Tham vọng của kỳ lân cho thuê xe Ấn Độ ở Việt Nam

Quỳnh Chi - 09:44, 26/02/2023

TheLEADERChỉ sau hơn một năm tiến vào thị trường Việt Nam, Zoomcar - startup cho thuê xe tự lại của Ấn Độ đã đạt được điểm hoà vốn và đang bước vào giai đoạn tăng tốc với mục tiêu tăng trưởng gấp 5 lần trong 2023.

Tham vọng của kỳ lân cho thuê xe Ấn Độ ở Việt Nam
Ông Kiệt Phạm, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc quốc gia Zoomcar Việt Nam

Thành lập vào năm 2013 ở thị trường Ấn Độ với nhiều tiềm năng trong mảng cho thuê xe ô tô tự lái, Zoomcar thành công với định giá gần 2 tỷ USD và rồi tiến vào thị trường Việt Nam vào cuối năm 2021. 

Nhận thấy nhiều cơ hội ở thị trường gần 100 triệu dân, startup này đã tận dụng thời gian trầm lắng của đại dịch để kết nối, tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng cho công cuộc “khai phá” mảnh đất mới. 

Kiệt Phạm, một người từng có nhiều năm kinh nghiệm quản lý cấp cao tại Gojek, OYO và Nielsen đã được thuyết phục trở thành “ông tơ”, đảm nhiệm vị trí Giám đốc quốc gia Zoomcar Việt Nam.

"Kiệt Phạm là người có chuyên môn và kinh nghiệm hơn một thập kỷ trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi tin ông ấy sẽ là mảnh ghép quan trọng, thiết lập Zoomcar trở thành nền tảng chia sẻ xe đầu tiên ở thị trường Việt Nam", Zoomcar từng cho biết.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Kiệt cho biết thời điểm đó cho thuê tự lái là một mảng mới với không chỉ thị trường Việt Nam mà với cả chính bản thân ông. Lĩnh vực này ở Việt Nam còn rất phân mảnh, đa số là cho thuê xe tự lái truyền thống nên không có nhiều thông tin. Ông đã phải tìm cách ước lượng nhu cầu thị trường, những rào cản có thể gặp phải cũng như những cơ hội đầu tư nếu có thể loại bỏ các rào cản đó.

Dù vậy, với ông Kiệt, đó cũng là một cơ hội tốt ở một thời điểm thuận lợi để từng bước thực hiện tham vọng xây dựng công ty ở thời điểm ban đầu trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cho thuê xe tự lái - một lĩnh vực rất tiềm năng, khi tỷ lệ người sở hữu bằng lái ở Việt Nam ngày càng tăng, mà Zoomcar hiện chưa có đối thủ trực tiếp.

Hơn một năm nhìn lại, Zoomcar Việt Nam đã đạt được những thành tựu nào, thưa ông?

Ông Kiệt Phạm: Có ba điểm quan trọng Zoomcar Việt Nam đạt được trong hơn một năm hoạt động vừa qua.

Thứ nhất, chúng tôi đã đạt được điểm hòa vốn trên từng cuốc xe. Đây là điều chúng tôi rất tự hào vì không phải startup nào cũng đạt được chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Đó là cột mốc để chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể tăng trưởng về mặt số lượng cuốc xe một cách nhanh chóng, hướng tới các mục tiêu ngắn và dài hạn.

Một điểm rất đáng tự hào khác chúng tôi làm được là trong 10 nghìn cuốc xe đã phục vụ thì không hề xảy ra tai nạn nào gây thiệt hại về người và của. Đây là điều mà các thị trường khác của Zoomcar đã không làm được. Chúng tôi liên tục nhận được các phản hồi tốt từ phía chủ xe. Va quệt nhỏ đôi lúc không tránh khỏi nhưng Zoomcar có chính sách bảo hiểm cũng như quy trình và hệ thống đo lường năng lực lái xe của người sẽ lái để đảm bảo an toàn cho cả xe và khách thuê nên chủ xe hoàn toàn yên tâm.

Năm ngoái, đối tác là chủ xe của Zoomcar tăng trưởng gấp ba, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện tại, số lượng chủ xe đăng ký lên tới khoảng 3.000 trong khi con số cách đây 7-8 tháng chỉ mới đạt 1.000 xe. Họ thấy doanh thu tăng trưởng hơn khi giao xe cho Zoomcar so với tự thuê trong khi không phải tìm khách hàng, không lo rủi ro…

Sức hút của Zoomcar là gì để có thể đạt được điểm hoà vốn nhanh như vậy?

Ông Kiệt Phạm: Có ba giá trị chính mà chúng tôi mang lại cho đối tác là người thuê xe. Một là khách hàng không cần đặt cọc và làm việc với chủ xe. Lúc đầu triển khai chính sách này, chúng tôi cũng không ngờ lại có hiệu quả và thu về nhiều phản hồi tích cực như vậy. Thứ hai là tính tiện dụng khi sử dụng ứng dụng. Họ chỉ cần đặt xe rồi đến nhận xe mà không cần làm việc với chủ xe. Thứ ba là có bảo hiểm và bất kỳ sự cố nào xảy ra trong suốt chuyến xe của Zoomcar đều được hỗ trợ…

Tham vọng của ‘kỳ lân’ cho thuê xe Ấn Độ ở Việt Nam
Zoomcar cho biết đã đạt điểm hoà vốn chỉ sau hơn 1 năm hoạt động ở Việt Nam

Quy trình và hệ thống mà Zoomcar ứng dụng để giảm thiểu rủi ro về an toàn cho khách thuê cũng như cho xe cụ thể là gì, thưa ông?

Ông Kiệt Phạm: Hiện tại, chúng tôi không nhận thanh toán bằng tiền mặt nên có thể đảm bảo hơn về mặt danh tính khách hàng. Về mặt nội bộ, Zoomcar có hệ thống đo lường kỹ năng lái xe của khách. Chúng tôi bắt buộc những những người lái xe phải là người đã đăng ký cho chiếc xe đó, có thể bổ sung “tài xế khác”. Zoomcar có thiết bị dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) gắn trong xe để theo dõi quá trình lái xe với các thông số được ghi nhận như vận tốc có tăng/giảm đột ngột, tốc độ lái tối đa,… Các dữ liệu này cũng sẽ được lưu lại vào hệ thống để đánh giá tính rủi ro cho tương lai.

Mặc dù chưa xảy ra nhưng trong trường hợp tai nạn có thiệt hại về người và của, Zoomcar có chương trình bảo hiểm cho khách. Hiện chúng tôi đang hợp tác với Pjico và một số đối tác bảo hiểm khác cho chủ xe lựa chọn để xử lý nhanh gọn trong trường hợp có sự cố phát sinh. Thậm chí nếu bảo hiểm không đền bù cho trường hợp đó thì chúng tôi đã có quỹ riêng để hỗ trợ nếu lỗi đó không đến từ khách hàng hoặc chiếc xe. Đối với chủ xe, chúng tôi cam kết rằng nếu lỗi do khách hàng của Zoomcar hay lỗi do Zoomcar thì chúng tôi sẽ bằng lòng chịu trách nhiệm 100%.

Quy trình kiểm tra năng lực lái xe của khách hàng mà chúng tôi triển khai được thừa hưởng kinh nghiệm và công nghệ từ Ấn Độ, tuy nhiên chất lượng thực hiện quy trình phải phụ thuộc vào độ linh hoạt của Zoomcar ở từng thị trường, đặc biệt là làm việc với các đối tác và cơ quan khác nhau.

Bên cạnh đó, rủi ro được chúng tôi chia làm các hạng mức. Nếu rủi ro ở mức độ tệ nhất, không chấp nhận được thì xe đó sẽ không được tham gia vào sàn. Nếu rủi ro vẫn ở mức thấp, Zoomcar sẽ đưa ra các cảnh báo cho cả chủ xe và khách thuê; nhắc nhở chủ xe về vấn đề bảo dưỡng, thay lốp… Chúng tôi sẽ đánh giá các sự cố dù nhỏ nhất để đưa ra các phương án giảm thiểu rủi ro cho cả chủ xe lẫn khách thuê.

Khi vào Việt Nam, đối tượng khách hàng thuê xe mục tiêu mà Zoomcar hướng đến là ai?

Ông Kiệt Phạm: Mục tiêu cụ thể trong ngắn hạn là những người từ 30 đến 50 tuổi - đối tượng có bằng lái xe và khả năng tài chính. Trong dài hạn, chúng tôi sẽ dịch chuyển sang những người trẻ hơn, từ 18 đến 35 tuổi vì đây là đối tượng tiềm năng nhất. Tại Ấn Độ, đối tượng này có thu nhập ngày càng tăng, có thời gian linh hoạt hơn. Tại Việt Nam, giá thuê xe cũng sẽ ngày càng phù hợp hơn với họ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn khuyến khích người phụ nữ lái xe nhiều hơn như điều Zoomcar đã làm ở Ấn Độ. Tôi nghĩ việc tự lái xe được sẽ giúp người phụ nữ tự tin hơn về bản thân mình.

Về lâu dài, chúng tôi cần khuyến khích mọi người nhận thức được rằng thuê xe tự lái trong thời gian ngắn rất dễ và thuận lợi, khuyến khích mọi người có bằng lái xe. Tỷ lệ bằng lái ở Việt Nam còn thấp một mặt do chưa mua xe, một mặt nghĩ về chi phí cọc xe đắt đỏ hoặc phải đền một số tiền lớn khi xe có vấn đề… Zoomcar sẽ giúp họ gỡ bỏ rào cản của người trẻ là muốn lấy bằng lái xe nhưng không biết lấy bằng để làm gì.

Nguồn thu của Zoomcar được tính toán như thế nào?

Ông Kiệt Phạm: Hiện tại, chúng tôi triển khai mô hình chia sẻ cùng chủ xe với tỷ lệ 60-40 về doanh thu, trong đó chủ xe 60% và Zoomcar 40%.

Chủ xe đăng ký làm đối tác của Zoomcar sẽ phải cung cấp thời điểm và giá trị mua xe. Sau đó, chúng tôi sẽ làm việc với đối tác để tính toán tỷ lệ khấu hao của chiếc xe, từ đó cân nhắc thêm cả các yếu tố thị trường mới tính ra được giá sàn cho thuê xe theo giờ hợp lý cho cả chủ xe và người thuê. Còn hệ thống giá sẽ linh hoạt nhưng có kiểm soát, phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường cũng như nguồn cung xe cho thuê ở từng thời điểm và vị trí.

Chúng tôi đảm bảo có xe cho thuê vào các dịp lễ, Tết với chi phí cao hơn ngày thường khoảng 20-30%. Chúng tôi phải “chật vật” để làm sao mức tăng phù hợp với khách thuê nhưng vẫn đảm bảo doanh thu cho chủ xe vì ai cũng kỳ vọng cho thuê với giá cao trong dịp lễ, Tết.

Trong thời gian tới, ứng dụng Zoomcar sẽ bổ sung tính năng cho phép chủ xe hoàn toàn chủ động trong việc xác định giá cho xe của họ và tự tạo chương trình khuyến mãi. Về dần, một thị trường trực tuyến sẽ được thành hình và cho phép thị trường tự định giá.

Mục tiêu sắp tới của Zoomcar tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Ông Kiệt Phạm: Thị trường Việt Nam đã qua hai giai đoạn. Chúng tôi đã xong giai đoạn đầu là đánh giá tính tối ưu hoá về khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường và và giai đoạn hai là tìm mô hình hoạt động tối ưu nhất. Giai đoạn thứ ba mà Zoomcar chuẩn bị bước vào là giai đoạn tăng trưởng vượt trội. 

Năm 2023, Zoomcar đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 5 lần và trở thành nền tảng gọi xe lớn nhất Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh tăng trưởng ở TP.HCM và mở rộng ra Hà Nội và tiếp đến là Đà Nẵng.

Xin cảm ơn ông!