Thế giới đồng lòng chống biến đổi khí hậu

Phạm Sơn - 13:47, 24/04/2021

TheLEADERChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng thay mặt Việt Nam đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu với sự tham gia của 40 quốc gia chiếm 80% lượng phát thải nhà kính.

Thế giới đồng lòng chống biến đổi khí hậu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu tại hội nghị này. Năm 2017, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên tuyên bố công khai ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, với lý do thỏa thuận này gây ra những đe dọa cho nền kinh tế Mỹ. Tuyên bố này đã được chính quyền ông Trump từng bước thực hiện và trở thành thực tế vào tháng 11/2020.

Sự kiện kể trên gây ra những làn sóng mạnh mẽ về trong dư luận nước Mỹ và quốc tế khi cường quốc số 1 về kinh tế dường như đang khẳng định tiền bạc, kinh tế quan trọng hơn so với môi trường và khí hậu.

Tuy nhiên, nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới đang thể hiện thái độ trái ngược hoàn toàn so với người tiền nhiệm.

Người kế nhiệm ông Trump, đương kim tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, với dự tham gia của lãnh đạo 40 quốc gia chiếm 80% lượng phát thải nhà kính trên thế giới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đại diện Việt Nam tham dự hội nghị này. Hội nghị diễn ra vào ngày 22 và 23/4 theo hình thức trực tuyến.

Trước khi tổ chức hội nghị với các lãnh đạo toàn cầu, vào ngày đầu tiên đảm nhiệm cương vị tổng thống, Joe Biden đã tuyên bố sẽ đưa Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Paris. Vào tháng 3, dự luật cơ sở hạ tầng cũng được ban hành, với trọng tâm bao gồm hỗ trợ cho xe điện, năng lượng tái tạo và đổi mới năng lượng.

The Economist bình luận, ông Biden dường như đang “nỗ lực để khôi phục uy tín của nước Mỹ”, khi nhiều đời tổng thống trước đó đều khiến thế giới phải thất vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khác hẳn hình tượng một gã khổng lồ luôn đi đầu trong các vấn đề quốc tế.

Theo đó, từ những năm 1990, Thượng viện Mỹ từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto, một trong những nỗ lực toàn cầu về cắt giảm khí nhà kính. Tổng thống Obama cũng từng tuyên bố sẽ viện trợ 3 tỷ USD cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại các nước nghèo nhưng chỉ giải ngân được chưa đến 1 tỷ USD.

Những cam kết cho thời đại mới

Nhấn mạnh vai trò đầu tàu cho kinh tế toàn cầu, tổng thống Joe Biden đưa ra cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Bên cạnh đó, đương kim tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh quan điểm xây dựng nền kinh tế “không chỉ thịnh vượng mà còn lành mạnh, công bằng và sạch sẽ hơn cho toàn hành tinh”.

Mức gần như tương tự cũng được đặt ra bởi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide, với 46% lượng khí thải được cắt giảm vào năm 2030. Mục tiêu này cao gần gấp đôi so với con số 26% được Nhật đưa ra trước đó. Nikkei Asia Review bình luận, Nhật Bản đang nỗ lực để bắt kịp với Mỹ và châu Âu trong công cuộc trung hòa các bon.

Trung Quốc, công xưởng và cũng là ống khói của thế giới đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ đạt đỉnh về khí thải các bon, sau đó tiến tới mức trung hòa các bon vào năm 2060. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ kiểm soát chặt chẽ nhiệt điện than, hạn chế nghiêm ngặt tiêu thụ than trong giai đoạn trung hạn (2021 – 2025).

Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đang thực hiện kế hoạch giảm 30% phát thải nhà kính vào năm 2030, như đề xuất trước đó với Liên hợp quốc. Nga và Trung Quốc đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ về chống biến đổi khí hậu, qua đó hâm nóng mối quan hệ tương đối căng thẳng trong những năm gần đây.

Ấn Độ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu cũng đưa ra những kế hoạch, cam kết đầy tham vọng so với đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) trong Thỏa thuận Paris.

Thế giới đồng lòng chống biến đổi khí hậu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đại diện Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: VGP.

Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cam kết cắt giảm 9% lượng khí thải nhờ vào nguồn lực trong nước và cắt giảm 27% nhờ vào sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục giảm tỷ trọng điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo để đạt tỷ trọng 30% trong tổng nguồn cung điện sơ cấp vào năm 2045 cũng như tiếp tục luật hóa các cam kết cắt giảm khí thải và triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh.

Tái khẳng định vai trò của kinh tế xanh, phát triển bền vững với thế giới, đặc biệt với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu như Việt Nam, Chủ tịch nước cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay hỗ trợ lẫn nhau, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển về nguồn lực, kinh nghiệm cũng như công nghệ để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thực sự phát huy hiệu quả trên toàn cầu.