Thận trọng khi Trung Quốc dội vốn vào bất động sản Việt

An Chi - 11:26, 31/10/2017

TheLEADERCác dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam thường gắn liền với những ấn tượng không mấy tích cực về chất lượng, tiến độ thi công... do đó, trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ của quốc gia này vào bất động sản Việt thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần hết sức thận trọng.

Dòng vốn chuyển hướng

Tám tháng đầu năm 2017 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động mua bán, sáp nhập các dự án bất động sản của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam. 

Số liệu cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, lũy kế các năm đến tháng 8/2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam, với 51 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục dội vốn FDI khá nhiều vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Riêng trong lĩnh vực bất động sản, theo phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài, ngay từ hết quý I năm nay, Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam, với 24 dự án, đạt 631,2 triệu USD (chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam).

Các dự án của Trung Quốc chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.318 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,45 tỷ USD (chiếm hơn 66,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). 18,4% tổng vốn đầu tư đăng ký theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO. 

Còn lại khoảng 15% tổng vốn đầu tư đăng ký là theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, công ty cổ phần. Trong số 63 tỉnh, thành phố, đầu tư của Trung Quốc đã hiện diện tại 54 địa phương.

Một điểm đáng lưu ý là số vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam tiếp tục gia tăng về số dự án nhưng giảm về vốn. Nếu như quý I/2017 quy mô vốn bình quân mỗi dự án 6,9 triệu USD (trong khi đó mức trung bình của các dự án nước ngoài tại Việt Nam thời điểm đó khoảng 13 triệu USD/dự án).

Phối cảnh dự án Đại Phước Lotus vừa được VinaCapital chuyển giao cho nhà đầu tư Trung Quốc.

Một số thương vụ đầu tư bất động sản Trung Quốc tại Việt Nam có thể kể đến như giữa tháng 4/2017, Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) đã thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus của VinaCapital (tổng điện tích 198,5 triệu ha thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai, giáp ranh TP. HCM) với giá 65,3 triệu USD.

Tiếp đó, Hong Kong Land, một tập đoàn bất động sản khác đến từ Hồng Kông cũng đã thâu tóm 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII).

Hiện Hongkong Land có tỷ lệ góp vốn trên 50% tại 3 dự án và doanh nghiệp trong nước là tòa nhà Central Building, Công ty TNHH Quốc tế Đoàn Kết và Công ty TNHH Nassim JV (chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp The Nassim Thảo Điền).

Một dự án tỷ đô khác có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc phải kể đến là dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino trị giá 4 tỷ USD tại Hội An (Quảng Nam). Dự án này có vị trí gần sân bay quốc tế Đà Nẵng, cách không xa phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn cũng như khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Có thể nhận thấy, hầu hết các dự án bất động sản của các nhà đầu tư Trung Quốc đều nằm tại khu vực phía Nam, có vị trí đắc địa gần sân bay, cảng biển, các khu đất vàng. Một đặc điểm chung nữa là các giao dịch của nhà đầu tư Trung Quốc thường khá kín tiếng, không nhiều thông tin được công bố trên truyền thông. 

Cần cẩn trọng

Nhận định về xu hướng đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư Trung Quốc, ông Tom Moffat, Giám đốc điều hành Thị trường nguồn vốn, CBRE Châu Á chia sẻ, nhu cầu đầu tư vào bất động sản nước ngoài của các nhà đầu tư châu Á rất mạnh mẽ và bền vững trong tương lai gần. 

Sức mạnh trong đầu tư ra nước ngoài của châu Á chủ yếu do sự ưa thích của các nhà đầu tư đối với các giao dịch mua bán lớn trong lĩnh vực bất động sản toàn cầu.

Đặc biệt, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất nhất nhờ vào một nhóm các nhà đầu tư mới tích cực hơn trong 6 tháng đầu năm mặc cho nhiều quy định siết chặt. Các công ty bất động sản ở Trung Quốc và các tập đoàn cũng là những đơn vị mua bất động sản bất động sản nước ngoài đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2017.

"Tác động của vốn Trung Quốc vào các thị trường bất động sản chính trên thế giới sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới", ông Tom Moffat nhận định.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản Hà Nội, CBRE cũng cho rằng, cuộc đổ bộ của dòng vốn Trung Quốc, gồm cả Đài Loan, Hong Kong vào thị trường Việt Nam thời gian qua tăng mạnh thứ nhất là do kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, thị trường bất động sản Việt Nam đang là kênh đầu tư hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn CBRE Hà Nội.

Thứ hai, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội mới bên ngoài lãnh thổ của họ. 

Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư này diễn ra theo xu hướng tự nhiên do vị trí địa lý gần nhau của Việt Nam và Trung Quốc rất gần nhau. Mối quan hệ giao thương kinh tế vốn đã có nền tảng phát triển từ trước đó.

Việc các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào bất động sản Việt Nam cũng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và thị trường bất động sản. Do đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài nên được bình đẳng khi đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư đã bị giới hạn không được đầu tư tại những khu vực nhạy cảm. Tôi tin tưởng rằng, các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ biện pháp cụ thể, cân đối trong phê duyệt các dự án đầu tư của nước ngoài, qua đó có những điều tiết nhất định để vừa tận dụng hiệu quả được những lợi ích kinh tế của các nhà đầu tư Trung Quốc mang lại vừa tránh những tác động tiêu cực không mong muốn, bà An chia sẻ.

Về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, hiện Trung Quốc chưa phải là quốc gia đầu tư bất động sản lớn nhất tại Việt Nam, còn khiêm tốn so với đối thủ cùng khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Xét ngắn hạn, sức ảnh hưởng của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc tại thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa rõ nét.

Tuy nhiên, vấn đề của các nhà đầu tư Trung Quốc đang gặp phải hiện nay là chất lượng dự án, chậm tiến độ thi công, giữ dự án gây lãng phí đất…

Chính vì vậy, tôi cho rằng, trong thời gian tới các nhà quản lý cần tính toán, cân đối trong phê duyệt các dự án đầu tư của nước ngoài, tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng công trình tránh những rủi ro đối với thị trường bất động sản nói chung và nền kinh tế nói riêng, ông Võ nhận định.