Sức mạnh mềm trong kỹ năng lãnh đạo của doanh nhân nữ

Kim Yến - 16:35, 08/03/2018

TheLEADERNhững kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp và sự vươn lên của người phụ nữ, vượt qua các định kiến của xã hội bằng sự yêu thương và trách nhiệm của mình. Đó là những bài học sống đầy quý giá cho mỗi doanh nhân.

Có lẽ chưa có tọa đàm nào mà sự chia sẻ của mỗi người lại nhận được sự đồng cảm nhiều đến thế cả từ những người đàn ông như trong cuộc tọa đàm Phụ nữ quản trị bằng yêu thương do TheLEADER tổ chức nhân ngày 8/3. Những tranh luận, phản biện đầy hứng thú cuối cùng đều trở lại hai chữ “yêu thương!”

Sức mạnh mềm trong kỹ năng lãnh đạo của doanh nhân nữ
Những tà áo dài duyên dáng đến tham dự Toạ đàm Phụ nữ quản trị bằng yêu thương

Những câu chuyện đời thành công và cũng đầy đắng cay của mỗi người bỗng hóa ngọt ngào bởi lòng yêu thương và tình bao dung từ sâu thẳm trái tim người phụ nữ. Để từ đó mỗi cá nhân biết vượt qua nỗi đau của chính mình, biết sống cho cộng đồng, xã hội, làm giàu cho đất nước bằng những sản phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hình ảnh người nữ doanh nhân hiện lên sáng đẹp.

Vượt qua nỗi đau của chính mình để biết yêu thương cả cộng đồng

Trong lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp, càng ngày nữ giới càng khẳng định vai trò đóng góp của mình bằng những thế mạnh riêng. Vậy “sức mạnh mềm” trong kỹ năng lãnh đạo của người phụ nữ là gì? Quản trị bằng yêu thương đã giúp họ mang lại sự thành công cho tổ chức, cho gia đình như thế nào?

Chị Ba Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân mở đầu cuộc tọa đàm về câu chuyện cuộc đời mình. Ít ai biết phía sau hào quang của người được mệnh danh là “ Nữ hoàng hột vịt”, người vừa được Vina Capital đầu tư 32,5 triệu USD, định giá công ty ở mức 100 triệu USD… lại là một chuỗi dài cay đắng!

“Tôi xuất thân là nông dân rặt, được như hôm nay chính là nhờ tình yêu thương, để từ đó tôi biết dành tình yêu thương lại cho tất cả nhân viên của mình, cho cộng đồng xã hội.

Ít ai biết sau cánh màn đêm khép lại, cuộc đời tôi toàn nước mắt. Vinh quang và cay đắng là hai mặt của cuộc đời người phụ nữ như tôi, một chuỗi ngày buồn…13 tuổi theo mẹ giữ em, 16 tuổi mẹ thấy mình giỏi giao gánh trứng tiếp mẹ, 18 tuổi lập gia đình, 20 tuổi sinh con…Khi làm đám cưới cho con, tôi đã vô cùng hạnh phúc, đâu ngờ một tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mệnh con tôi! Lúc đó, tôi suy sụp hoàn toàn, không muốn làm ăn gì nữa!  

Sức mạnh mềm trong kỹ năng lãnh đạo của doanh nhân nữ 1
Chị Ba Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân

Lúc ấy mẹ tôi nói với tôi: “Má chỉ có mình con, nếu con vì con mà quên thân, thì má cũng muốn chết theo con thôi!”. Tôi tỉnh lại, hốt thuốc uống, có bầu, sanh thằng con trai, cháu rất ngoan hiền nhưng học không vô chữ; sanh thêm đứa con gái đẹp lắm, cách đây 6 năm cháu bị sốt xuất huyết, đưa vô bệnh viện trễ, xuất viện bị bại liệt. Khi con gái học tới lớp bảy, tôi cho cháu nghỉ ở nhà…

Một cuộc đời thành đạt thế này, mà con như vậy… Từ đó tôi bắt đầu làm cho xã hội. Dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp, tôi muốn đem trứng sạch, an toàn đến cho mọi gia đình. Rất tằn tiện vươn lên bằng nghị lực của mình, 6 anh chị em nên người cũng do mình. Nếu không có một đàn em như thế tôi cũng không làm được như hôm nay. Nghị lực để yêu thương chính là ở chỗ đó.”

Câu chuyện của chị Ba Huân khiến cho tất cả lặng đi… Quả thật với doanh nhân, nhất là người nữ, sự trả giá cho thành công không hề đơn giản. Nhưng có một điều kỳ lạ đã dẫn dắt họ vượt qua nỗi đau, vươn tới thành công lại chính là nhờ tình yêu thương, dù chính mình đã từng bị đối xử bất công, bị tổn thương sâu sắc.

Sức mạnh mềm trong kỹ năng lãnh đạo của doanh nhân nữ 2
Văn phòng TheLEADER rực rỡ khác thường trong buổi toạ đàm

Yêu thương là trách nhiệm

Đó cũng là trường hợp của chị Nguyễn Thị Sơn, nhà sáng lập Sonkim Land, người tiên phong trong đầu tư ngành dệt may với công ty Legamex, giờ là Phó Tổng thư ký hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng Viện khoa học Pháp Lý IBLA.

Chị tâm sự: “Tôi biết chị Ba Huân nhiều năm với thương hiệu Trứng Ba Huân, nhưng chưa biết hết những gian truân của cuộc đời chị. Từ một người nông dân với gánh trứng và nghề bán trứng do mẹ truyền lại, đến nay Trứng của Công ty Ba Huân đã có mặt ở khắp các siêu thị trên toàn quốc. Ba Huân không chỉ lo công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân của công ty mà còn giúp cho hàng vạn người chăn nuôi gà vịt cung cấp trứng cho công ty Ba Huân.

Đó cũng là trường hợp của chị Ba Cúc, Chủ nhiệm của HTX Mây Tre Ba Nhất. Từ những cọng tre nứa của khắp các vùng quê Việt Nam, từ những cọng lục bình trôi sông, chị Ba Cúc đã làm những giỏ đựng hoa, những bộ bàn ghế mây xuất khẩu, không chỉ tạo ra kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân ở nông thôn trồng trúc, tre nứa và thu hoạch lục bình, sơ chế tạo nguồn nguyên liệu cho HTX Mây tre Ba Nhất.

Đấy là sự yêu thương và trách nhiệm của những người phụ nữ vươn lên từ chính những ngành nghề của chính mình nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, đến công ăn việc làm của người lao động.

Yêu thương trong quản trị ở xã hội mới hiện đại theo tôi là thể hiện trách nhiệm với xã hội, với khách hàng, với các cổ đông. Rất tiếc hiện nay một số doanh nghiệp chưa làm tốt lắm. Người ta tin mình mới mua cổ phần của mình, ngoài mong muốn lợi nhuận, còn là niềm tin vào uy tín của doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa minh bạch lắm trong thông tin. 

Chị Ba Huân đưa trứng vào rất nhiều siêu thị, chiết khấu 25%, cam kết trả tiền sau 3 tháng, nhưng nhiều siêu thị vẫn cố tình trả chậm để chiếm dụng vốn của doanh nghiệp. Trách nhiệm là thể hiện sự yêu thương, nhà cung cấp, nhà phân phối cũng phải có trách nhiệm với doanh nghiệp chứ.

Thứ hai là thể hiện trách nhiệm với môi trường, với xã hội, kể cả đóng thuế cho nhà nước nữa. Đóng thuế để Nhà nước lo cho phúc lợi khác.

Sức mạnh mềm trong kỹ năng lãnh đạo của doanh nhân nữ 3
Nhà sáng lập Sonkim Land Nguyễn Thị Sơn

Tôi bây giờ cũng ngót nghét 70 rồi, trong cuộc sống có rất nhiều nỗi thăng trầm, nhưng luôn đối đãi với tất cả bằng yêu thương. Phụ nữ trong quản trị doanh nghiệp có thêm nhiều giá trị khác so với nam giới, mềm mại hơn, chăm chỉ hơn, nhất là không nhậu nhẹt.

Khi tôi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với Legamex, lúc đó Nhà nước giao cho tôi một bãi đất trống vốn là nghĩa trang. Năm 1987 ông xã mất do bệnh ung thư. Một mình 37 tuổi nuôi 5 đứa con nheo nhóc, tôi vẫn nỗ lực bằng mọi cách tạo công ăn việc làm cho những người trộm cướp du đãng ở nghĩa trang đó, biến họ thành người bảo vệ nhà máy, để không mất xi măng sắt thép. Yêu thương là giúp cho mọi người đủ thành phần có công ăn việc làm. 

Đi huy động vốn làm ăn của mọi người, của gia đình… đưa Legamex phát triển mạnh mẽ, đem về lợi nhuận cho đất nước. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ, Nhà nước thí điểm cổ phần hóa Legamex để lấy tiền trả nợ. Lúc ấy người dân đâu có hiểu cổ phần hóa là gì, không ai mua, mình phải kêu người nhà mua. 

Yêu thương với con cái, tôi quan niệm “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Tôi đã như thế, không thể bắt con cái theo mình được. Con muốn làm doanh nghiệp thì mình cho làm. Yêu thương là trao quyền, không can thiệp vào chuyện làm ăn của con cái

Sáng nay, tôi đã được nghe các anh chị chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp và những sự vươn lên của người phụ nữ, vượt qua các định kiến của xã hội bằng sự yêu thương và trách nhiệm của mình...Đó là những bài học sống đầy quý giá cho mỗi doanh nhân”.