Tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7

Hoài Anh - 18:39, 12/06/2022

TheLEADERSau hơn 2 năm chưa điều chỉnh, lương tối thiểu sẽ tăng sẽ 6% so với hiện tại từ ngày 1/7, tương đương 180.000 đến 260.000 đồng tùy từng vùng.

Tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7
Mức lương tối thiểu tháng, giờ là mức thấp nhất làm cơ sở để thoả thuận và trả lương cho người lao động.

Chính phủ vừa ban hành hôm nay nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, lương tối thiểu tháng lần lượt vùng I tăng lên 4,68 triệu; vùng II lên 4,16 triệu, vùng III lên 3,64 triệu và vùng IV lên 3,25 triệu đồng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Trên cơ sở này, lương tối thiểu giờ tương ứng áp dụng lần lượt vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.

Mức lương tối thiểu tháng, giờ là mức thấp nhất làm cơ sở để thoả thuận và trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp không được áp dụng thấp hơn mức lương tối thiểu này. Với người lao động được trả lương theo tuần, ngày hoặc theo sản phẩm thì mức lương quy đổi cũng không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc tối thiểu giờ.

Đối với người lao động được trả lương theo hình thức khác như lương theo tuần, ngày, sản phẩm hoặc lương khoán sẽ do doanh nghiệp lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ, đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu tháng hoặc giờ.

Doanh nghiệp không cần thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng độ tuân thủ quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát lại thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể, quy chế để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, không được xóa bỏ hoặc cắt giảm chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định.

Đây là lần tăng lương đầu tiên ‘rơi’ vào thời điểm giữa năm, thay vì đầu năm như thường lệ kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp vào năm 2009.

Trước đó, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, sau 2 năm không tăng lương, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn. Hơn lúc nào hết, lúc này cần phải tăng lương giúp lao động ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp sản xuất.

Theo ông Hiểu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động.

Về lý do đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022 thay vì ngày 1/1/2023, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, lương tối thiểu vùng dựa trên sự thương lượng của lao động, doanh nghiệp và sự khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Tiếp đó, trong quý I/2022, tình hình kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ. Tăng lương thời điểm này vừa là để hỗ trợ người lao động, nhưng đồng thời cũng để hỗ trợ người sử dụng lao động. Bởi lẽ, tăng lương tạo động lực tăng năng suất lao động, giữ chân người lao động ở lại với doanh nghiệp.