Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật

Hường Hoàng - 10:03, 18/04/2023

TheLEADERKhi kinh tế xã hội càng phát triển, người khuyết tật lại càng chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội. Tuy vậy, trong quá trình đó, họ vẫn còn gặp không ít những vướng mắc, khó khăn. Trong số đó, tiếp cận giao thông là một trong những vấn đề được cộng đồng người khuyết tật quan tâm mạnh mẽ.

Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật
Giao thông đôi khi còn chưa tiếp cận với người khuyết tật (Ảnh: DRD VietNam)

Nhiều chuyển biến tích cực

Tại Tọa đàm "Thúc đẩy giao thông tiếp cận với người khuyết tật chào mừng Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4", bà Dương Thị Vân, Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hoà nhập (ICC), cho biết trong những năm qua, nhà nước ta đã có nhiều chương trình hành động, chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông.

Những chính sách, hành động đó có thể kể đến như: Năm 2011, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, trong đó, 1/8 nguyên tắc chung của công ước có những quy định điều chỉnh thiết kế phổ quát cho người khuyết tật. Năm 2021, Việt Nam đã tham gia kí kết mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có đề cập đến phát triển hệ thống giao thông vận tải cho người khuyết tật. 

Theo đó, mục tiêu này hướng đến việc cho đến năm 2030, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được hệ thống giao thông vận tải an toàn, trong khả năng chi trả, dễ tiếp cận và bền vững.

Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật
Nhiều xe bus đã có sàn thấp, hỗ trợ người khuyết tật lên xuống (Ảnh: Dân Sinh)

Ngoài ra, Luật người khuyết tật cũng đã có những quy định riêng về giao thông. Chỉ thị 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật cũng có những quy định rất cụ thể về công tác hỗ trợ giao thông cho người khuyết tật.

Thêm vào đó, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều quyết định, công văn về vấn đề giao thông tiếp cận như công văn số 560, quyết định 1190 về chương trình trợ giúp người khuyết tật trong giai đoạn 2021-2030…

Theo đánh giá của Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, sau nhiều năm triển khai, trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng, tình hình triển khai công tác giao thông tiếp cận cho người khuyết tật đã có nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo dựa trên đánh giá của Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát tại TP. Hà Nội cho thấy, hầu hết tại các vỉa hè, sân bay, nhà ga đã có những công cụ và dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật.

Cụ thể, 100% các vỉa hè xây dựng mới hoặc cải tạo đều đảm bảo: có đường dốc lên xuống, đường dẫn hướng giúp người khuyết tật thuận tiện trong đi lại. Trên máy bay đã có các thang nâng, hướng dẫn chi tiết giúp người khuyết tật đi máy bay. Dịch vụ hỗ trợ và hệ thống nhà vệ sinh cho người khuyết tật ở sân bay đã được cải thiện hơn.

Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật 1
Vietnam Airlines đã có thang nâng hỗ trợ người khuyết tật (Ảnh: Vietnam Airlines)

Nhà ga, ví dụ ga Hà Nội đã có hệ thống xe lăn phục vụ cho người khuyết tật, người già yếu, người trẻ sức khỏe kém. Hệ thống đường sắt trên cao của Hà Nội đã rất tiếp cận và tiến bộ.

Nhiều xe buýt đã có sàn thấp (có thể hạ xuống 20cm), có đường dốc để cho xe lăn có thể lên xuống dễ dàng, có hệ thống dấu hiệu âm thanh, hình ảnh rất tốt báo hiệu cho người khuyết tật. Nhà chờ xe bus đã có thiết kế lối đi riêng cho hành khách và xe lăn của nguowif khuyết tật tiếp cận thuận lợi. Một số nhà chờ đã có tích hợp với hệ thống GPS, sàn nhà chờ được thiết kế chiều cao bằng mặt sàn phương tiện. Thái độ nhân viên phục vụ cũng đã có cải thiện rất nhiều so với trước đây.

Tại các nút giao thông đã có những tín hiệu, biển báo giúp người khuyết tật sang đường. Trên vỉa hè đã có những đường dẫn dành cho người mù. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm và đường Bà Triệu hiện đã có các gờ nổi để người khuyết tật đi lại.

Về hoạt động hỗ trợ chi phí tham gia giao thông, tính đến tháng 12/2022, trong tổng số 2.263 xe buýt đã có 2.008 xe thực hiện miễn giảm giá vé cho người khuyết tật. Trong đó, số phương tiện có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật đạt tỉ lệ 100% đoàn phương tiện, hầu hết các phương tiện có trợ giá được trang bị hệ thống báo điểm dừng bằng âm thanh, một số phương tiện được trang bị hệ thống đèn LED, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận giao thông. Hiện tại, đã có 11 đơn vị vận tải hành khách công cộng thực hiện miễn giá vé đối với người khuyết tật.

Có thể thấy rằng, những thay đổi, cải tạo này không chỉ hỗ trợ người khuyết tật, những người già, trẻ nhỏ mà còn hỗ trợ hầu hết hoạt động của tất cả mọi người. VD: Thay vì phải xách nặng, những đường dốc ở sân bay giúp mọi người mang, kéo vali được dễ dàng hơn. Hệ thống đèn tín hiệu sang đường giúp trẻ em, người già sang đường được nhanh chóng, an toàn. Những đường dốc lên xuống cho xe lăn cũng giúp xe máy, ô tô đi lại dễ dàng hơn.

Vẫn còn đó những khó khăn

Tuy nhiên, theo Báo cáo dựa trên đánh giá của Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát tại TP. Hà Nội, trong quá trình thi công, do thiếu sự giám sát, một số tuyến đường chưa phát huy được tác dụng, chưa đáp ứng được tối đa nhu cầu tham gia giao thông của người khuyết tật.

Ví dụ, với hệ thống đường bộ, nhiều tuyến đường có vỉa hè, nhưng không có dốc lên xuống dành cho người đi xe lăn. Khi sang đường, người khuyêt tật vẫn gặp trường hợp bên này có đường dốc nhưng bên kia lại không có đường dốc, hoặc vỉa hè có đường dốc nhưng lại chưa đảm bảo tiêu chuẩn cho người khuyết tật đi lại.

Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật 2
Đã làm đường dốc nhưng không bảo trì, nhiều người khuyết tật vẫn khó khăn đi lại (Ảnh: Đ.T)

“Trong hệ thống đường bộ, đôi khi những biển chỉ dẫn dành cho người khuyết tật bị làm sai tiêu chuẩn. Có những nơi lẽ ra phải gắn thẳng thì lại bị làm ngang, khiến cho người khiếm thị không đi được đúng hướng. Ở ga tàu vẫn có những cái vệt dốc mà thậm chí chúng ta cũng không biết là dùng để làm gì vì nó dốc quá, không đúng quy định, khiến không ai có thể sử dụng được”, bà Vân nhấn mạnh.

Nhiều hè đường bị lấn chiếm cũng do công tác giám sát, quản lý chưa nghiêm gây khó khăn cho người đi bộ, người cao tuổi, người khuyết tật đi lại Hà Nội hiện có khoảng hơn 3.800 điểm dừng, 361 nhà chờ xe buýt, phần lớn trong số này vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận như ghế ngồi, mái che… nhiều nhà chờ và điểm dừng còn bị lấn chiếm không gian bởi những cá nhân thiếu ý thức.

Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật 3
Những vệt dốc... khó hiểu

Chị Trịnh Thị Thu Thủy, Ủy viên Ban thường trực Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, Trưởng nhóm Vì tương lai tươi sáng, cho biết: “Khi thực hiện khảo sát cho dự án giao thông tiếp cận và du lịch tiếp cận trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi thấy rằng hệ thống giao thông công cộng những năm gần đây thực sự đã có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng hệ thống giao thông vận tải cần chú ý một số vấn đề về gia cố, bảo hành hệ thống hỗ trợ người khuyết tật trên xe buýt. Chẳng hạn, trên nhiều xe bus đã có hệ thống thanh, dây níu móc xe lăn. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến bus, những dây móc này lại bị tháo bỏ không rõ nguyên do. Một số xe bus có hệ thống thông báo điểm dừng rất tốt nhưng xe lại mở nhạc quá to khiến cho người khiếm thị không nghe rõ. Một số biển báo điểm dừng cho người khiếm thính cũng không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả… Ngành giao thông đã đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốt, vì vậy chúng tôi mong rằng các tuyến buýt cải thiện những vấn đề này để hệ thống đó được diễn ra thường xuyên và hiệu quả hơn”.

Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật 4
Lối đi dành cho người mù chưa được quan tâm, bảo trì (Ảnh: Báo Xây Dựng)

Ông Nguyễn Khả Hùng, Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội, cho biết: “Về hệ thống xe buýt, chúng tôi đề xuất làm thêm một cái loa ở mạng sườn xe. Khi chờ xe bus, chúng tôi cảm thấy có nhiều xe đến nhưng không biết đó là xe nào. Và không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được sự trợ giúp từ người xung quanh. Với các công trình công cộng, chúng tôi mong là sẽ có hệ thống loa báo số tầng trong thang máy ở các chung cư. Với cầu thang bộ, chúng tôi kiến nghị tay nắm cầu thang nên có ký hiệu số tầng bằng chữ nổi. Tôi nghĩ đây không phải là những cải tiến lớn lao, nhưng lại có thể giúp cho người mù xác định được phương hướng và đi lại dễ dàng hơn rất nhiều”.

Đề xuất, kiến nghị tổng thể

Để giải quyết một cách có hệ thống những vấn đề này, Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội đã đưa ra bảy đề xuất đối với ngành giao thông vận tải và các sở, bộ, ngành có liên quan.

Thứ nhất, đề xuất Cục giao thông thành phố Hà Nội nhanh chóng hoàn thiện tất cả các hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết để gửi cho các cơ quan liên quan thực hiện, sao cho phù hợp với các công ước quốc tế cũng như đề án 1190 về hỗ trợ tiếp cận giao thông dành cho người khuyết tật. Với hệ thống văn bản pháp lý này, hoạt động triển khai sẽ rõ ràng và cụ thể hơn.

Thứ hai, kiến nghị thành phố có những biện pháp nhằm kiểm định, đăng kiểm chất lượng hệ thống mô tô, xe máy, dành cho người khuyết tật và những quy định về đối tượng được sử dụng phương tiện cá nhân, xe 2 bánh, 3 bánh, 4 bánh để người khuyết tật có thể sử dụng phương tiện giao thông cá nhân dễ dàng hơn.

Thứ ba, kiến nghị thành phố lồng ghép những quy định về giao thông tiếp cận phổ quát vào các đề án quy hoạch, ví dụ, xây dựng đề án về thành phố thông minh.

“Khi đọc về đề án xây dựng thành phố thông minh, chúng tôi nhận ra rằng đề án này không có tiêu chí tiếp cận nào cả. Chúng tôi đề nghị khi xây dựng các thành phố thông minh, nhà nước, thành phố có những tiêu chí về tiếp cận các công trình công cộng và giao thông, xây dựng và cải tạo quy trình để hướng đến những nhóm dễ bị tổn thương: không chỉ có người khuyết tật mà còn có người già hay phụ nữ mang thai…”, bà Vân bày tỏ.

Thúc đẩy giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật 5
Bà Dương Thị Vân, Phó chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội)

Thứ tư, đề xuất xây dựng một hệ thống xe buýt đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Trong hệ thống xe bus của mình, các công ty cung cấp dịch vụ vận tải có thể đặt hàng một lượng xe buýt với đầy đủ công cụ hỗ trợ và tiếp cận đẩy đủ dành cho người khuyết tật.

Thứ năm, đề xuất miễn giảm phí vé cho các xe bus liên tỉnh. Hiện tại, mặc dù 100% người khuyết tật được miễn giảm vé xe bus trong nội thành thành phố Hà Nội, trong khi đó họ thường không được miễn giảm khi đi xe bus liên tỉnh. Hiện tại, những chuyến xe liên tỉnh đã có quy định về việc giảm 40% giá vé xe bus cho người khuyết tật.

Thứ sáu, đề nghị các hãng máy bay bỏ yêu cầu ký miễn trừ trách nhiệm khi lên xuống máy bay. Một số người khuyết tật vẫn còn phải ký yêu cầu miễn trừ trách nhiệm tại sân bay và một số hãng máy bay vẫn yêu cầu điều này. Hiện nay, Vietnam Airline đã bỏ thủ tục yêu cầu hành khách là người khuyết tật phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm. Đây là một hoạt động được cộng đồng người khuyết tật rất hoan nghênh và ghi nhận.

Thứ bảy, Hội người khuyết tật TP Hà Nội cũng kiến nghị hỗ trợ đối với các cơ sở, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải cho người khuyết tật. Khi được hỗ trợ, những cơ sở hỗ trợ người khuyết tật sẽ góp phần xây dựng thêm nhiều sáng kiến có ích, từ đó nâng cấp lên thành những ngành hỗ trợ cho cộng đồng người khuyết tật.

Cuối cùng, đề nghị các tổ chức, cơ quan liên quan và các hội người khuyết tật tăng cường tham gia quá trình góp ý, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ ngành giao thông, đồng thời thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong dân chúng về việc xây dựng giao thông tiếp cận.

Trước những đề xuất của Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, ông Lê Xuân Trọng, Chuyên gia thuộc Viện chiến lược và phát triển viện giao thông vận tải đã tiếp nhận những góp ý, đề xuất, đồng thời nhấn mạnh thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện những công tác trợ giúp người khuyết tật về vấn đề giao thông tiếp cận trong thời gian tới.

Cụ thể, TP. Hà Nội sẽ thực hiện các chiến lược phát triển hạ tầng xe buýt những vị trí nhà chờ có đủ điều kiện để xây dựng lối đi lại cho hành khách nói chung, người cao tuổi, người khuyết tật nói riêng tiếp cận xe buýt thuận tiện, an toàn. Toàn mạng lưới tăng cường đầu tư đổi mới phương tiện, yêu cầu phương tiện phải có thiết kế cầu nâng, vị trí dành cho xe lăn, đèn LED báo điểm dừng kết hợp với hệ thống âm thanh... trên các phương tiện giao thông công cộng dành cho người khuyết tật.

Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục phát hành đầy đủ và kịp thời thẻ miễn phí cho người cao tuổi, người khuyết tật trên địa bàn Thành phố; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo cho lái xe và nhân viên phục vụ nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật tiếp cận giao thông công cộng bằng xe buýt.