Sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới phát triển bền vững

Hoàng Đông - 09:12, 28/02/2023

TheLEADERDự án sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính khởi động nhằm thực hiện hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng xanh, giảm phát thải, hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới phát triển bền vững
Rượu bia, thuốc lá vẫn có mức tiêu thụ cao

Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 chính thức có hiệu lực kể từ tháng 4/2009, từ đó đến nay đã tạo ra nhiều tác động tích cực, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, điều tiết, tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết của Việt Nam tại WTO cũng như tạo ra nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, với sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt bộc lộ ra một số hạn chế. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang hẹp hơn so với thông lệ quốc tế, tác động điều tiết hàng hóa xa xỉ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu tái điều tiết, phân phối thu nhập, điển hình như tiêu thụ thuốc lá, bia rượu có xu hướng tăng cao dù đây là các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bên cạnh đó, chưa có quy định hoàn trả thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững, cần được khuyến khích sản xuất.

Một nghiên cứu của Liên minh Công bằng thuế (VATJ) từ năm 2021 cũng chỉ ra rằng, chính sách thuế của Việt Nam đang đi đến cuối chu kỳ, các loại thuế gián thu, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, có xu hướng lũy thoái, vừa không phát huy tác dụng như kỳ vọng, lại tiềm ẩn nguy cơ gây bất bình đẳng.

Từ những thực tế trên, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt, không chỉ giải quyết bất cập còn tồn đọng mà còn hướng tới khuyến khích chuyển dịch sang xu thế bền vững, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Dự án sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính khởi động, thực hiện chủ trương đến năm 2030 chuyển dịch năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực phát triển. Luật mới cũng sẽ khuyến khích đầu tư, sản xuất, nhập khẩu xe điện.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đưa ra 4 nội dung mới, bao gồm mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp; điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường; sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan; sửa đổi, bổ sung về điều khoản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa có hại cho sức khỏe như thuốc lá, bia rượu, đồng thời điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng thân thiện với môi trường. Mặt khác, nghiên cứu đánh thuế bổ sung đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe như đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá dạng mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng internet…

Hiện tại Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ, đồng thời đề xuất trình Chính phủ tiến độ của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua dự luật này vào kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tổ chức vào tháng 5/2024.