Sức mạnh ngành nông nghiệp gắn với giá trị tuần hoàn

Phạm Sơn - 12:08, 24/12/2022

TheLEADERỨng dụng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu là chìa khóa để đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp tích cực vào mục tiêu khí hậu, đồng thời tạo ra cơ hội kinh tế lớn.

Sức mạnh ngành nông nghiệp gắn với giá trị tuần hoàn
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Mekong Startup lần I. Ảnh: VnExpress.

Đồng bằng sông Cửu Long, từ xưa đến nay, hiện lên trong tâm trí của nhiều thế hệ với hình ảnh một đồng bằng màu mỡ, nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, lúa chín trĩu nặng, vàng ươm. Nơi đây cũng là vùng sản xuất lương thực chủ lực cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Tuy nhiên, trồng lúa lại là hoạt động gây phát thải hiệu ứng nhà kính cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là canh tác theo phương thức cũ, với cách thức tưới tắm, chăm bón thiếu hiệu quả.

Hiểu được rằng nếu áp dụng quy chuẩn canh tác lúa bền vững, sản xuất lúa gạo sẽ giảm bớt đi gần một nửa lượng khí thải nhà kính, tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã phát triển và thử nghiệm ứng dụng Rice Hero, với mục tiêu đơn giản hóa việc thu thập và đo dữ liệu phát thải trong lĩnh vực lúa gạo cho các nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Cụ thể, thông qua thông tin cơ bản về quá trình canh tác, thu hoạch, chế biến lúa gạo, Rice Hero có thể đưa ra lượng phát thải hiện tại cũng như đề xuất giải pháp giảm phát thải một cách hiệu quả.

Giới thiệu ứng dụng Rice Hero tại Diễn đàn Mekong Startup lần I, ông Nguyễn Đình Công, chuyên gia biến đổi khí hậu của Oxfam Việt Nam, cho biết, không hỗ trợ làm giảm phát thải, tạo cơ sở cho hạt gạo được dán nhãn carbon thấp, ứng dụng này còn là kênh thông tin cập nhật tình hình thời tiết, thị trường, từ đó giúp bà con lên kế hoạch canh tác sao cho hiệu quả.

Cũng nhằm mục đích tối ưu hóa hệ thống tưới tiêu, bón phân cho bà con nông dân, đến với Mekong Startup, 2 đơn vị là Công ty MiSmart và Tập đoàn Lộc Trời giới thiệu 2 mẫu thiết bị bay không người lái để giám sát và tự động phun thuốc, tưới nước cho cây.

Ngoài lúa gạo, nhiều sáng kiến, ý tưởng liên quan đến canh tác, tiêu thụ nông sản bền vững cũng được giới thiệu tại Mekong Startup, điển hình như mô hình khai thác mật hoa dừa của Sokfarm.

Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Sokfarm, cho biết, việc khai thác mật hoa dừa giúp nâng cao giá trị kinh tế của cây dừa từ 3 – 5 lần, trong bối cảnh năng suất trái dừa giảm do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cây dừa được phát triển cũng là giải pháp chắn sóng, chống xói mòn đất, góp phần giải quyết bài toán giữ đất của miền Tây.

Phát biểu tại Diễn đàn Mekong Startup, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những ý tưởng khởi nghiệp ngành nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ý tưởng dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn, ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, tại COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050, đồng thời tham gia vào 2 cam kết toàn cầu liên quan mật thiết đến ngành nông nghiệp, đó là cam kết giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 và tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.

Đây là những tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp chuyển đổi mô hình theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững, đống góp tích cực vào mục tiêu phát thải ròng bằng không. Bên cạnh đó, vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục duy trì, không chỉ cho đất nước mà còn cho cả toàn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thành Nam cũng đề cao nỗ lực giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển nông nghiệp thông minh. Thứ trưởng nhấn mạnh, áp dụng tốt kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên khổng lồ, vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa tạo ra sinh kế bền vững cho người dân.