Sinh kế mới mùa nước nổi ở miền Tây

Phạm Sơn - 08:37, 13/11/2021

TheLEADERTrồng sen trong mùa nước nổi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đem lại nhiều giá trị về kinh tế, môi trường, cũng như đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Sinh kế mới mùa nước nổi ở miền Tây
Cây hoa sen mang lại sinh kế bền vững mùa nước nổi cho bà con miền Tây. Ảnh: LĐ

Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ban tặng cho nguồn nước dồi dào, phù sa màu mỡ phì nhiêu, trở thành vựa lúa của cả đất nước. Trong tâm trí của nhiều người từ những thế hệ trước, miền Tây hiện lên với những cánh đồng lúa trổ đòng đòng, đến khi thu hoạch “chỉ cần lấy tay gạt ngang là được đầy cả thúng”.

Thế nhưng mỗi mùa nước dâng, tại một số vùng trũng, nước lớn có thể nhấn chìm cả diện tích lúa vụ thu đông. Nhiều nông hộ vì vậy mà bỏ cả mùa lúa, không canh tác mỗi khi nước nổi, bởi sợ công sức sẽ đổ sông đổ biển theo đúng nghĩa đen.

Có vườn tược, ruộng đồng mà lại chỉ sản xuất nửa năm, đồng bào miền Tây lại rơi vào vòng luẩn quẩn của sinh kế, không đến mức chết đói nhưng mãi vẫn nghèo, chẳng có cách nào thoát ra.

May mắn, những năm gần đây, một số mô hình mới đang được địa phương cùng các sở, ngành, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế hỗ trợ áp dụng để tạo sinh kế bền vững cho bà con miền Tây mùa nước nổi. Trong đó có thể kể đến mô hình trồng sen, loài cây vừa mang biểu tượng văn hóa, tinh thần to lớn, vừa có tiềm năng kinh tế rất cao.

An Giang là một trong những địa phương tiên phong thực hiện mô hình trồng sen mùa nước nổi, dưới sự hỗ trợ về tài chính của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Coca Cola Việt Nam.

Ông Trần Chế Linh, điều phối dự án sinh kế mùa nước nổi tại tỉnh An Giang cho biết, thay vì trồng 2 – 3 vụ lúa mỗi năm, tại một số vùng thuộc An Giang như huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, bà con nông dân đang áp dụng trồng một vụ lúa xen với một vụ sen.

Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2018, với 43 hộ tham gia, trên diện tích canh tác khoảng 150 héc ta và số tiền tài trợ trực tiếp từ IUCN và Coca Cola là khoảng hơn 1,3 tỷ đồng.

Trong năm 2018, vụ sen thu lãi về khoảng 55 triệu đồng cho mỗi héc ta. Tính chung cả năm, mô hình trồng một vụ sen kèm một vụ lúa đem về gần 80 triệu đồng tiền lãi cho mỗi héc ta, gần gấp đôi so với trồng hai vụ lúa.

Đại diện dự án ở An Giang ước tính, mỗi héc ta canh tác sen có thể tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 4 lao động, trong đó có những công việc phù hợp với chị em phụ nữ.

Tại vùng đất “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” là tỉnh Đồng Tháp, mô hình trồng sen mùa nước nổi cũng được áp dụng, với quy mô 31 nông hộ tham gia, trên diện tích canh tác 100 héc ta.

Bên cạnh nâng cao sinh kế cho người dân, hoạt động trồng sen cũng giúp các doanh nghiệp đầu tư, chế biến sen phát triển mạnh, với các sản phẩm như trà lá sen, sen sấy, củ sen… một số doanh nghiệp đang có kế hoạch làm chứng nhận hữu cơ để xuất khẩu sang các thị trường phát triển.

Tại Long An, bà con nông dân cũng thu được lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng cho mỗi héc ta trồng sen lấy hạt và khoảng 20 triệu đồng cho mỗi héc ta trồng sen lấy ngó. Mô hình mới khai thác tơ sen làm nguyên liệu dệt may, thủ công mỹ nghệ cũng đang được triển khai, dự báo có tiềm năng lớn về giá trị kinh tế, phục vụ phân khúc sản phẩm truyền thống cao cấp.

Không chỉ tạo lợi nhuận trực tiếp, việc trồng sen còn giúp tích trữ nước, tích trữ phù sa cho canh tác lúa có năng suất cao hơn, từ đó giảm chi phí, hạn chế sử dụng hóa chất. Mặt khác, sen góp phần duy trì đa dạng sinh học, tác động tích cực tới môi trường sống.

Một hướng đi sắp tới được các địa phương miền Tây nghiên cứu là kết hợp trồng sen với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Đây cũng là hướng đi quan trọng trong chủ trương phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120/NQ-CP.

Nhìn về dài hạn

Lợi ích của mô hình trồng sen mùa nước nổi đã được chứng minh trong thực tiễn. Tuy nhiên, do quy mô cũng như trình độ sản xuất vẫn ở mức thấp, việc phát triển giá trị kinh tế của cây sen vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Lấy ví dụ tại tỉnh An Giang, năm 2019 và 2020, vụ sen gặp thiệt hại do sen có hiện tượng chết dây, năng suất thấp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến nước lên xuống thất thường cũng khiến cây sen khó phát huy giá trị.

Hoạt động canh tác sen còn nhỏ lẻ, chưa có sự cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bà con nông dân trồng sen cũng chưa thiết lập được những mô hình liên kết, khiến việc tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào thương lái và không chủ động được về giá cả.

Với những khó khăn nói trên, đại diện dự án sinh kế mùa nước nổi ở tỉnh An Giang mong muốn IUCN và Coca Cola Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ bà con nông dân về kinh phí. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng có thể tham gia phối hợp theo cơ chế đối ứng để tạo luồng đầu tư bền vững.

Nguồn đầu tư có thể được sử dụng để giáo dục, đào tạo bà con nông dân trồng và khai thác hiệu quả cây sen, lựa chọn giống sen phù hợp, ứng dụng công nghệ cũng như liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ. Chỉ khi làm được những việc này, sinh kế mùa nước nổi của bà con miền Tây mới được đảm bảo một cách lâu dài, bền vững.