Thời trang kỹ thuật số: Ai thật sự nắm quyền sở hữu trí tuệ?
Hường Hoàng
Thứ tư, 27/07/2022 - 10:30
Metaverse là một vũ trụ kỹ thuật số mà ở đó, trong tương lai, mọi người có thể sẽ sử dụng các thiết bị như tai nghe, kính và thiết bị đeo tay thực tế ảo (VR) để làm nhiều việc rất thú vị. Và khi một “vũ trụ mới” xuất hiện, đương nhiên thời trang trong vũ trụ đó cũng sẽ là một chủ đề nóng.
Người ta có thể sử dụng metaverse để chơi trò chơi, khám phá những khu rừng ảo, gặp gỡ nhau tại các quán cà phê ảo, tổ chức các cuộc họp trong phòng họp ảo, khiêu vũ trong hộp đêm ảo và tham dự các buổi hòa nhạc ảo với bạn bè. Chính vì vậy, ngành thời trang kỹ thuật số trong vũ trụ đó sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng và được dự đoán là một ngành công nghiệp có giá trị cao trong tương lai.
Tuy vậy, môi trường kỹ thuật số đa dạng của metaverse đã, đang và sẽ làm nảy sinh một số vấn đề liên quan đến việc sở hữu và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), trong số đó có bao gồm cả thời trang kỹ thuật số.
Thế nào là thời trang kỹ thuật số?
Thời trang kỹ thuật số là những bộ quần áo những phụ kiện mà bạn có thể sẽ mua, nhưng chưa chắc bạn đã được cầm nắm ở ngoài đời thật.
Bạn có thể lên mạng và tìm mua những bộ quần áo kỹ thuật số với kích cỡ vừa như in do bạn đã được thử đồ cẩn thận trong phòng thử đồ ảo. Không cần phải mang đi, không cần giặt giũ, không cần phải lo xử lý sau khi chỉ sử dụng 1, 2 lần. Bạn chỉ cần sử dụng những phần mềm, tệp thông tin chứa bộ quần áo thời thượng này khi chụp ảnh tại mỗi điểm đến để có một bức ảnh đẹp với những chuyển động, hình dáng sắc nét và chân thật đến khó tin.
Nền văn hóa xung quanh việc thiết kế, mua và sử dụng quần áo trong lĩnh vực kỹ thuật số được gọi là “thời trang kỹ thuật số”. Tiềm năng to lớn của thời trang kỹ thuật số đang được rất nhiều những thương hiệu thời trang lớn hưởng ứng.
Lợi ích của thời trang kỹ thuật số
Thời trang kỹ thuật số rất thân thiện với môi trường. Bạn có biết hiện nay ngành công nghiệp thời trang toàn cầu đang đóng góp khoảng 10% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính? Một ví dụ điển hình đó là để sản xuất được một chiếc áo sơ mi cotton và một chiếc quần jean, nhà sản xuất cần phải sử dụng khoảng 2650 lít và 7.570 lít nước. Vì lẽ đó, ngành công nghiệp thời trang là ngành sản xuất gây lãng phí nước lớn thứ hai trên thế giới.
Nhưng với thời trang kỹ thuật số, ô nhiễm không khí và lãng phí nước có thể được giảm đáng kể vì một bộ quần áo kỹ thuật số chỉ tạo ra lượng khí thải carbon bằng 5% so với quần áo thực tế. Hơn nữa, quần áo kỹ thuật số không đòi hỏi nguyên phụ liệu vật chất, không trải qua các công đoạn xử lý độc hại gây tác động đến môi trường, và cuối cùng, không bị vùi nén trong núi rác thải thời trang chờ được xử lý.
Thời trang kỹ thuật số giúp làm giảm chi phí và thời gian sản xuất. Các thương hiệu thời trang và bán lẻ có thể giảm được chi phí nếu họ mở rộng kinh doanh sang mảng kỹ thuật số vì ngành này không liên quan đến bất kỳ chi phí sản xuất, chi phí hậu cần hoặc chi phí lưu trữ nào. Thêm vào đó quá trình đổi mới kỹ thuật số tiêu tốn ít thời gian hơn so với quá trình thiết kế và sản xuất vật lý. Ví dụ, PUMA đã cắt giảm được 17% lượng nước tiêu thụ và 30% chi phí khi tham gia vào lĩnh vực thời trang kỹ thuật số.
Ngoài ra, với thời trang kỹ thuật số, nhà thiết kế có thể thử nghiệm với bất kỳ ý tưởng, cấu trúc và mọi chất liệu nào mà họ muốn. Các “thợ may công nghệ” sẽ điều chỉnh các mẫu thiết kế theo kích cỡ mong muốn mà không phải quá phụ thuộc vào người mẫu như thời trang truyền thống.
Dimitri Werner de Paiva, nhà thiết kế sáng tạo của hãng Virtue Nordic cho biết: "Thiết kế kỹ thuật số không khác gì so với thiết kế may đo vật lý. Nhà thiết kế vẫn sẽ chọn chất liệu, vẽ mẫu, nối các đường may, hoàn thiện tỷ lệ. Trong thế giới kỹ thuật số, giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của bạn. Tính thẩm mỹ thuần túy được giải phóng khỏi những trói buộc thông thường".
Quyền sở hữu trí tuệ của thời trang kỹ thuật số
Với sự phát triển của thời trang kỹ thuật số, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh quyền sở hữu trí tuệ của những mẫu thiết kế ảo. Gần đây, một số thương hiệu đã có nhiều hoạt động nhằm bảo hộ cho những sản phẩm kỹ thuật số họ dự định sản xuất trong tương lại.
Điển hình là vào tháng 11 năm 2011, theo Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Nike đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Nike” và khẩu hiệu “Just Do It” của thương hiệu cũng như các logo “Air Jordan” và “Jumpman” của thương hiệu này cũng đã được đệ trình. Nike đã nộp tổng cộng bảy đơn đăng ký khác nhau với mục đích chuẩn bị kinh doanh giày thể thao kỹ thuật số. Bằng cách nộp đơn đăng ký như vậy, Nike sẽ có thể bảo vệ các nhãn hiệu của mình trên những sản phẩm ảo.
Nhưng ngay cả khi có quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu của mình trên hàng hóa ảo, những thương hiệu này vẫn có khả năng vướng vào những vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nếu họ thuê một công ty phần mềm bên ngoài để đưa những sản phẩm của mình lên định dạng 3D. Nếu không có thỏa thuận chặt chẽ, bên thuê ngoài sẽ trở thành chủ sở hữu trí tuệ của trang phục 3D, trong khi đó nhà thiết kế gốc chỉ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm vật lý.
Để có thể giữ được quyền SHTT đối với sản phẩm may mặc 3D, trong hợp đồng, nhà thiết kế gốc có thể yêu cầu công ty phần mềm chuyển quyền sở hữu lại cho họ sau khi hoàn thành thiết kế. Ngoài ra, hai bên có thể sử dụng một hợp đồng li-xăng để nhà thiết kế ban đầu có thể được sử dụng trang phục ảo trong một khoảng thời gian nhất định và theo những cách nhất định.
Khi càng có nhiều bên tham gia thiết kế trang phục ảo, nhà thiết kế gốc càng có nguy cơ mất quyền sở hữu. Trong trường hợp nếu có 3 bên tham gia thiết kế bao gồm: đơn vị thiết kế gốc, đơn vị tạo chuyển động cho thiết kế và một đơn vị dựng 3D tất cả những yếu tố trên, giữa các bên nên có các hợp đồng li-xăng để thống nhất về quyền sở hữu, quyền chỉnh sửa, quyền sử dụng và sử dụng lại bất kỳ nội dung nào của bản thiết kế cuối cùng.
Ngày càng có nhiều thương hiệu muốn đưa sản phẩm của mình lên metaverse, chính vì vậy, các nhà thiết kế cần nhận thức các vấn đề có thể phát sinh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ một cách rõ ràng, nếu không, họ có thể mất quyền sử dụng thiết kế của chính mình.
Khi muốn xuất khẩu hay kinh doanh ở nước ngoài, doanh nghiệp thường có xu hướng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu ở các nước xuất khẩu. Theo quy định, doanh nghiệp có ba cách chính để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở các nước khác.
Cụm từ “sở hữu trí tuệ” (SHTT) đang phủ sóng ngày một thường xuyên và dày đặc hơn trên báo chí và truyền thông. Việc này khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tâm hơn và năng tìm hiểu về sở hữu trí tuệ cũng như những cách thức để bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, có phải tất cả mọi doanh nghiệp đều nên bảo hộ sở hữu trí tuệ?
Khi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước khác, thời gian là yếu tố quyết định. Nhìn chung, sẽ rất khó cho doanh nghiệp xác định thời điểm thích hợp để bắt đầu nộp đơn.
Năm 2022, Argentina, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Nga, Trung Quốc, Venezuela vẫn tiếp tục nằm trong Danh sách Theo dõi Ưu tiên của Báo cáo đặc biệt 301 của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có nhiều vấn đề về và nhiều vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) nhất trên thế giới.
Đạm Phú Mỹ vừa đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới mang tên PHUMY, thể hiện khát vọng phát triển bền vững.
Kinh tế xanh vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp trong nền kinh tế, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam suy giảm năng lực cạnh tranh, đánh mất đối tác, thị trường.