Sở hữu trí tuệ với bao bì và đóng gói sản phẩm

Hường Hoàng - 10:48, 01/08/2022

TheLEADERNgoài một số mặt hàng như nguyên liệu thô, ô tô và sản phẩm nội thất không được đóng gói, phần lớn các sản phẩm đều được đóng gói. Bao bì (bao gói) liên quan đến hình dáng của nhãn hàng, vật liệu và kiểu hộp được sử dụng để đóng gói sản phẩm.

Sở hữu trí tuệ với bao bì và đóng gói sản phẩm
Bao bì và hình thức đóng gói sản phẩm cũng là những yếu tố có thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Ảnh: luatsohuutritue.com.vn)

Bao bì rất quan trọng vì nó khiến cho việc cất giữ và vận chuyển sản phẩm dễ dàng hơn; sử dụng thiết bị vận chuyển có hiệu quả hơn; bảo vệ sản phẩm; khiến sản phẩm dễ bán hơn; giúp khách hàng sử dụng sản phẩm dễ dàng hơn và cung cấp giá trị tái sử dụng cho người tiêu dùng.

Nhãn hàng

Nhãn hàng là vật được gắn lên sản phẩm để nhận dạng hoặc đưa ra những hướng dẫn hoặc chi tiết liên quan đến chủ sở hữu, cách sử dụng, bản chất, nơi đến... của sản phẩm. Dưới đây là một số những yêu cầu và chức năng chung nhất của nhãn hàng.

Nhãn sản phẩm thường mô tả về thành phần nguyên liệu thô, nhà cung cấp sản phẩm và nước xuất xứ (những mô tả này là bắt buộc ở một số thị trường). Nhãn sản phẩm cũng có thể chứa tên và mã số sản phẩm.

Nhãn hướng dẫn sử dụng ngày càng có vai trò quan trọng đối với nhiều sản phẩm. Hướng dẫn sử dụng là một bản tóm tắt cho người tiêu dùng những điều cần lưu ý và bảo dưỡng khi sử dụng sản phẩm. Đối với sản phẩm may mặc, hướng dẫn cách giặt sẽ được viết rất chi tiết. Người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ những thông tin này khi mua và sử dụng sản phẩm.

Nhãn cảnh báo khi vận chuyển được sử dụng trên các kiện hàng, như “Xếp theo chiều này” (This way up), “Hàng dễ vỡ” (Fragile), “Hàng nặng” (Heavy)... Những nhãn này đều được thiết lập theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Sở hữu trí tuệ trong đóng gói và dán nhãn

Nhiều yếu tố trong đóng gói và dán nhãn được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Khi đưa ra quyết định đóng gói hoặc dán nhãn, chủ thể cần phải lưu ý đến những quyền sở hữu trí tuệ có liên quan và quyết định thời điểm và cách thức bảo vệ các quyền đó. Dưới đây là một số vấn đề chủ yếu cần được lưu ý trong đóng gói và dán nhãn sản phẩm.

Thứ nhất, các từ, chữ cái, tên, khẩu hiệu, hình vẽ, thiết kế, ký hiệu, yếu tố hình họa hoặc sự kết hợp của các yếu tố này, được sử dụng trong đóng gói hoặc dán nhãn, có thể được bảo hộ làm nhãn hiệu nếu chúng được sử dụng để nhận dạng hoặc phân biệt nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịch vụ.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể trên bao bì hoặc nhãn hàng nhằm tiếp thị những sản phẩm hoặc hỗ trợ việc nhận diện sản phẩm của một nhóm các công ty, hoặc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để xác nhận rằng sản phẩm của họ tuân thủ một loạt những tiêu chuẩn đã được thiết lập từ trước. Cả nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận đều có thể được sử dụng đồng thời với nhãn hiệu riêng của công ty.

Thứ ba, một số sản phẩm có nguồn gốc địa lý riêng biệt có thể được gắn nhãn hàng, đóng gói và quảng cáo theo chỉ dẫn địa lý, nơi mà chất lượng, uy tín hoặc những đặc tính khác của những sản phẩm này được tạo thành từ nguồn gốc địa lý. Đối với một số sản phẩm nhất định (như rượu vang và rượu mạnh), các nhà xuất khẩu phải đặc biệt lưu ý không được sử dụng các cụm từ trong những nhãn hàng hoặc bao bì đã được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý (ví dụ. ’Tequila“, ’’Champagne“, ’’Chianti“) trừ khi những sản phẩm đó được chứng nhận bởi các tổ chức có liên quan rằng đây là những sản phẩm được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý đó.

Với trường hợp trên nhãn hàng có những hình ảnh, hình vẽ hoặc tác phẩm nghệ thuật hoặc mỹ thuật ứng dụng đang được bảo hộ quyền tác giả ở một số nước, thiết kế của bao bì có thể được bảo hộ theo một hoặc một số quyền sở hữu trí tuệ dưới đây.

Thứ nhất, hình dáng và thiết kế của bao bì sản phẩm (nghĩa là các yếu tố trang trí hoặc thẩm mỹ của bao bì sản phẩm) có thể được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp.

Thứ hai, hình dáng và bao bì của sản phẩm có thể có khả năng phân biệt (nghĩa là khi nhìn vào bao bì sản phẩm, chúng ta có thể phân biệt được một sản phẩm với sản phẩm cùng loại của đối thủ cạnh tranh) và do đó cũng có thể được dùng để đăng ký làm nhãn hiệu ba chiều. Việc bảo hộ hình dạng của chai Coca-Cola và chai Orangina theo hình thức nhãn hiệu ba chiều là điển hình của trường hợp này.

Thứ ba, ở một số ít quốc gia (ví dụ, Hoa Kỳ), những bao bì có tính phân biệt có thể được bảo hộ dưới dạng bao bì thương mại (trade dress) nhằm ngăn đối thủ cạnh tranh sử dụng các đặc điểm tương tự gây nhầm lẫn. Nhìn chung, bao bì thương mại có thể bao gồm cách thức phối màu, ký tự, kích thước, kiểu dáng, hình khối và cách thức bố trí từ ngữ, hình ảnh, những hình trang trí trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm nhằm bảo vệ hình ảnh tổng thể của sản phẩm.

Cuối cùng, nếu hoạt động đóng gói sản phẩm có tính sáng tạo thì có thể được bảo hộ dưới hình thức sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.