Thế giới trong trạng thái cân bằng mới

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - 11:39, 15/05/2020

TheLEADERDaniel Pink nói rằng sau thời đại thông tin sẽ là thời đại nhận thức, sau nền kinh tế thông tin sẽ là nền kinh tế xã hội.

Đặc điểm của kỷ nguyên này theo ông là sự trỗi dậy của những năng lực xã hội dựa trên sự phát triển của não phải. 

Động lực của sự trỗi dậy này là sự dư thừa về vật chất, sự phát triển của nhân công tri thức rẻ của châu Á (do đó, đối với nước Mỹ, Anh hay nhiều quốc gia phát triển cao khác, các lĩnh vực kinh tế dựa trên não trái sẽ bị xuất khẩu sang châu Á do chi phí lao động rẻ) và tự động hóa. Sự phát triển dư thừa về vật chất khiến con người ngày quan tâm và suy nghĩ nhiều hơn tới ý nghĩa của cuộc sống.

Khả tri của tiền nhân và các bậc tiền bối khoa học

Trong minh triết của Á Đông từ xa xưa đã xác quyết con đường đúng (Đạo) sẽ dẫn đến cơ hội trong cuộc đời (Duyên) hay đạt đến trạng thái an lạc trường cửu (Đức). Trạng thái cân bằng cũng theo Âm Dương biện chứng có thể được hiểu bằng minh triết Việt xa xưa, sự thái quá ắt dẫn đến tan vở hư hoại, như 4 nguyên lý cơ bản của âm dương (hay nhị phân) đó là ‘thái âm - thiếu dương - thái dương - thiếu âm). Những nguyên lý cân bằng này đã có từ xa xưa và do cha ông chúng ta đúc kết. Khoa học hiện đại cũng kế thừa một cách phổ biến trong Nhị phân, thuyết Tương đối và thuyết Bất định.

Thế giới, trong và sau cuộc khủng hoảng (vô tiền khoáng hậu) đại dịch Covid-19. Nước Mỹ vượt qua ngưỡng 80 nghìn rồi sẽ đến 100 nghìn người chết (gấp đôi Vietnam War). Văn hoá tôn trọng cá nhân tuyệt đối của phương Tây cũng đang lung lay. 

Nhu cầu thay đổi với nhiều thứ bất ngờ, như không khí sạch không ô nhiễm (virut, bụi công nghiệp…) trở nên thứ thiết yếu. Nhiều giá trị sống được tái định nghĩa… và con người chúng ta phải chấp nhận những giá trị mới, khung cảnh mới, thói quen mới và nhu cầu mới – đó chính là trạng thái cân bằng mới của thế giới trong và sau kỷ nguyên hậu Covid-19 này.

Chợt nhớ lại nguyên lý Bất định, Max Planck và Heidenberg nói rằng “không thể xác định cùng lúc vị trí và động năng” và “sau sự kiện đột biến sẽ đạt đến một trạng trái cân bằng mới ở một bước nhảy năng lượng mới và đạt sự cân bằng trong trạng thái năng lượng mới đó”.

Vậy thì khi mà thế giới tìm thấy và xác định danh tính con virut và tìm ra biện pháp khắc chế nó (vắc-xin) thì thế giới này sẽ đổi khác… đồng thời sẽ tồn tại trong một trạng thái "cân bằng mới".

May mắn thay, thế giới trong và sau kỷ nguyên Covid-19 đang nhắc đến Việt Nam như một điển hình của việc "ứng phó và khắc chế" dịch bệnh, tìm ra mô hình ứng xử và đang từng bước tạo ra sức bật mới đạt đến cân bằng mới – dù sức bật mới này chỉ mới là kỳ vọng. Nhưng cả xã hội, từ lãnh đạo đến cộng đồng doanh nhân và người dân đang nỗ lực ứng phó, tìm kiếm sức bật và trạng thái cân bằng mới này với mức năng lượng kỳ vọng cao hơn.

Nước Mỹ cũng đã tìm thấy sự trợ giúp từ Việt Nam dù nhỏ nhưng quan trọng – đó là khẩu trang, quần áo bảo hộ và máy thở… Đúng vậy, Việt Nam sẽ không chinh phục thế giới bằng những sản phẩm to lớn, hay vũ khí cơ học… mà Việt Nam sẽ chinh phục thế giới bằng những sản phẩm nhỏ bé, hiền lành, nhưng có mức độ quan trọng bất ngờ. 

Và đó nên là sự gợi ý cho "chiến lược kinh tế" của Việt Nam. Điều đó không mới mẻ, không bất ngờ… Việt Nam có thể cứu thế giới bằng nhiều sản phẩm tương tự, như là lương thực, hay ẩm thực, dinh dưỡng, quần áo, thuốc men, phần mềm, công nghệ IT và Robot… trong kỳ vọng tương lai.

Cần phải nghiên cứu phát hiện ra mô hình xã hội cân bằng mới. Có thể sử dụng các mô hình nghiên cứu xã hội học kinh điển, nhưng nhìn thấy những trạng thái mới, khuynh hướng mới… ngay như tâm lý học cộng đồng, marketing, quản trị học, phạm trù luận, cơ cấu học… và lại tìm kiếm và duy trì những quy luật bất biến (Đạo) và may thay trong đó có thương hiệu học. Ví như Lão Tử nhìn nhận thực thể thương hiệu (chính danh) song hành với Đạo (hiểu thực tế là chiến lược đúng).

Có chính đạo thì thì không sợ tà ác, đạt được trậnh thái cân bằng và hài hoà. Trong đời sống hay kinh doanh, trong quản lý vĩ mô hay kinh tế… thảy đều vậy cả.

Tuy nhiên, để tìm ra những mô hình kinh tế, mô hình sản xuất và kinh doanh, chiến lược phát triển doanh nghiệp… ‘cái đó’ không bao giờ tìm thấy dễ dàng. Và những ai coi đó là điều dễ dàng thì sẽ không bao giờ tìm thấy một "cái đó" đích thực.

(Lão Tử nói) Đạo không thể nhìn thấy, nhưng Đạo có thật. Đạo không làm nhưng không có gì là không làm được (vô vi nhi vô bất vi). Để thấy vai trò của một triết lý đúng, tầm nhìn đúng và chiến lược đúng cho mỗi doanh nghiệp.

Ở đây ta bắt đầu nhìn nhận mục đích chung giữa triết học và kinh tế. Đó là sự đi tìm con đường đúng hay chiến lược kinh doanh đúng, có cùng đích đến là trạng thái cân bằng hài hoà (chính là Đạo).

Thế giới trong trạng thái cân bằng mới
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

Những gợi ý tìm kiếm cơ hội từ trạng thái cân bằng mới

Một, cân bằng giữa công việc và gia đình

Doanh nhân trong thời hậu Covid-19 này sẽ có dịp cân bằng thời gian dành cho gia đình, cho sức khoẻ và chơi đùa giáo dục làm bạn với con cái. Văn hoá giao tiếp kinh doanh vốn thống trị xã hội một thời, doanh nhân trên bàn nhậu với bia rượu và những cuộc hoan hỉ… nay đã trở thành quá khứ và không còn được suy tôn như là chuẩn mực xã hội như trước đây.

Hai, cân bằng giải trí hiện đại và khám phá thiên nhiên

Làn sóng nở rộ trong giai đoạn gầy đây trong lĩnh vực nghỉ dưỡng du lịch trải nghiệm và khám phá thiên nhiên. Hàng loạt dự án ‘second home’, ‘homestay’, ‘farmstay’ hay trang trại nông nghiệp sinh thái… đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều gia dình và giới đầu tư. Chính Covid-19 là động lực thực thúc đẩy lối sống ‘hậu hiện đại’ này càng rõ rệt như một trào lưu chính thống. Cho dù phong trào ‘bỏ phố lên rừng’ đối với một số người chỉ là chạy theo đám đông nhưng nó cũng lành mạnh và dễ thương.

Ba, cân bằng các giá trị và tài sản

Tài sản hữu hình và giá trị nhân văn, thể hiện qua phong trào ATM gạo là một minh chức thực tế của lối sống chia sẻ và tái nhận thức giá trị. Ngay từ tâm dịch Vũ Hán, đã có người mang tiền ra ném qua cửa sổ. Họ muốn gửi đi một thông điệp ‘tiền để làm gì vào lúc sinh mạng không còn ý nghĩa’… 

Tài sản tỷ đô với những người như Bill Gates hay Warrent Buffet nhiều lúc là những con số lập loè trên màn hình, nhắc chúng ta nhớ những vĩ nhân như Steve Jobs không màng đến tiền. Khi cận kề cái chết ắt hẳn ai cũng quý thời gian.

Bốn, thay đổi các mô hình tổ chức và quản lý công việc

Rất nhiều doanh nghiệp đang tư duy tái cấu trúc, từ mô hình văn phòng đến mô hình kinh doanh dịch vụ, đến các mô hình và nền tảng số hoá. Từ giáo dục cho đến việc giao hàng, từ chính phủ điện tử cho đến các dịch vụ công ích. Nó tạo tạo cơ hội và thúc đẩy sự sáng tạo hàng loạt thiết bị mới, tự động hoá, số hoá, ít chạm hơn, chi phí logistics giảm hơn, giao hàng nhân hơn, chữ ký điện tử phát triển rộng rãi hơn, việc booking hoàn toàn online, tiền tệ cũng thay đổi sang tiền số hoá nhiều hơn, ít ảo hơn…

Năm, giá trị của giao tiếp và cảm xúc

Con người mất nhiều cơ hội để giao tiếp, để bắt tay, không thể ôm nhau như trước… chính sự hạn chế này lại kìm nén cảm xúc nhân bản, con người lại khát khao được sinh hoạt giao tiếp hơn, họ thấy những khoảng khắc trên sân vận động, trong nhà hát, trong sảnh tiệc trong câu lạc bộ, quán cà phê, nightclub… thật là quý giá. Cảm giác được chạm vào nhau, được nhìn vào những ánh mắt và nụ cười, được trang điểm và hẹn hò lại càng quý giá hơn.

Sáu, y học chữa bệnh hiện đại và y học sức khoẻ truyền thống

Hơn bao giờ hết cơ hội dành cho sự phát triển y học được khuyến khích, thúc đẩy và tôn vinh như lúc này. Ngành y dù vất vả nhưng chính lúc này được xã hội tôn vinh với sứ mệnh cao đẹp. 

Song song đó là ngành y học truyền thống, y học với thiên nhiên, chăm sóc sức khoẻ và những phương thức truyền thống (đông y, thiền, dưỡng sinh…). Du lịch và nghỉ dưỡng cũng đi theo cách này, với những khu suối khoáng, thảo dược, thực dưỡng, không gian thiền và thư giãn sinh thái, kiến trúc và phong thuỷ… có rất nhiều cơ hội mới.

Những tri kiến về thời đại nhận thức

Thời đại nhận thức được Daniel Pink mô tả trong quyển sách cùng tên với sự phát triển mạnh mẽ và sự thừa nhận rộng rãi của xã hội đối với những năng lực sau đây: 

Thứ nhất, năng lực thiết kế. Thiết kế có mặt ở mọi nơi, không chỉ các lĩnh vực nghệ thuật mà cả các doanh nghiệp sản xuất đồ tiêu dùng đang ngày càng cần đến các nhà thiết kế. Thiết kế trở thành một trong những yếu tố quyết định lợi nhuận. Không phải cái hữu dụng là đẹp, mà cái đẹp là hữu dụng. Điều này trở thành động cơ cho các lĩnh vực cả văn hóa và kinh tế. 

Thứ hai, khả năng kể chuyện. Đang qua đi cái thời của tư duy trừu tượng, khô khan, máy móc. Trong thời đại nhận thức, những câu chuyện với khả năng tác động mạnh mẽ vào tình cảm, vào năng lực ghi nhớ của con người, sẽ trở thành sức mạnh. 

Thứ ba, tư duy và năng lực hoà hợp. Đó là khả năng ghép nối những mảnh riêng lẻ với nhau, là khả năng tổng hợp hơn là phân tích. Nhạc trưởng của một dàn nhạc là hình ảnh ví dụ cụ thể của khả năng này. Nguyên nhân là do tự động hóa sẽ đảm nhiệm nhiều công việc liên quan tới khả năng phân tích. Năng lực vượt qua các mẫu hình, các ranh giới, khám phá sự kết nối bên trong để tạo ra những bước tưởng tượng nhảy vọt trở thành thiết yếu. 

Thứ tư, khả năng đồng cảm. Đó là khả năng hình dung bản thân ở vị trí của người khác và cảm nhận được những gì người khác cảm nhận. Đồng cảm tạo nên sự tự nhận thức, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, giúp mọi người làm việc cùng nhau cung cấp nền tảng đạo đức cho con người. 

Trong tác phẩm nổi tiếng “Trí tuệ xúc cảm”, Daniel Goeman cũng chỉ rõ khả năng xúc cảm thậm chí còn quan trọng hơn khả năng tư duy thông thường. William Butller Yeats cũng nói, “những người chỉ dựa vào giải thích mang tính logic, triết lý và lý trí cuối cùng cũng sẽ nhận thấy mình thiếu đi phần quan trọng nhất của tâm hồn”. Thời đại nhận thức đòi hỏi luật sư, bác sĩ, y tá, hội đồng xét xử, những nhà tư vấn… xem năng lực đồng cảm như một trong những năng lực nghề nghiệp hàng đầu. 

Thứ năm, biết giải trí. Biết tìm thấy niềm vui trong mỗi công việc nhỏ, có khiếu hài hước, làm giảm sự căng thẳng và những mâu thuẫn cá nhân. Đạt được niềm vui khi làm việc, biết cười, biết chơi và có khiếu hài hước sẽ là một trong những năng lực giúp con người có cuộc sống hài hòa và cân bằng. Do đó, những lĩnh vực phục vụ cho nhu cầu này của con người sẽ phát triển mạnh mẽ. 

Thứ sáu, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Không phải bây giờ con người mới đi tìm ý nghĩa cuộc sống, nhưng trong thời đại nhận thức, đây không phải địa hạt đặc quyền của triết học. Hiện nay, thế giới có hàng trăm triệu người thường xuyên tham gia các hoạt động, các cuộc thảo luận về ý nghĩa cuộc sống. Điều này cho thấy sự cân bằng đang được tìm lại khi mà cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ. 

Thứ bảy, thương hiệu cá nhân. Trong thời đại nhận thức thương hiệu là mục đích và giá trị bản thân, lại vừa là phương tiện giúp cá nhân giao tiếp hiệu quả trong xã hội. Thậm chí thương hiệu cá nhân đích thực (uy tín) còn giúp mang lại nhiều cơ hội cho chủ nhân, từ kinh doanh lẫn các mối quan hệ tốt đẹp. Thương hiệu được định giá và đưa vào tài sản vốn đầu tư.

Đi tìm ý nghĩa cuộc sống, hay phát triển tâm linh, sẽ trở thành tâm điểm, một sự phát triển văn hóa cơ bản như là chủ kiến của thế giới trong sự cân bằng mới được nhiều học giả gọi là thời đại nhận thức (*).

(*) có tham khảo từ các học giả Daniel Pink, Daniel Goeman và William Buttler Yeats; tài liệu dịch của FLI; chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang bổ sung nguyên lý 7 và khẳng định triết lý thương hiệu trong vai trò thế giới cân bằng mới.