Siết nhập khẩu ô tô: Ai lợi, ai thiệt?

Đặng Hoa - 11:30, 24/01/2018

TheLEADERCuộc chiến chiếm thị phần trên thị trường ô tô càng lúc càng quyết liệt hơn khi các hãng xe ngoại lớn như Toyota, Honda đã phải tạm dừng việc nhập khẩu ô tô do những quy định mới có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Siết nhập khẩu ô tô: Ai lợi, ai thiệt?
Các hãng xe ngoại đang gặp khó với những quy định mới siết nhập khẩu ô tô. Ảnh minh họa.

Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu tháng 1/2018 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã khiến các hãng xe ngoại gặp khó vì không nhập được xe về nước.

Trao đổi với TheLEADER, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, các thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam như yêu cầu trong nghị định mới. 

Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ trong nước, không cấp chứng nhận kiểu loại cho các xe ô tô sản xuất để xuất khẩu.

Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, nhưng có thể không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái, tiêu chuẩn khí thải hay thông số kỹ thuật.

Liên quan đến vấn đề này, VAMA đã từng bốn lần gửi thư kiến nghị lên Chính phủ đề nghị tháo dỡ các khó khăn, cho rằng những quy định trong nghị định này là không hợp lý.

Một số hiệp hội như Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, các liên doanh xe FDI cũng đã liên tục xin hoãn thi hành Nghị định 116 ít nhất sáu tháng.

Các ông lớn vẫn quyết tìm cách để nhập xe

Thực tế cho thấy, từ khi Nghị định 116 có hiệu lực, việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam đã bị ngừng lại. Toyota Motor và Honda Motor đã ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam kể từ đầu năm 2018 sau khi các hãng này phải tuân thủ các quy tắc kiểm tra nghiêm ngặt về các loại xe nhập khẩu.

Ghi nhận của phóng viên TheLEADER cho thấy, hiện nguồn xe nhập khẩu có sẵn trong các showroom và đại lý của các hãng gần như đã cạn kiệt. Tuy nhiên, các hãng xe kinh doanh xe nhập khẩu không hề tỏ ra dấu hiệu bỏ cuộc; trong thời gian vừa qua vẫn đua nhau nộp đơn xin cấp giấy phép nhập khẩu.

Nhiều hãng xe đã được cấp phép nhập khẩu ô tô như Toyota Việt Nam, GM Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam.

Các doanh nghiệp khác như Suzuki, Mercedes Benz Việt Nam hay các công ty dịch vụ thương mại TCG, Kylin, Kỷ Nguyên cũng đồng loạt có văn bản đề nghị được cấp phép kinh doanh xe nhập khẩu.

Theo Nghị định 116, để được cấp giấy phép này, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện để được kinh doanh nhập khẩu ô tô gồm: 

Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định; 

Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn TheLEADER, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA cho biết, khi Chính phủ chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 thì việc nhập khẩu ô tô vẫn không thể thực hiện được cho dù có giấy phép.

Lý giải điều này, ông Tuấn cho biết, để có thể nhập được xe về Việt Nam, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ hai điều kiện bao gồm có giấy phép nhập khẩu xe và có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.

“Có giấy phép nhập khẩu xe chỉ là điều kiện để nhập ô tô về, còn khi xe về nước mà không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, xe sẽ không được thông quan”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, cũng theo Nghị định 116, các hãng xe còn phải đáp ứng được một số yêu cầu khác. 

Cụ thể, nếu như trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì nay mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một chiếc để kiểm định, cho dù các lô đều cùng một loại xe. Nghị định 116 cũng yêu cầu các nhà sản xuất phải có đường thử dài 800m với tối thiểu 400m đường thẳng.

Theo các nhà sản xuất, chính những điều này khiến cho các hãng phải bỏ thêm nhiều chi phí hơn bao gồm phí kiểm định và phí đầu tư đất, mở rộng diện tích để làm đường thử.

Như vậy, nếu muốn tiếp tục kinh doanh xe nhập, các hãng xe buộc phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên. 

Tuy nhiên, để làm được điều đó, chi phí mà các nhà sản xuất bỏ ra cũng không phải là con số nhỏ, và cuối cùng khách hàng sẽ phải gánh chịu khoản phí này khi doanh nghiệp luôn muốn đảm bảo lợi nhuận; giá xe sẽ khó có thể giảm tiếp cho dù thuế nhập khẩu giảm về 0%.

Cơ hội cho doanh nghiệp ô tô nội?

Hiện nay, thị trường ô tô Việt Nam ngày càng được mở rộng, sức tiêu thụ của người dân cũng rất cao, đây có thể coi là một miếng bánh lớn cho các hãng lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô.

Cuộc chiến chiếm thị phần xe ô tô ngày càng trở nên căng thẳng hơn đối với các nhà sản xuất kinh doanh xe nhập khẩu. Với những quy định về nhập khẩu xe trong Nghị định 116, nếu các hãng xe nhập khẩu bỏ cuộc, thị trường tiềm năng này sẽ thuộc về các hãng lắp ráp trong nước như Trường Hải, Thành Công và sắp tới là hãng xe Việt đầu tiên mang thương hiệu Vinfast.

Vừa qua, Vinfast đã mua bản quyền từ BMW để sản xuất hai mẫu xe Sedan và SUV, đây là hai mẫu xe được phát triển dựa trên hai thiết kế đã được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn nhiều nhất tại cuộc thi “Chọn xế yêu cũng Vinfast” trong tháng 10/2017.

Hiện Vinfast đang gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất ô tô với kế hoạch đến tháng 7/2018 sẽ hoàn thành việc xây dựng 500.000m2 nhà xưởng tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng).

Trong khi hầu hết các thành viên của VAMA như Toyota, Ford phản đối kịch liệt Nghị định 116 thì Trường Hải và Hyundai Thành Công, hai hãng xe trong nước trỗi dậy mạnh mẽ và chiếm thị phần chi phối trong những năm qua lại hoàn toàn ủng hộ những nội dung trong Nghị định 116.

Các hãng này cho rằng Nghị định 116 đã tạo ra chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn trong ngành ô tô, khuyến khích lắp ráp ô tô trong nước.

Bên cạnh đó, trong mấy năm qua, một số hãng như Honda, Toyota đã chuyển một số mẫu xe ăn khách như Honda CR-V, Toyota Fortuner từ lắp ráp trong nước sang nhập nhẩu để giảm chi phí sản xuất. Do đó, việc ngừng nhập khẩu chắc chắn sẽ khiến các hãng này mất thị phần.

Thực tế cho thấy dù Fortuner nhập khẩu định giá cao, hiện nay đang được bán ở mức giá 981 triệu đồng – hơn 1,3 tỷ đồng, nhưng sức tiêu thụ vẫn lớn, trung bình 1000 xe/tháng. Cụ thể, theo báo cáo bán hàng của VAMA, Toyota bán ra hơn 13.000 xe Fortuner trong năm 2017.