị trí rất thấp nhảy lên vị trí giám đốc trong một khoảng thời gian không tưởng.

Tất cả được căn cứ theo giá trị đóng góp của cá nhân đó với tổ chức và mức độ học hỏi để phát triển của họ theo văn hoá của tổ chức. Nếu họ có năng lực, không gì có thể cản được họ.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và đào tạo Nhân Việt