Thu hút đầu tư chuỗi giá trị nhựa tuần hoàn

Phạm Sơn - 19:30, 17/05/2021

TheLEADERCác tổ chức tài chính và quỹ đầu tư đang gặp nhiều rào cản trong việc rót vốn vào lĩnh vực tái chế nhựa.

Thu hút đầu tư chuỗi giá trị nhựa tuần hoàn
Tái chế nhựa được xem là lĩnh vực đầu tư thiếu tiềm năng. Ảnh: Circular Capital.

Kể từ khi ra đời, vật liệu nhựa ngày càng trở nên phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống, kéo theo rác thải nhựa phát sinh ngày càng nhiều. Tính riêng ở Việt Nam, khoảng 2.500 tấn là lượng rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi ngày.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trước cuộc khủng hoảng rác thải nhựa, nhiều giải pháp thúc đẩy tái chế, thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn đang được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, các giải pháp chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, khi tỷ lệ nhựa được tái chế chỉ đạt khoảng 9%.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia WEF chỉ ra, dòng vốn đầu tư cho hoạt động thu gom, tái chế không có quy mô đủ lớn để tạo ra những giải pháp mang tính bước ngoặt và ảnh hưởng đến khả năng thương mại hóa.

Hiện nay, vốn đầu tư vào hoạt động thu gom, tái chế chủ yếu đến từ các bên tham gia chuỗi cung ứng nhựa, các tổ chức phát triển quốc tế và nguồn tài trợ mang tính “từ thiện”, hầu như chưa có sự tham gia của các tổ chức quản lý tài chính hay quỹ đầu tư.

Kênh đầu tư kém tiềm năng?

Theo nghiên cứu của quỹ đầu tư Circular Capital, lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải nhựa là vô cùng quan trọng nhưng chưa được các tổ chức tài chính xem là kênh đầu tư tiềm năng.

Sự “thiếu tiềm năng” đến từ việc các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tái chế thường ít niêm yết công khai và thiếu minh bạch trong lợi nhuận cũng như trong việc đánh giá các tác động đến môi trường của các bên liên quan.

Thông thường, việc tái chế và xử lý chất thải luôn tồn tại nhiều vấn đề nan giải, đòi hỏi các dự án tái chế thường phải tập trung vào việc ứng dụng sáng kiến, đổi mới công nghệ. Tại các quốc gia đang phát triển, ứng dụng những công nghệ mới này lại phải vượt qua nhiều rào cản về hành lang pháp lý, năng lực quản lý và chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là yếu tố khiến các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính e ngại.

Mặt khác, thị trường nhựa tái chế tương đối biến động khi phụ thuộc nhiều vào giá thành của vật liệu nhựa nguyên sinh, bên cạnh sự bất ổn của nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), nguồn rác thải đầu vào kém chất lượng do thiếu sót trong quá trình thu gom, phân loại và xử lý sơ là rào cản rất lớn đối với công tác tái chế.

Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào chuỗi giá trị tái chế

Mặc dù nhiều cản trở đặt ra khiến các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư tỏ ra lo ngại khi rót vốn vào lĩnh vực tái chế nhựa, nhưng theo ông Rob Kaplan, Giám đốc điều hành quỹ Circular Capital, huy động nguồn lực từ những nhà đầu tư này sẽ là giải pháp hữu hiệu bổ sung nguồn vốn còn thiếu hụt và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Kaplan đề xuất một số giải pháp các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư có thể sử dụng để tiếp cận với ngành tái chế nhựa.

Đầu tiên, tạo ra nhiều công cụ tài chính như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, công cụ giống bảo hiểm để quản lý và hạn chế rủi ro. Các công cụ này đã được sử dụng hiệu quả trong việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản như cà phê và cây bông.

Thứ hai, tham gia vào kế hoạch liên ngành ở cấp quốc gia để được đảm bảo về tính minh bạch trong các dự án tại địa phương, ví dụ như Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam, một sáng kiến được quỹ Circular Capital đánh giá cao.

Thứ ba, mở rộng quan hệ hợp tác với những đối tác có kinh nghiệm trong đầu tư phát triển bền vững nói chung và đầu tư tái chế nhựa nói riêng. Thông qua mối quan hệ hợp tác, khả năng nhận diện và đánh giá rủi ro sẽ được nâng cao, giúp quỹ đầu tư và tổ chức tài chính dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm dự án đầu tư thích hợp.