Sinh viên khởi nghiệp qua góc nhìn của shark Phạm Thanh Hưng và CEO Nguyễn Tử Quảng

Đặng Hoa - 14:24, 25/08/2019

TheLEADERCó ý tưởng là một chuyện, nhưng có thương mại hoá được nó hay không lại là một chặng đường rất dài và vô cùng gian nan đối với những bạn trẻ khởi nghiệp.

Sinh viên khởi nghiệp qua góc nhìn của shark Phạm Thanh Hưng và CEO Nguyễn Tử Quảng
Shark Phạm Thanh Hưng và CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng

Thế nhưng không thể phủ nhận, các trường đại học từ lâu vẫn luôn được xem là cái nôi khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ, là một chủ thể vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên, kết nối doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo là những giải pháp quan trọng để giảm thiểu thực trạng rất ít sinh viên ra trường có khả năng sớm tiếp cận công việc.

Đó cũng là lý do đến nay có khoảng chục vườn ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp tại các trường đại học, theo chia sẻ của ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc vườn ươm BK Holdings trong chương trình Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội.

Như ở Đại học Bách khoa, các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, ươm mầm khởi nghiệp đã được chú trọng trong những năm qua. Mới đây, 5 dự án khoa học và công nghệ định hướng ứng dụng của trường cũng đã nhận được tài trợ từ Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup

Những cuộc thi đầu tiên về khởi nghiệp cho sinh viên được tổ chức từ bảy năm về trước. Lãnh đạo Đại học Bách khoa cho biết, thời gian đầu chỉ mang tính chất là những cuộc thi đơn thuần, xem ai viết hay, thuyết trình tốt. Nhưng vài năm gần đây đã bao gồm cả đào tạo, tập huấn để sinh viên học hỏi và được cấp một chút vốn mồi cho nâng cấp sản phẩm mẫu, từ ý tưởng, kế hoạch, đưa vào vườn ươm và thậm chí là hỗ trợ đưa vào các vườn ươm bên ngoài.

Tuy nhiên, ý tưởng là một chuyện, có thương mại hoá được hay không lại là một chặng đường rất dài và vô cùng gian nan. 

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra hồi đầu tháng 5 vừa qua cho rằng, sinh viên không nên khởi nghiệp vì số lượng ý tưởng có thể thương mại hoá vô cùng ít ỏi.

Bkav là ý tưởng về phần mềm diệt virus trên máy tính của cậu sinh viên Nguyễn Tử Quảng khi chỉ mới năm thứ ba Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1995. Tuy nhiên, mãi đến năm 2005, phần mềm diệt virus Bkav mới bắt đầu được thương mại hóa với kỳ vọng sẽ có nguồn lợi nhuận cho tái đầu tư sau đúng 10 năm cung cấp miễn phí.

Đến năm 2009, Bkav tham gia vào sản xuất điện thoại thông minh. Giữa năm 2017, điện thoại Bphone lần đầu tiên trình làng trên sân khấu trung tâm hội nghị quốc gia và hiện đang dần hình thành một cộng đồng Bphone xuyên biên giới.

Dù vậy, khi xác định thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới cho sinh viên trong trường, ông Hiệp cho biết ban đầu xác định không nhằm mục đích thương mại hoá bao nhiêu ý tưởng, hình thành bao nhiêu công ty khởi nghiệp.

Hầu hết sinh viên đều thiếu các yếu tố cơ bản để có thể khởi nghiệp như vốn, con người, kỹ năng. Thứ duy nhất họ có là nhiệt tình và sáng tạo. Do đó, khi xây dựng các chương trình, Đại học Bách khoa xác định sứ mệnh là giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, nhận thức và văn hoá để có thể trưởng thành hơn sau khi tốt nghiệp, khi tham gia môi trường doanh nghiệp.

Theo ông Hiệp, nhiều khi câu chuyện ươm tạo ở các trường đại học không phải là ươm tạo doanh nghiệp mà là ươm tạo những người sáng lập doanh nghiệp với các hoạt động thúc đẩy, truyền cảm hứng, đào tạo cho đội ngũ giảng viên, kết nối vườn ươm, doanh nghiệp, các tổ chức cấp cao hơn có đầu vào là đầu ra của các trường đại học.

Có thể thấy nhiều nhà sáng lập của một loạt startup công nghệ trên thị trường hiện nay từng là sinh viên của những trường có hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất sôi nổi như CEO Got It Trần Việt Hùng là cựu sinh viên Đại học Bách Khoa, sáng lập DesignBold Hùng Đinh là cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương, nhà sáng lập Kyber Network Lưu Thế Lợi là cựu sinh viên Đại học công nghệ hay CEO Ami Lê Hoàng Nhật từng là sinh viên Đại học quốc gia TP. HCM.

Ban giám hiệu Đại học Bách khoa khẳng định, khẩu hiệu của trường là học tập – nghiên cứu – sáng tạo – khởi nghiệp. Sáng tạo và khởi nghiệp luôn là một điều song hành với việc học trên lớp, không phải bỏ bê việc học để đi khởi nghiệp.

Để sinh viên sớm hoà nhập môi trường doanh nghiệp

Trong cuộc chia sẻ với đoàn hành trình về những miền đất khởi nghiệp tại không gian làm việc chung CenXSpace, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó chủ tịch Tập đoàn CEN Group kể lại đã từng nộp hồ sơ học tiến sỹ ở trường Harvard.

Là một ngôi trường luôn quan tâm đến tính hiệu quả của công tác đào tạo, Harvard đã khuyên ông Hưng không nên học tiến sỹ, giải thích rằng chỉ nên làm nghiên cứu khi đã có đơn đặt hàng cụ thể từ doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Lúc đó, ông Hưng chỉ mới nghỉ việc ở cơ quan nhà nước và bắt đầu bước vào môi trường doanh nghiệp.

“Ở Harvard dù là con tỷ phú thì vẫn nhận học bổng, dù có nhu cầu hay không với khoảng 2 chục ngàn USD mỗi tháng. Nguồn thu cho học bổng sẽ đến từ tài trợ của các doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Khi ra trường sẽ tài trợ ngược lại cho trường”, ông Hưng cho biết.

Gợi ý khởi nghiệp cho sinh viên từ câu chuyện của shark Hưng và CEO Bkav 1
Ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng)

Ở Việt Nam, gần đây đã có việc tiếp cận, hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp song ông Hưng cho rằng đáng lẽ ra nên làm sớm hơn. Rất ít sinh viên ra trường có khả năng tiếp cận công việc sớm vì vậy nên sớm để họ tiếp xúc với các doanh nghiệp khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.

“Tôi học bách khoa mấy năm đầu ra trường thường xuyên phải quay lại hỏi thầy vì những vấn đề thực tiễn trong kinh doanh đều đã được học ở trường. Thầy mắng “lại quên à” tôi mới thấy những kiến thức đó thật hữu ích. Các khoá học MBA yêu cầu kinh nghiệm là vì vậy”, shark Phạm Thanh Hưng kể lại.

Ông Hưng cho rằng các trường cũng nên rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 2 - 3 năm bởi sau tận 4 - 5 năm đào tạo ra thì kiến thức cũng lạc hậu mất rồi, nên tập trung dạy cách tư duy, cách làm việc bởi đó là những điều hầu hết sinh viên đều thiếu khi mới ra trường.

Nhà đầu tư "cá mập" của chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) nhận định, sinh viên mới ra trường thường nghĩ trong một thời đại xã hội đang phổ cập cao học, bằng đại học chỉ như xoá nạn mù chữ, vì vậy hiếm có quốc gia nào có tỷ lệ thạc sỹ, tiến sỹ cao như ở Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều trường đại học liên tục ra đời, sự cạnh tranh giữa các trường tăng lên đồng nghĩa với việc học sinh không gặp mấy khó khăn để vào đại học, ai cũng được tuyển.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hưng đề xuất, nên có một cơ chế hữu dụng giữa doanh nghiệp và đại học để thường xuyên nhận yêu cầu đào tạo ngay từ đầu.

“Các trường đại học nói nhiều về đào tạo gắn kết với doanh nghiệp nhưng có bao giờ đi hỏi nhu cầu doanh nghiệp không. Tôi làm doanh nghiệp bao năm nay nhưng chưa có ai hỏi đến”, ông Hưng cho biết.

Hoặc ít nhất một sinh viên khi ra trường phải có chương trình thực tập đáng giá một chút, việc xác nhận và đánh giá thực tập của doanh nghiệp cũng cần được coi trọng. Bởi lẽ lãnh đạo của CEN Group cho biết, thầy cô dường như hiếm khi đọc nhận xét thực tập của doanh nghiệp. Giấy nhận xét thực tập chủ yếu là do sinh viên tự ghi và đến doanh nghiệp để xin dấu.

“Tôi cũng ký nhiều nhưng tôi chưa bao giờ viết vì họ có đến bao giờ đâu mà nhận xét. Nếu các thầy cô đọc và gọi kiểm tra đánh giá của doanh nghiệp dù chỉ một lần thì từ lần tiếp theo tôi ký đánh giá nghiêm túc ngay vì có những bạn chỉ đến xin giấy nhưng cũng có những bạn thực tập rất tích cực”, ông Hưng nói.

Với các thực tập sinh, shark Hưng khuyên rằng vẫn đang trong thời điểm được hỗ trợ từ gia đình, thầy cô nên hãy "tập bơi" đi, chưa lo bị quản lý nghiêm ngặt bởi doanh nghiệp, đó là cơ hội rất lớn.