Tận dụng ưu đãi của Hiệp định AANZFTA để tăng xuất khẩu
Lê Anh
Thứ năm, 31/08/2017 - 18:07
Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), các nước thống nhất cắt giảm từ 90-100% tổng số các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020.
Nhằm cung cấp các thông tin cần thiết và hữu ích cho các doanh nghiệp khu vực phía nam, ngày 31/8, tại TP.HCM, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM tổ chức hội thảo phổ biến thông tin thị trường Australia, New Zealand và tận dụng ưu đãi của Hiệp định AANZFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, Hiệp định AANZFTA (ký ngày 27/2/2009, hiệu lực từ ngày 1/1/2010) có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Australia, New ZeaLand.
Theo Hiệp định AANZFTA, các nước thống nhất cắt giảm từ 90-100% tổng số các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020. Riêng đối với Việt Nam, Australia và New Zealand là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép... đây cũng là những mặt hàng phần lớn đều được cắt giảm về 0%.
Thống kê từ Bộ Công Thương, sau hơn 6 năm thực thi Hiệp định AANZFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia đạt 5,26 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015; tăng trung bình 4,7%/năm trong giai đoạn 2010-2016. Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sẽ còn rất lớn vì hiện nay, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này vẫn còn rất khiêm tốn, mới ở mức khoảng 1,6% so với tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Australia.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tiếp tục tăng trưởng khả quan. Điện thoại và các loại linh kiện tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, giày dép các loại tăng trên 20%, hạt điều tăng gần 18%, dệt may tăng hơn 3,2%, tuy nhiên hàng thủy sản chỉ tăng hơn 0,5%.
Đối với thị trường New Zealand, trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và nước này đạt trên 707 triệu USD. Quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước những năm gần đây tăng trên 26%/năm.
Tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan còn thấp
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, tỉ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Australia trung bình giai đoạn 2014-2016 chiếm 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ các nước trong khối ASEAN vào thị trường này. Tuy nhiên, tỉ lệ hàng hóa tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định AANZFTA của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 21,4% do còn nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các quy định được hưởng ưu đãi từ Hiệp định.
Theo đó, muốn hưởng lợi thuế từ AANZFTA với nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có thuế suất bằng 0%, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, các doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin ưu đãi, các thủ tục thông quan; tìm hiểu đầy đủ và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất xứ, kể cả việc cộng gộp giá trị.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Australia và New Zealand cho biết, người tiêu dùng tại các thị trường này rất cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên lại đặc biệt lưu tâm tới yếu tố chất lượng, kiểu dáng và giá cả.
Ông Brian O’Reilly, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) cho biết, Australia đánh giá Việt Nam là đối tác có mức tăng trưởng thương mại nhanh nhất với nước này ở khu vực Đông Nam Á. Thương mại hai chiều tăng từ 32,3 triệu USD năm 1990 lên đến hơn 5 tỷ USD năm 2016. Hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Australia, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Brian O’Reilly cũng lưu ý các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thành công sáng thị trường Australia cần đáp ứng các quy định và luật lệ khi xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu và chuẩn bị trước các rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi xuất khẩu là điều cần thiết như: Tỉ giá hối đoái, vận chuyển, kiểm dịch hay như vấn đề pháp lý, vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa rủi ro gặp phải.
Mới đây, Việt Nam là nước đầu tiên được xuất khẩu trái thanh long sang Australia - quốc gia có hàng rào kỹ thuật khắt khe bậc nhất thế giới đối với quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản. Đây là tín hiệu mừng, mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các mặt hàng nông sản.
Ông Mark Gillin, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp Việt Nam do chưa nắm rõ quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ, nên không xuất khẩu hàng được vào thị trường này.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn diễn ra bình thường sau ngày 2/8/2017 – thời điểm mà tất cả lô hàng các loài cá thuộc Bộ Siluriformes nhập khẩu vào thị trường này chính thức phải thanh tra.
Hiệp hội Da – Giầy Việt Nam vừa công bố tổng kết tình hình 6 tháng đầu năm. Theo đó, trong 8,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến gần 80%.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.