Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng không làm khó việc cấp vốn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Hạ Vũ
Chủ nhật, 06/10/2019 - 19:49
Thủ tướng vừa yêu cầu liên doanh các ngân hàng (gồm Vietinbank, Agribank, BIDV) tài trợ vốn cho dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không đặt thêm các điều kiện ngoài quy định của pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư và làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Đến nay, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt 27% khối lượng thi công. Theo yêu cầu của Chính phủ, dự án phải thông tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành vào ngày 30/4/2021.
Dự án được đánh giá là tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò làm đòn bẩy cho sự cất cánh về kinh tế - xã hội cho 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gia tăng kết nối với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A.
Tổng chiều dài đạt 51,1 km với điểm đầu là nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành và điểm cuối là nút giao với quốc lộ 30 thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè.
Giai đoạn I của dự án có quy mô bề rộng nền đường 17 m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trên nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông, một cầu trên tuyến tránh đường tỉnh 868 và 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè.
Trong thời gian qua, nguồn vốn thực hiện dự án đang là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ.
Theo đó, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh của dự án cao tốc này hơn 12.500 tỷ đồng gồm phần vốn từ nhà đầu tư 3.400 tỷ đồng, vốn từ nguồn vượt thu ngân sách 2.186 tỷ đồng và phần còn lại là vốn tín dụng.
Trong đó, liên doanh 3 ngân hàng (Vietinbank, BIDV và Agribank) của dự án đã đưa ra điều kiện ký kết hợp đồng tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng khi dự án đã nhận được đủ phần vốn điều chỉnh từ 2 nguồn trên.
Vào ngày 27/9, Thủ tướng đã trao văn bản đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018 cho dự án. Đồng thời, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cam kết tăng vốn của nhà đầu tư từ 2.500 tỷ đồng lên 3.400 tỷ đồng.
"Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm đàm phán để ký lại hợp đồng tín dụng, sớm giải ngân nguồn vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, các ngân hàng thương mại không được đặt thêm các điều kiện khác với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư".
Đây là một trong những nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau buổi thị sát công trình dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và một số dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, do thời gian thi công còn lại không nhiều nên Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động và giữ gìn vệ sinh môi trường.
UBND tỉnh Tiền Giang định kỳ hàng tuần tổ chức họp giao ban, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công.
Liên quan dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải triển khai các thủ tục điều chỉnh, tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, bảo đảm khởi công trong quý I/2020.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã đồng ý bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào ngày 27/9.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Bộ Giao thông vận tải cần sớm triển khai các thủ tục đầu tư hạng mục cầu chính, bảo đảm khởi công trong quý I/2020.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2026 và các dự án hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch được phê duyệt.
10 năm triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đầy trắc trở
Dự án được khởi công lần đầu vào tháng 11/2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 2/2015, dự án được tái khởi động lần 2 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2018, với liên danh 6 doanh nghiệp góp vốn đầu tư gồm Công ty Tuấn Lộc (30%), Công ty Yên Khánh (30%), Công ty BMT (10%), Công ty Thắng Lợi (10%), Công ty Hoàng An (10%), Công ty cầu đường CII (10%).
Tuy nhiên, sau đó dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.
Vướng mắc lớn nhất lúc đó là phương án tài chính bị 'phá sản', lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.
Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được.
Đồng thời, các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án yêu cầu phải có nhà đầu tư thay thế nhà đầu tư Yên Khánh (do công ty này liên quan đến nhiều vụ án hình sự) mới chấp thuận tiếp tục cho vay vốn tín dụng.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp thuận mời nhà đầu tư có đủ năng lực là Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án vào tháng 2/2019, thay thế cho Công ty Yên Khánh.
Sau đó, dự án được tái khởi động vào tháng 4/2019 với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Chính phủ.
Sau hơn 3 tháng thi công trở lại, dự án đã đạt được khối lượng thi công lên tới 25% (trong khi 10 năm trước đó dự án này chỉ thi công được 10% khối lượng).
Tuy nhiên, một lần nữa, con đường cao tốc kỳ vọng của ĐBSCL lại đứng trước gian nan khi nhà thầu phụ đột ngột cho dừng thi công, giăng băng-rôn đòi nợ chủ thầu.
Tại cuộc họp vào cuối tháng 7, nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát dự án xác định "buộc phải dừng thi công dự án trong tháng 8/2019", vì tiếp tục gặp khó khăn do thiếu vốn trong đó vốn vay ngân hàng chưa được giải ngân.
Đến tháng 8/2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt phương án tài chính với tổng vốn đầu tư mới là 12.668 tỷ đồng, tăng 3.000 ty đồng so với tổng mức đầu tư dự án do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào tháng 6/2017. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng, vốn BOT 10.482 tỷ đồng gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác.
Thủ tướng đã trao cho các bộ, cơ quan liên quan các văn bản về việc đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 cho dự án đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trong chuyến thị sát tại tỉnh Tiền Giang vào sáng nay.
Nguồn vốn 2.186 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ sớm được Chính phủ giải ngân, đồng thời các ngân hàng thương mại được yêu cầu nhanh chóng vào cuộc.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, bài toán vốn đầu tư cho các hợp phần trong dự án cao tốc từ TP. HCM - Cần Thơ cơ bản đã có phương án giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ cán đích đúng hạn trước năm 2020 nếu được tháo gỡ khó khăn về lãi suất.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.