Thạc sĩ hóa học bỏ giảng đường gầy dựng giấc mơ rau hữu cơ cho nông dân

Kim Yến - 10:07, 19/10/2018

TheLEADERNguyễn Thị Quỳnh Viên bước vào nông nghiệp với tư cách của một người nghiên cứu và muốn biến nghiên cứu ấy thành hiện thực, để xây dựng một mô hình chuẩn, nhằm chứng minh rằng nhà nông nào cũng có thể trồng rau hữu cơ, sẵn sàng chuyển giao công nghệ ấy cho mọi người cùng làm một cách vô vị lợi.

Sau 8 năm nhiên cứu, đầu tư công sức thử nghiệm và chuẩn hóa quy trình trồng rau theo phương pháp hữu cơ “6 không”, vườn rau 5.000m2 của Nguyễn Thị Quỳnh Viên đã đi vào ổn định, sản xuất hơn 10 loại rau ăn lá và một số rau quả. 

Quỳnh Viên đang nhân rộng mô hình này ở Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích 10.000m2 và ở Măng Đen với diện tích 18.000m2 trồng các loại củ quả ôn đới như bông cải, xà lách, tần ô, bó xôi… ước mơ của chị là nhân rộng mô hình này đến các hộ nông dân, để phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong trào lưu nhà nhà khởi nghiệp, rất nhiều bạn trẻ đã lao vào nông nghiệp hữu cơ với tất cả nhiệt huyết, đam mê, tiền của nhưng ít ai thấu hiểu mặt trái của khởi nghiệp với biết bao bài học cay đắng, nhiều người đã tán gia bại sản… Nguyễn Thị Quỳnh Viên lần đầu tiên đã chia sẻ rất thực về những ngộ nhận và sự thực về con đường chinh phục nông nghiệp hữu cơ của riêng chị.

Chọn phong cách làm hữu cơ hiện đại

Suốt 8 năm qua trồng rau hữu cơ không lợi nhuận, chị hiểu hơn ai hết khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ là để cống hiến cho tương lai chứ thực sự chưa mang lại lợi ích thực tế nhiều, nhưng rất nhiều bạn trẻ lao vào nông nghiệp với cái nhìn toàn màu hồng.

Thạc sĩ hóa học bỏ giảng đường gầy dựng giấc mơ rau hữu cơ cho nông dân
Nguyễn Thị Quỳnh Viên, chủ nhân vườn rau hữu cơ Happy Vegi

Quỳnh Viên chia sẻ: “Các bạn làm gì phải tìm hiểu thật kỹ, đừng nhìn bức tranh quá hồng, phải biết khi dịch bệnh đối diện ra sao, làm nông nghiệp hữu cơ bây giờ sống sót là tốt rồi. Tôi có đọc một bài báo đăng một bạn khởi nghiệp ở quận 2 làm nông nghiệp hữu cơ 1 tháng thu nhập 200 triệu đồng, mình không nghĩ tiền bán rau được thế, nếu thế cả xã hội giàu hết rồi. Các bạn trẻ khởi nghiệp phải đối diện thực tế, nông nghiệp sạch đã khó, nông nghiệp hữu cơ càng khó hơn.

Mình mất 3 năm thật sự ổn định về quy trình, nhưng đưa ra thị trường thì cực kỳ khó khăn, vườn nhỏ thì khó khăn nhỏ, vườn lớn khó khăn lớn. Hiện tại chúng tôi có khoảng 200 khách hàng thường xuyên, mỗi tháng 4 lần đặt hàng, bên cạnh đó có các cửa hàng lấy hàng thường xuyên như Vườn Xanh, Falm market, Nam An… Phiên chợ xanh tử tế có lượng khách hàng cực kỳ ổn định, tạo ra cộng đồng người làm nông nghiệp tử tế với nhau.

Những mặt hàng rau quả mới từ Măng Đen như bắp cải, bó xôi tần ô, cà rốt cũng được đón nhận tốt, khích lệ mình làm tiếp. Vườn xa như vậy, phải cố gắng 300% so với sức lực của mình, tối nào cũng nói chuyện với các bạn trên vườn như tâm sự với người yêu, chứ bạn làm chệch cũng mệt. Sửa sai còn mệt hơn. Làm trên thửa ruộng lớn, không thể trồng nhà kính lớn, phải chuyên canh theo từng ô ruộng, nguyên ngày ở ngoài đồng luôn, quá nhiều việc còn ngổn ngang.

Chỉ riêng chuyện dán nhãn rau vườn của mình khi đưa vào các cửa hàng rau hữu cơ đã khó vì họ chỉ dán nhãn cửa hàng mà không cho tên tuổi nhà vườn vào. Mình phải hy sinh những cửa hàng đó, những cửa hàng đại diện cho nông dân đem tới tay người tiêu dùng thì sản xuất ở đâu phải ghi ở đó chứ, tại sao lại đóng nhãn cửa hàng của mình rồi bảo đó là hữu cơ? Đánh đồng tất cả không được!

Tuy nhiên người làm hữu cơ hiện nay có thể đỡ hơn những năm về trước rất nhiều. Chính sách chứng nhận hữu cơ của Nhà nước về trồng trọt và chăn nuôi đã chứng nhận cho những vườn nho nhỏ như tôi, đó là tin vui cho những người sản xuất. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát kỹ càng điều này sẽ như con dao hai lưỡi: Ví dụ chứng nhận VietGap, sau mấy năm rồi có ý nghĩa gì không? Bài toán hữu cơ sẽ lặp lại y như VietGap…

Người tiêu dùng phải có ý thức rau đó trồng ở vườn nào là tốt nhất nhưng ít người ý thức được hoặc không có đủ thông tin. Tôi làm hữu cơ với tiêu chí ngày xưa nhưng phong cách hoàn toàn hiện đại, không thể trồng hữu cơ như ông bà mình từ thế kỷ 18 vì môi trường của mình không như xưa, phải là hữu cơ của thế kỷ 21, tuân theo quy tắc “6 không” thật chuẩn để hạn chế ảnh hưởng môi trường. 

Dựa vào các chu trình sinh học tự nhiên của hệ sinh thái, đa dạng sinh học phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của địa phương, kết hợp canh tác truyền thống với khoa học công nghệ, không sử dụng hóa chất tổng hợp (như thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, phân bón hóa học) nhằm tạo ra sản phẩm cây trồng phù hợp với lợi ích con người và môi trường, bảo vệ sức khỏe đất đai, hệ sinh thái. Mình sạch rồi nhưng xung quanh không sạch thì sao, do đó phải bảo vệ cái ruộng của mình, tạo hàng rào bảo vệ vật lý để tránh côn trùng”.

Cuộc cách mạng sinh học đang mở ra một chương mới cho lịch sử loài người, Quỳnh Viên cho rằng: “Cuộc cách mạng nào cũng có ưu khuyết của nó, thế kỷ 19 là thế kỷ hóa học, chúng ta đã thấy nó tàn phá con người và thiên nhiên như thế nào. Muốn bền bỉ phải cân bằng, hiện tôi vẫn dùng các chủng vi sinh trên vườn nhưng khi cần mới dùng, càng ít tác động càng tốt, cái gì thuận tự nhiên, cân bằng mới tốt. Phân bò để bình thường 6 tháng hoai, nếu dùng chế phẩm vi sinh 30 ngày là hoai rồi, rút ngắn thời gian. 

Dùng vi sinh trong diện rộng chỉ đóng vai trò giúp mọi thứ trở thành cân bằng chứ không thể biến mọi thứ mất cân bằng. Cái gì hoàn hảo là không hoàn hảo, ra mua rau lựa thiệt bóng đẹp chắc chắn không tốt đâu, vì nó quá hoàn hảo".

Những trả giá không nhỏ...

Đang là giảng viên Đại học Kiến trúc, chị quyết định khởi nghiệp với rau hữu cơ khi thực hiện đề tài khoa học “nghiên cứu sự khống chế của sâu bệnh trên sâu ăn lá bằng phương pháp vi sinh”. Học về hóa, chị hiểu có nhiều cái khoa học không làm được mà vi sinh làm được. Sau đề tài cao học, chị đi sâu hơn vào vi sinh vì phân hóa học không thể giải quyết triệt để, gây ra tồn dư hóa học; nếu biết kết hợp giữa vi sinh và hóa học sẽ bổ trợ cho nhau rất tốt.

Chị đã bước vào nông nghiệp với tư cách của một người nghiên cứu và muốn biến nghiên cứu ấy thành hiện thực để xây dựng một mô hình chuẩn nhằm chứng minh rằng nhà nông nào cũng có thể trồng rau hữu cơ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ ấy cho mọi người cùng làm một cách vô vị lợi.

Nhưng “nhà nghiên cứu” Nguyễn Thị Quỳnh Viên cũng đã trả giá không nhỏ khi bắt tay vào trồng rau xanh ăn lá trong điều kiện đất đai, nguồn nước bị nhiễm độc hiện nay. Chưa biết gì về nông nghiệp, một hai năm đầu thuê đất ở Tân Bình 4.000m2 để thử nghiệm trồng rau ăn lá trước, ban đầu mô hình của chị gặp rất nhiều khó khăn. 

Thuê một nông dân trồng rau nổi tiếng tại TP. HCM nhưng khi nghe đến yêu cầu “6 không”, ông ấy nhất quyết không làm, vì theo ông là không thể! Do vậy, chị phải tự làm và trả giá rất đắt về thời gian cũng như tiền bạc. Môi trường không tốt, còn tồn dư kim loại, cần có thời gian chuyển đổi, để hàm lượng kim loại giảm, cân bằng sinh thái tăng lên, thời gian đầu phải cải tạo đất bằng cách lấy phân bò, phân chim, ủ thật hoai rồi cho xuống đất, kiểm tra nồng độ dinh dưỡng bằng máy đo, biết hoai tới mức nào. 

Cũng may đây là mảnh đất xung quanh không có dân cư, chỉ toàn cỏ dại nên rút ngắn thời gian chuyển đổi. Sau hai năm, cứ mỗi năm phải kiểm tra lại nồng độ kim loại nặng, thấy giảm đi rõ rệt, tới năm thứ ba thì hầu như không còn, điều đó khẳng định khả năng trồng hữu cơ là rất lớn.

Mất khoảng ba năm, từ 2011 mon men khai hoang, 2012 thực sự quyết định sản xuất. Áp dụng nguyên tắc “6 không”: Không sử dụng thuốc trừ sâu và diệt cỏ; Không trồng trên đất và nước ô nhiễm hóa chất; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng giống biến đổi gen và không sử dụng chất bảo quản.

Tới 2013 mới có cải ngọt, cải xanh, cải mầm, ray muống, rau mùng tơi, rau ngót Nhật, những loại rau nhiệt đới, có cả bí, bầu, dưa leo. Rõ ràng khi trồng hữu cơ một thời gian, thấy vườn đầy giun, bọ bù, bọ ngựa những côn trùng có ích cho đất, cho cây.

Làm hữu cơ phải đối diện với rất nhiều thử thách từ khí hậu, thời tiết, dịch bệnh, ngoài việc cần thời gian bổ sung dinh dưỡng hoàn hảo, thử thách lớn nhất là dịch bệnh. Nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra, khi môi trường trở nên cân bằng, thiên địch tự đến (thiên địch là các loài sâu có thể tự tiêu diệt lẫn nhau - PV), lâu lâu sâu cắn lá, sâu rầy xuất hiện, nhưng ngay sau đó bọ rùa bay đến ăn rầy, chim sâu ăn sâu.

“Vấn đề của mình là tạo ra vi sinh để đẩy môi trường tiến tới cân bằng sinh thái, nếu không sẽ kéo dài thời gian. Thường phân bò cứ để ẩm tự 6 tháng cũng sẽ hoai nhưng mình có vi sinh trong phân bò, nên chỉ cần 40 ngày sẽ hoai, giúp môi trường nhanh đạt tới cân bằng. 

Tuy nhiên, để dùng chuẩn nào cho loại rau nào thì tôi đã phạm rất nhiều sai lầm, sai và sửa thường xuyên. Cam kết không dùng hóa học, trồng cây cải con, đã giăng mùng toàn khu vườn để ngăn cách với bên ngoài, nhưng chỉ một đêm sâu ăn lá rỗ hết làm mình tan nát. Con sâu này ăn lá thì khủng khiếp, thời gian đầu bế tắc, chỉ biết ngồi khóc, phải suy nghĩ nát óc làm sao hút bọ nhảy? Tôi nghĩ ra cách can thiệp về cơ học với một máy hút tự chế, sau khi có cái máy này, mấy bạn làm vườn rất yên tâm, chỉ cần lấy máy hút sạch sẽ mà lá không hề bị ảnh hưởng”.

Sau mô hình rau, chị hướng đến bổ sung củ quả, chế biến trái cây, giờ Hapy Vegi có thêm vườn ở Măng Đen, Tây Nguyên để trồng cây ôn đới. Chọn Măng Đen vì môi trường khá trong lành, tốt hơn những nơi đã bị phun xịt thuốc nhiều như Đà Lạt, nhiệt độ cao nhất 25 độ C, thích hợp xúp lơ, bắp cải. Hiện rau hữu cơ Happy Vegi tiêu thụ rất tốt là sản phẩm duy nhất được tiêu thụ tại bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM, Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM.

Theo chị, nếu quy hoạch được một vùng không gian rộng lớn, sẽ không phải giăng mùng, khi mọi người cùng làm chắc chắn giá thành giảm vì vận hành không cao, chi phí môi trường giảm xuống. Mô hình này rất phù hợp cho các hộ dân vừa và nhỏ, tầm khoảng 3 - 4.000m2, với 3 - 4 nhân công, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng/người.

“Với mức thu nhập đó, tôi nghĩ để mọi người được ăn rau hữu cơ là hoàn toàn có thể, nếu biết kết hợp với tổ chức phát triển vì cộng đồng nông nghiệp sạch để lan tỏa mô hình. VinEco là ví dụ, chương trình của họ khá ý nghĩa về giáo dục cộng đồng, sức lan tỏa rất mạnh và lớn. Chúng tôi cũng tham gia vào chương trình giáo dục của họ. Xuất thân là giáo viên, nên tôi rất tâm huyết với giáo dục cộng đồng về dùng và sản xuất rau sạch”, Quỳnh Viên tâm sự.

… và những hệ lụy của khởi nghiệp nông nghiệp theo kiểu phong trào

Đưa ra cảnh báo về việc triển khai nông nghiệp hóa học với những cánh đồng mẫu lớn, trồng độc canh đang phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái cây trồng và môi trường sống, chị cho biết: “Mọi người đã nhìn thấy trái cây rỗng, xốp, bên trong không còn chất dinh dưỡng vì dùng chất kích thích cho to đẹp, bóng mướt. Trồng độc canh khiến cho hệ sinh thái mất cân bằng, nên phải dùng thuốc hóa học, càng lúc càng tàn phá môi trường. 

Trung Quốc đã phải trả giá rất lớn khi triển khai trồng độc canh cây lúa trên diện rộng để giải quyết an ninh lương thực, khai thác tối đa sản xuất của đất. Giờ nhiều bạn nông dân trẻ ý thức, lao vào nông nghiệp sạch, nhưng chưa thể tạo lực đẩy thay đổi ý thức con người, đó là vấn đề cực kỳ khó.

Nhà nước đang cổ súy cho khởi nghiệp nông nghiệp nhưng nông pháp ấy là nông pháp gì thì cần phải tuyên truyền và đưa ra những khung pháp lý để kiểm soát nhà sản xuất, nhất là những đại gia được ưu đãi về thuế, về đất đai. Chúng ta cứ cổ súy cho phong trào “Nói không với thực phẩm bẩn”, “Khởi nghiệp nông nghiệp” nhưng để tìm ra người thực sự hiểu về nông nghiệp hữu cơ trong số khởi nghiệp ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều hoạt động hiện nay chỉ là trào lưu, người thực sự làm được, hiểu nó rất ít. Tôi gặp được rất nhiều bạn trẻ, có bạn chín chắn vẫn trụ được, nhưng đại đa số còn lại rất mông lung.

Nên chăng khi đưa ra chiến lược quốc gia phải giáo dục từ học sinh lên đại học phải biết quý trọng đất đai, cây trồng. Các em mầm non nước ngoài nói chuyện đó vach vách, còn mình bậc đại học chưa chắc biết về điều đó, nói về môi trường mình đang sống thì rất dở… Vườn của tôi đã tổ chức các tour tham quan dành cho các bé mẫu giáo đến học sinh trung học. Mỗi lần các em vô vườn mình cực muốn chết, mong muốn của tôi là giáo dục ý thức của các bạn nhỏ biết thế nào là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ dành cho ai. Đó là cách làm thiết thực giúp cho toàn xã hội thay đổi nhận thức, trong đó có mình, nhưng sức một mình mình thì còn nhỏ lắm”.

Lên Măng Đen để tiếp tục triển khai giấc mơ của mình, Quỳnh Viên lại nhìn thấy nhiều sự thật đau lòng khác.

“Nhiều bạn trẻ bước vào hữu cơ nhưng kiến thức cơ bản về vi khuẩn không có, không hiểu vi sinh nào có lợi cho cây trồng. Cổ súy cho nông nghiệp của ta bây giờ chỉ là làm trên ngọn, nhiều đại gia bước vào nông nghiệp hiện nay thực chất vẫn chưa biết thế nào, nông pháp của họ là gì? Nhiều đại gia hàng chục năm nay giữ đất vẫn còn y như vậy, chẳng trồng trọt cái gì. Còn mình lên Măng Đen, sau 6 tháng khách hàng của mình trên đó toàn quan chức vì họ không biết mua ở đâu có thể tin được. Mình mới khai thác một nửa, làm tới đâu chỉn chu tới đó, phải hết năm nay mới phủ hết 2ha.

Măng Đen là mảnh đất cuối cùng còn giữ được sự mầu mỡ và trong lành cho đất đai. Tôi thấy Vingroup lên kế hoạch làm nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn trên 2 quả đồi ở khu vực này, thực sự mình thấy mừng quá. Trong các đại gia tuyên bố làm nông nghiệp, mình thấy Vingroup làm đàng hoàng nhất, lấy đất cũng đền bù cho dân đàng hoàng. 

Chỉ có điều, với cộng đồng người dân tộc thiểu số, cuộc đời vốn trước giờ bám rừng, sống nhờ vào rừng, dù có môt số tiền lớn từ đền bù cũng không biết phải làm gì.

Một vấn nạn nữa là rừng Măng Đen đang bị tàn phá dữ dội! Măng Đen được coi là “trái tim Tây Nguyên”, nếu không giữ được thì lụt lội, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng nặng nề hơn. Tôi đã từng khoác ba lô vào rừng, mới phát hiện ra bìa rừng còn cây, chứ bên trong khoàng 100m thì không còn gì, cây lớn bị móc lấy hết sạch, tới nỗi ngỡ ngàng rớt nước mắt đi ra”.

Tham gia tích cực chương trình của đài Vĩnh Long “Tổ chức nông nghiệp an toàn”, uớc mơ của Quỳnh Viên là nhân rộng mô hình vườn nhỏ, giúp nông dân 2 sào vườn một tháng có thu nhập khoảng 7 triệu đồng, theo chị đây là mô hình phát triển nông nghiệp bền vững cho 70% dân số là nông dân của Việt Nam.

“Làm nông nghiệp an toàn đã khó, hữu cơ còn vất vả hơn nhiều, phải đào tạo cho nông dân. Chương trình do chị Vũ Kim Hạnh chủ trì, mình là một trong những chuyên gia của BSA. Nếu làm đúng hữu cơ thì rất tốt vì nó phù hợp tập tính nông dân Việt Nam, giữ được đất đai ruộng vườn của cha ông, người hưởng lợi nhất là nông dân, không bị bệnh vì phun thuốc, giúp cho môi trường, cho toàn xã hội được khỏe mạnh và an toàn.

Nhưng khi triển khai mô hình này sẽ vô cùng vất vả vì nông dân mình thích nhàn, nói họ làm việc gì khuôn phép rất khó. Trong khi nông nghiệp hữu cơ, bền vững phải ghi chép rất kỹ. Nông dân mình ít chịu làm, không khó học hỏi nhưng họ không thích. Làm sạch phải chứng minh bằng nhật ký nhưng nông dân không chịu làm, đến khi đoàn kiểm tra xuống lại làm dối, làm nhanh. Trồng rau phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình chứ, không thể đổ lỗi cho thị trường được.

Mô hình nhỏ lẻ này vừa sử dụng được nguồn nhân lực, nguồn phân bón hữu cơ từ phân gà, phân chuồng của mình. Nông nghiệp bền vững phải liên quan cân bằng sinh thái, phải đa canh, dùng phân hữu cơ để bồi đắp lại cho đất, rất phù hợp với nước mình mưa thuận gió hòa. Làm hữu cơ không thể thiếu lương thực được, phát triển cả du lịch rất tốt, tạo hệ sinh thái bền vững, rất phù hợp 70% nông dân, họ phải sống được trên mảnh vườn của mình thì mới có nông nghiệp bền vững được chứ”, Quỳnh Viên tâm sự.